Lấy đầu tư công dẫn dắt, thu hút đầu tư xã hội

Để đạt mục tiêu tăng trưởng 10,5% trở lên trong năm 2025, tỉnh Thái Nguyên đã đề ra nhiều giải pháp. Trong đó có giải pháp gắn trách nhiệm của chủ đầu tư trong giải ngân vốn đầu tư công; bảo đảm hoàn thành kế hoạch giải ngân theo lộ trình đề ra. Cùng với đó, tỉnh nỗ lực thực hiện chủ trương lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt và thu hút đầu tư xã hội.

Tuyến đường Vành đai V qua địa bàn huyện Phú Bình (nối với tỉnh Bắc Giang) đã cơ bản được hoàn thành, góp phần tạo hệ thống giao thông liên kết vùng, thúc đẩy thu hút đầu tư. Ảnh: T.L

Tuyến đường Vành đai V qua địa bàn huyện Phú Bình (nối với tỉnh Bắc Giang) đã cơ bản được hoàn thành, góp phần tạo hệ thống giao thông liên kết vùng, thúc đẩy thu hút đầu tư. Ảnh: T.L

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công

UBND tỉnh Thái Nguyên xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 và các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế chủ yếu gồm: Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 10,5% so với năm 2024 (trong đó khu vực nông, lâm nghiệp thủy sản tăng 4%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 12,3%; khu vực dịch vụ và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 8,3%). Thu hút 4,6 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); 42,8 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư trong nước ngoài ngân sách. Tổng vốn đầu tư và phát triển toàn xã hội đạt 104.100 tỷ đồng.

Năm nay, kế hoạch vốn đầu tư công (VĐTC) của tỉnh Thái Nguyên được Thủ tướng Chính phủ giao là 5.584 tỷ đồng; VĐTC được HĐND tỉnh, UBND tỉnh giao là 6.625 tỷ đồng. UBND tỉnh đặt mục tiêu đến ngày 31/1/2026, Thái Nguyên giải ngân đạt 100% kế hoạch VĐTC được giao năm 2025.

Từ đầu năm đến nay, trong các phiên họp hằng tháng cũng như công tác điều hành, lãnh đạo UBND tỉnh quyết liệt chỉ đạo các địa phương phải nỗ lực thực hiện thắng lợi 3 mục tiêu là giải ngân VĐTC, thu ngân sách và tăng trưởng kinh tế.

Bám sát chỉ đạo của UBND tỉnh, các đơn vị, địa phương đã xây dựng kế hoạch giải ngân, yêu cầu chủ đầu tư báo cáo và tuân thủ tiến độ giải ngân theo từng tháng, quý; phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm từng dự án, kiểm soát chặt quy mô, tiến độ, hiệu quả đầu tư. Đồng thời chủ động đề xuất kịp thời điều chuyển kế hoạch vốn của các dự án và có nhu cầu đẩy nhanh tiến độ theo quy định, đặc biệt là các dự án quan trọng, cấp bách, trọng điểm, dự án hạ tầng kết nối.

Có mặt tại một số công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh, như: Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên - Bắc Giang - Vĩnh Phúc; đường Vành đai V đoạn qua huyện Phú Bình (nối với tỉnh Bắc Giang); tuyến đường kết nối từ đường Bắc Sơn đến Khu liên hợp thể thao tỉnh; đường Vành đai I (đoạn Bờ Đậu, Phú Lương - Hóa Thượng, Đồng Hỷ) và tuyến tránh đô thị Hóa Thượng..., chúng tôi nhận thấy tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) đang được đẩy nhanh để hoàn thành việc xây dựng, đưa vào sử dụng trong năm nay.

Cùng với đó, các dự án: Sân vận động Thái Nguyên, trụ sở Khối các cơ quan tỉnh đang được đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu hoàn thành trong quý II/2025. Đối với Dự án xây dựng cầu Quang Vinh 1, Quang Vinh 2, có mặt bằng đến đâu là nhà thầu thi công đến đó. Khi 2 cây cầu được hoàn thành sẽ góp phần liên kết hạ tầng giao thông, tạo điều kiện thu hút đầu tư các dự án phát triển đô thị trên địa bàn TP. Thái Nguyên và các vùng lân cận.

Cụm công nghiệp Hạnh Phúc - Xuân Phương (Phú Bình) nằm sát tuyến đường Vành đai V đã được thi công trên 90% khối lượng. Ảnh: Mạnh Hùng

Cụm công nghiệp Hạnh Phúc - Xuân Phương (Phú Bình) nằm sát tuyến đường Vành đai V đã được thi công trên 90% khối lượng. Ảnh: Mạnh Hùng

Năm 2025, Ban Quản lý dự án công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh được giao tổng kế hoạch vốn là trên 1.522 tỷ đồng, phân bổ cho 12 dự án. Với sự chỉ đạo quyết liệt của chủ đầu tư, công tác giải ngân VĐTC đối với một số dự án đạt kết quả khá cao.

