Lấy đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có chất lượng làm khâu đột phá
Thời gian qua, trước yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội, cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Quảng Trị đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CB,CC,VC) vừa 'hồng', vừa 'chuyên'. Bên cạnh đó, nhiều CB,CC,VC tự sắp xếp thời gian công tác, tự túc kinh phí để đi học nhằm nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho bản thân.
Khi nói về sự đóng góp của đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ có trình độ sau đại học, tiến sĩ Trương Đình Thăng, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Cao đẳng Sư phạm (CĐSP) Quảng Trị, nhận xét: “Những năm qua trên địa bàn tỉnh, nguồn nhân lực có trình độ sau đại học ngày càng tăng. Bậc học sau đại học có tính chuyên sâu, những người tốt nghiệp thạc sĩ, tiến sĩ là những người nhận được tấm bằng tốt nghiệp được xem như là “giấy phép hành nghề nghiên cứu” để tiếp tục công việc nghiên cứu khoa học. Chính vì vậy, lực lượng nhân lực có trình độ sau đại học có nhiều đóng góp quan trọng trong nghiên cứu khoa học và nâng cao chất lượng công tác”.
Tại Trường CĐSP Quảng Trị, khi được nâng cấp năm 1997 (tiền thân là Trường Trung cấp Sư phạm Vĩnh Linh) chỉ có 1 giảng viên có trình độ thạc sĩ. Đến nay, sau hơn 20 năm xây dựng và phát triển, trường có 10 tiến sĩ và trên 70 thạc sĩ. Đội ngũ có trình độ thạc sĩ và tiến sĩ đã đóng góp rất lớn trong nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường, đặc biệt là nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học. Tính từ năm 2013, đội ngũ giảng viên của nhà trường mới bắt đầu làm quen với xuất bản quốc tế trên các tạp chí có uy tín, thuộc danh mục ISI và Scopus. Đến nay, có hơn 70 công trình đã được công bố quốc tế trên tạp chí danh mục ISI/Scopus. Trung bình mỗi năm, giảng viên của nhà trường, đặc biệt là giảng viên trình độ tiến sĩ có 10 công bố quốc tế. Hiện nay, giảng viên của nhà trường đang thực hiện 3 đề tài Nafosted (Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia). Trong số 30 trường CĐSP trên toàn quốc thì chưa có trường nào có được thành tích nghiên cứu khoa học như Trường CĐSP Quảng Trị”.
Cùng chung cảm nhận với tiến sĩ Trương Đình Thăng, thạc sĩ, bác sĩ CKII Nguyễn Thị Luyến, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị cho biết: “Thời gian qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh thực hiện tốt các chính sách đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ của tỉnh nên bệnh viện đã xây dựng được đội ngũ y, bác sĩ có chuyên môn cao, y đức tốt. Mặc dù bệnh viện có 700 giường bệnh theo kế hoạch nhưng giường bệnh thực tế thì cao hơn, mỗi ngày khám ngoại trú 450- 700 bệnh nhân, điều trị nội trú 800- 900 bệnh nhân. Hiện bệnh viện thực hiện thành công nhiều bệnh khó như tán sỏi ngoài cơ thể, phẫu thuật nội soi cắt tuyến u tuyến thượng thận, phẫu thuật điều trị phình đại tràng bẩm sinh, mổ bệnh nhi sơ sinh tắc ruột, phẫu thuật lòng ngực vết thương thấu tim, chạy thận nhân tạo cho trẻ em. Có được thành quả đó là công sức chung của tập thể cán bộ, y, bác sĩ, nhất là đội ngũ bác sĩ có tay nghề giỏi, có học vị cao”.
Từ ngày lập lại tỉnh đến nay, công tác đào tạo, bồi dưỡng xây dựng đội ngũ CB,CC,VC có chất lượng luôn được tỉnh quan tâm đúng mức. Đặc biệt, trong những năm gần đây, tỉnh có những chủ trương, giải pháp đột phá nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, từng ngành, trong đó lấy đội ngũ CB,CC,VC, nhất là đội ngũ CB,CC,VC có chất lượng làm khâu đột phá. Trong các chính sách đó, có Nghị quyết số 12 ngày 31/5/2013 của HĐND tỉnh về việc quy định một số chính sách đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ, thu hút và tạo nguồn nhân lực có chất lượng của tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2013- 2020 nay được thay thế bằng Nghị quyết số 09 ngày 23/5/2017 của HĐND tỉnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 12 về việc quy định một số chính sách đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ, thu hút và tạo nguồn nhân lực có chất lượng của tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2013- 2020.
Đánh giá kết quả thực hiện 2 nghị quyết này của HĐND tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ Hồ Ngọc An cho biết: “Chính sách hỗ trợ đào tạo sau đại học đã góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ CB,CC,VC, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị. Đào tạo sau đại học đã có định hướng và xác định rõ chuyên ngành đào tạo, số lượng cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị, gắn với yêu cầu thực tế nhiệm vụ và định hướng phát triển chung của ngành, của tỉnh, tránh được tình trạng đào tạo tràn lan như trước đây. Tập trung hỗ trợ đào tạo sau đại học đối với những ngành, nghề, cơ cấu đội ngũ CB,CC,VC còn thiếu nhân lực có chất lượng. Công tác quy hoạch, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, quản lí và bố trí sử dụng CB,CC,VC sau đào tạo được thực hiện nền nếp hơn; chính sách hỗ trợ đào tạo sau đại học được triển khai thực hiện có hiệu quả đã khuyến khích CB,CC,VC đặc biệt là CB,CC,VC nữ đi đào tạo nâng cao trình độ”.
Bên cạnh đó, cùng với sự nỗ lực tự học của CB,CC,VC, đến nay toàn tỉnh có 1.135/19.565 CB,CC,VC có trình độ sau đại học, chiếm tỉ lệ 5,8%, phấn đấu đến năm 2020 có 1.320 CB,CC,VC có trình độ sau đại học. Kinh phí hỗ trợ làm luận văn tốt nghiệp sau đại học đối với các trường hợp chuyển tiếp (đi học trước thời điểm Nghị quyết số 12 năm 2013 có hiệu lực) 217 người, hỗ trợ kinh phí đào tạo sau đại học theo chính sách của tỉnh 25 người với tổng kinh phí hơn 3,3 tỉ đồng. Công tác thu hút CB,CC,VC theo Nghị quyết số 12 năm 2013 và Nghị quyết số 09 năm 2017 của HĐND tỉnh bằng hình thức tuyển thẳng gồm 281 người, tất cả đều có trình độ thạc sĩ hoặc tốt nghiệp đại học đạt thủ khoa.
Khi đội ngũ CB,CC,VC được tăng cường về số lượng và chất lượng đã thực sự đóng vai trò đột phá trong phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Thời gian qua, nhất là những năm trở lại đây, tốc độ phát triển kinh tế của tỉnh luôn đạt ở mức cao. Riêng trong năm 2019, Quảng Trị có 24/24 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, trong đó có 10 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Đây là năm thứ 3 liên tiếp Quảng Trị hoàn thành tất cả các chỉ tiêu…
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=145571