Lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chí đánh giá DNNN
Luật Doanh nghiệp cần làm rõ hơn tính chất, hoạt động của DNNN để đảm bảo lấy tiêu chí, hiệu quả kinh tế làm tiêu chí định lượng, đánh giá.
Thảo luận tại tổ về dự thảo luật Doanh nghiệp sửa đổi vào sáng nay, Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Trần Sỹ Thanh (Lạng Sơn) nêu nhiều nỗi khổ của DNNN.
Ước được đổi vai
“Bộ KH-ĐT nói DN tư nhân chỉ mong như DNNN, nhưng DNNN lại chỉ mong được như DN tư nhân”, Chủ tịch PVN nói.
Ông dẫn câu chuyện ngay Tập đoàn Dầu khí: “Làm bao nhiêu phải nộp hết bấy nhiêu, chỉ giữ một phần lại để tái đầu tư thôi, còn lại nộp hết, không thấy ưu ái gì hơn cả, trong khi thủ tục thì vô cùng phức tạp".
“Kiểu như sống trong một ngôi nhà 'ngũ đại đồng đường'. Mặc dù thế hệ thứ 5 đã lớn, 40-50 tuổi, làm ăn tốt rồi, trưởng thành, va đập rồi nhưng động cái gì cũng phải xin, không phải xin bố mình mà xin đến ông cố”, ông Thanh ví von và cho rằng, “DNNN chỉ mong muốn trở thành DN tư nhân”.
Ông cũng nhìn nhận, DN tư nhân mong muốn như DNNN trong việc tiếp cận các nguồn tài nguyên, tài chính nhẹ nhàng hơn.
Tuy nhiên, Chủ tịch PVN cũng lưu ý, DN tư nhân thật sự chưa phải quá mạnh và chưa đủ uy tín để tiếp cận nên chi phí có thể cao hơn DNNN.
Đi vào góp ý dự luật DN sửa đổi, ĐB tỉnh Lạng Sơn nhấn mạnh: “Chúng ta có kinh nghiệm rồi, nhiều khi không sửa thì ít sai, càng sửa càng sai”.
Theo ông Thanh, khi đưa ra bàn, mỗi người chỉ tiếp cận một góc vấn đề, hoặc một hiện tượng, nhưng không hiểu được rằng để vận hành cả bộ máy hành chính, bộ máy của các DN, thậm chí của cả cơ quan tư pháp, khối nội chính, nếu sửa mà không chạy mô hình thử thì rất khó.
Ông nêu kinh nghiệm về việc thiết kế mô hình vận hành cho tài chính công trước khi sửa một luật, quy trình hóa để đưa vào máy tính, phải thiết kế hàng nghìn người giả lập ngồi như các bộ ngành.
Khi thực hiện (không có vấn đề gì về đạo đức), hoàn toàn theo quy trình thì thấy rằng công việc chạy như thế nào, vướng ở đâu để điều chỉnh vào văn bản, bộ máy vận hành trơn tru.
Chủ tịch PVN cho rằng các luật Đầu tư, luật DN, luật Đầu tư công, luật Quản lý vốn… đều chi phối vào hành vi của DN từ khi khai sinh cho đến khai tử.
“Nếu không chạy mô hình (đây chính là một phần đánh giá tác động) thì phải thận trọng một chút. Tôi nghĩ là Chính phủ nên dành thời gian, công sức để thiết lập các mô hình giả định, giao cho nhóm công tác của các bộ ngành chạy song song một cái đối với luật cũ, một cái đối với luật mới, xem cái mới có ưu việc hay không, có đạt mong muốn quản lý không”, ĐB Trần Sỹ Thanh đề nghị.
Theo ông, nếu chạy mô hình này sẽ phát hiện ngay xung đột pháp luật và để luật mới ban hành chặt chẽ.
Ông lấy ví dụ, một công ty thuộc Tập đoàn Dầu khí có một việc từ năm ngoái đến giờ chuyển được 40 triệu đô (khoảng 800 tỷ đồng) về Việt Nam.
“Số tiền này nằm trong một hợp đồng liên doanh ở bên kia, sau khi hoàn thành nhiệm vụ chúng tôi rút tiền về thôi mà từ năm ngoái đến nay không lấy tiền ra tiêu được.