Cụ thể, Dự án đường kết nối đường tỉnh (ĐT) 265 từ xã Bình Long (Võ Nhai) đi Bắc Giang, giá trị giải ngân trên giá trị vốn được cấp đạt 100% (47/47 tỷ đồng); Dự án đường Vành đai V đoạn qua khu vực tỉnh Thái Nguyên, giá trị giải ngân trên giá trị vốn được cấp là 45,395/114,683 tỷ đồng, đạt 39,58%; Dự án đường Vành đai I (đoạn Bờ Đậu, Phú Lương - Hóa Thượng, Đồng Hỷ) và tuyến tránh đô thị Hóa Thượng, giá trị giải ngân trên giá trị vốn được cấp là 44,5/78 tỷ đồng, đạt 57,05%...

Ông Trần Trọng Cường, Phó Trưởng Ban Quản lý dự án công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh, khẳng định: Với vai trò là chủ đầu tư, Ban đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương có dự án đẩy nhanh tiến độ GPMB, tranh thủ thời tiết thuận lợi có mặt bằng đến đâu thi công đến đó. Hàng tuần, chúng tôi đều tổ chức kiểm đếm tiến độ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất kế hoạch giải ngân VĐTC năm 2025...

Khơi thông nguồn lực, thu hút đầu tư xã hội

Tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh trong quý I/2025 ước đạt gần 14,3 nghìn tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn của khu vực kinh tế trong nước đạt gần 7,4 nghìn tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ; vốn của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt gần 6,9 nghìn tỷ đồng, tăng 15,7%.

Nhìn vào số liệu tổng đầu tư toàn xã hội quý I từ năm 2021 đến 2024 lần lượt là 8.700 tỷ đồng; 11.577 tỷ đồng; 11.784 tỷ đồng và 13.165 tỷ đồng, chúng ta thấy nguồn lực đã được khơi thông, Thái Nguyên là điểm đến của các tập đoàn lớn trong và ngoài nước.

Trong quý I/2025, toàn tỉnh cấp mới đăng ký đầu tư cho 4 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký 104,9 triệu USD; điều chỉnh tăng vốn cho 11 lượt dự án với tổng số vốn tăng thêm là 128,1 triệu USD (gấp 3,7 lần về số dự án và gấp 17,5 lần về số vốn đăng ký so với cùng kỳ).

Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 224 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng số vốn đăng ký đạt 11,16 tỷ USD.

Đáng chú ý là Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Sông Công II - giai đoạn 2 được khởi công ngày 10/3/2025, có quy mô sử dụng đất gần 300ha, với tổng vốn đầu tư gần 4 nghìn tỷ đồng, do Công ty CP Viglacera Thái Nguyên (doanh nghiệp thành viên của Tổng Công ty Viglacera) làm chủ đầu tư.

Đây là khu công nghiệp tập trung đa ngành, với tiêu chí là khu công nghiệp tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và thân thiện môi trường. Trong đó ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp chế biến chế tạo, điện tử, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, viễn thông, dược phẩm...

Dự án khi được hoàn thành sẽ mở ra nhiều cơ hội mới, góp phần tạo thêm việc làm, tăng thu ngân sách và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Dự án Flamingo Majestic Island Resort được Tập đoàn Flamingo triển khai đầu tư tại hồ Núi Cốc, có tổng diện tích quy hoạch trên 61ha (trong đó có trên 41ha mặt hồ). Ảnh: L.K

Dự án Flamingo Majestic Island Resort được Tập đoàn Flamingo triển khai đầu tư tại hồ Núi Cốc, có tổng diện tích quy hoạch trên 61ha (trong đó có trên 41ha mặt hồ). Ảnh: L.K

Chỉ sau đó 5 ngày, ngày 15/3/2025, tại hồ Núi Cốc, Tập đoàn Flamingo chính thức khởi công Dự án Flamingo Majestic Island Resort, có tổng diện tích quy hoạch là 61,01ha (trong đó có 41,26ha là diện tích mặt hồ).

Resort bao gồm 107 dinh thự hạng sang, các bungalow biệt lập cùng hệ thống tiện ích cá nhân hóa theo tiêu chuẩn 6 sao và là khu nghỉ dưỡng 6 sao đầu tiên tại miền Bắc…

Kết quả trên là minh chứng sống động cho việc đầu tư công có trọng điểm về hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, giao thông, đô thị… đã dẫn dắt, kích hoạt và thu hút đầu tư xã hội trên địa bàn tỉnh.

Từ đó, Thái Nguyên tạo dựng được môi trường đầu tư hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư, tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước, đặc biệt là các dự án có sức lan tỏa lớn, thân thiện với môi trường, mang lại giá trị gia tăng cao, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững...

Hằng Nga

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202504/lay-dau-tu-cong-dan-dat-thu-hut-dau-tu-xa-hoi-18427b9/