Lấy doanh nghiệp làm trung tâm trong phát triển ngành công nghiệp môi trường
Lấy doanh nghiệp tư nhân làm trung tâm, hỗ trợ thông qua các cơ chế ưu đãi về tín dụng xanh, chính sách thuế, ưu đãi đầu tư, thúc đẩy hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong công nghiệp môi trường.
Công nghiệp môi trường (CNMT) đang được xác định là một trong những ngành kinh tế trọng điểm, có vai trò then chốt trong việc nâng cao năng lực tự chủ công nghệ, cải thiện năng suất và chất lượng tăng trưởng. Đây cũng là lĩnh vực có tiềm năng lớn để thu hút đầu tư, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và hỗ trợ quá trình giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Hiện nay, cơ quan chức năng đang xây dựng dự thảo Chương trình phát triển ngành Công nghiệp môi trường đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với định hướng lớn là lấy doanh nghiệp tư nhân làm trung tâm, hỗ trợ thông qua các cơ chế ưu đãi về tín dụng xanh, chính sách thuế, ưu đãi đầu tư, thúc đẩy hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong CNMT. Cùng với đó là các giải pháp đồng bộ về thể chế, tiêu chuẩn – quy chuẩn kỹ thuật, phát triển thị trường và hạ tầng dữ liệu.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Công Thương rà soát thể chế, chính sách đã ban hành, đề xuất bổ sung những quy định còn thiếu, đặc biệt trong lĩnh vực thuế và tài chính - Ảnh: VGP/Minh Khôi
Chương trình nhấn mạnh vai trò của nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và phát triển sản phẩm mới – nhất là các công nghệ tiên tiến về xử lý chất thải, tái chế, tiết kiệm năng lượng, sản xuất thông minh. Các sản phẩm ứng dụng công nghệ sinh học, cảm biến, điều khiển tự động, phần mềm quản trị thông minh được khuyến khích phát triển và đưa vào sản xuất.
Song song với đó, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho CNMT cũng được coi là giải pháp trọng tâm. Chương trình sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về nhu cầu nhân lực, tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ quản lý nhà nước và doanh nghiệp, hình thành đội ngũ chuyên gia có năng lực tiếp cận công nghệ và thị trường quốc tế.
Tại cuộc họp về dự thảo Chương trình phát triển ngành Công nghiệp môi trường đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050,
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Công Thành cho rằng, cần tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng khu công nghiệp chuyên về tái chế, công nghệ nước hoặc xử lý rác thải; bổ sung nhóm nhiệm vụ phát triển công nghiệp xử lý chất thải xây dựng, nông nghiệp và tái chế pin mặt trời…
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, Chương trình cần xác định rõ ngành CNMT – bao gồm cả lĩnh vực dịch vụ – phải trở thành ngành kinh tế quan trọng, đóng vai trò chiến lược trong bảo đảm độc lập, tự chủ khi xử lý các thách thức môi trường của đất nước, tiến tới xuất khẩu công nghệ, sản phẩm và dịch vụ môi trường.
Mỗi lĩnh vực trong CNMT cần có mục tiêu cụ thể. Đơn cử như xử lý chất thải đặt chỉ tiêu xử lý triệt để chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nguy hại, nước thải đô thị và công nghiệp. Kinh tế tuần hoàn xác định tỷ lệ tái chế, tái sử dụng trong công nghiệp, xây dựng, khai khoáng. Năng lượng sạch nêu rõ tỷ lệ ứng dụng trong sản xuất, giao thông, xây dựng. Giám sát môi trường làm rõ số lượng trạm quan trắc, mức độ tự động hóa, phạm vi bao phủ. Dịch vụ môi trường hướng đến xây dựng hệ sinh thái đa dạng với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế.
Nhấn mạnh vai trò chủ đạo của doanh nghiệp tư nhân, Phó Thủ tướng lưu ý, những lĩnh vực có chi phí cao, rủi ro lớn hoặc chưa có doanh nghiệp tư nhân đủ năng lực thì khu vực công cần đi trước mở đường – như xử lý chất thải nguy hại, phát triển vật liệu thân thiện môi trường, quan trắc môi trường quy mô lớn, công nghệ tái chế rác thải điện gió, điện mặt trời...
Các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực năng lượng, xây dựng, công nghiệp cần được giao thực hiện các dự án mẫu về CNMT để làm cơ sở nhân rộng trên toàn quốc.