800 tỷ với đơn vị không phải lớn nhưng với đơn vị khác thì là lớn, một năm trời lãi tiền gửi ngân hàng, người ta đi vay thì thiệt hại bao nhiêu tiền”, Chủ tịch PVN phân tích.
Ông kể thêm, công ty thậm chí nhờ ông tác động đến các bộ ngành đến giờ vẫn chưa xong.
“Tức là hệ thống luật của mình cực kỳ phức tạp, rút về thôi mà không chi được, 40 triệu đô ở ngân hàng không giải ngân được”, Chủ tịch PVN nhấn mạnh.
ĐB Lạng Sơn cho rằng, câu chuyện xung đột pháp luật đặt ra cả TƯ, QH bàn nhưng chúng ta không có cách làm luật bài bản và chuyên nghiệp hơn.
“Chúng ta không có mô hình như phòng thí nghiệm để thử nghiệm thì tôi cho rằng rất khó cho người thực hiện”, ông Thanh nói.
QH có thể triệu tập các "ông lớn" đến chất vấn
Cùng quan tâm đến DNNN, ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho biết, ban soạn thảo đã sửa đổi nhưng cần làm rõ hơn tính chất, hoạt động của DNNN để đảm bảo lấy tiêu chí, hiệu quả kinh tế làm tiêu chí định lượng, đánh giá.
Bên cạnh đó, cần quan tâm đến vấn đề minh bạch, công khai. "QH thực hiện việc chất vấn thì nên học tập các nước. QH triệu tập những tập đoàn, DNNN lớn, gây ảnh hưởng xã hội để chất vấn vì họ đang quản lý tiền của dân, tiền thu ngân sách", ĐB đề xuất.
Theo ĐB Ngân, trước mỗi sự kiện nóng, bất thường, hay có vấn đề xảy ra, QH đều có thể triệu tập người đứng đầu những DN này đến để chất vấn. Nếu làm được vậy thì phiên chất vấn sẽ được chờ đợi hơn. Hiện nay, QH đang thực hiện chất vấn theo định kỳ với 4 bộ trưởng, trưởng ngành là cần nhưng chưa đủ.
"QH có thể chất vấn đột xuất một lãnh đạo ngành, ví dụ như giá thịt lợn đang tăng thì có thể mời bộ trưởng phụ trách để chất vấn vấn đề đó ngay, đề ra giải pháp để giải quyết vấn đề", ĐB TP.HCM nói.
ĐB Đỗ Thị Thu Hằng (Đồng Nai) thống nhất với báo cáo thẩm tra quy định về DNNN và đề nghị ban soạn thảo cần có đánh giá toàn diện tác động của điều sửa đổi này
Trong bối cảnh chúng ta đang trong giai đoạn phải tiến hành việc cổ phần hóa thoái vốn DNNN cần rà soát các luật, nghị định, thông tư có liên quan để tránh lúng túng và trì trệ khi áp dụng.
Đi vào nội dung cụ thể, bà Hằng băn khoăn về định nghĩa DNNN là DN nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hay tổng số cổ phần có quyền biểu quyết hoặc Nhà nước nắm giữ 100% quy định tại điều 87a.
Tuy nhiên, về mặt hệ thống của dự thảo luật có nhiều điều, nhiều khoản còn mâu thuẫn lẫn nhau.
Cụ thể như điều 18 về quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp và quản lý DN, khoản 2, điểm c quy định "người quản lý tại DNNN" không được quyền thành lập, góp vốn.
Bà Hằng đề nghị nên xem lại nội dung này vì tại khoản 18, điều 4 quy định "DNNN là DN do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ".
“Như vậy người quản lý tại DNNN này gồm: Chủ tịch công ty, chủ tịch HĐQT, thành viên HĐQT, giám đốc, tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác mà những người này không phải hoàn toàn là người đại diện phần vốn nhà nước”, ĐB tỉnh Đồng Nai phân tích.
Do vậy, bà cho rằng, quy định những cá nhân này không có quyền thành lập góp vốn, mua cổ phần vốn góp và quản lý DN là chưa thỏa đáng.