Lấy mảng xanh làm điểm nhấn
Xây dựng đô thị không chỉ làm cho thành phố đẹp và khang trang hơn mà còn xây dựng cả con người, cách sống trong cộng đồng, ứng xử với môi trường xung quanh
Sau 5 năm rào chắn để thi công nhà ga metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), mặt bằng trước chợ Bến Thành đã được trả lại hiện trạng nhưng không gian khác hẳn xưa, nắng nóng, thiếu mảng xanh.
Bổ sung mảng xanh cho khu trung tâm
Khu vực này có tổng diện tích hơn 45.000 m2, đang được cơ quan chức năng lên kế hoạch cải tạo thành quảng trường lát nền bằng đá granite, lắp tiện ích công cộng, phục dựng tượng Trần Nguyên Hãn, Quách Thị Trang với kinh phí 157 tỉ đồng.
Trong đó có chợ Bến Thành hơn 13.000 m2, giới hạn bởi các trục đường Phan Bội Châu - Phan Chu Trinh - Lê Thánh Tôn - Công trường Quách Thị Trang; là nơi giao cắt các đường Lê Lợi, Lê Lai, Huỳnh Thúc Kháng, Hàm Nghi, Trần Hưng Đạo; là một trong những biểu tượng cho TP HCM, thu hút nhiều người dân, du khách đến mỗi ngày.
Lẽ ra trước lúc đốn hạ cây xanh để thi công nhà ga, cơ quan chức năng cần lường trước để tính luôn phương án khôi phục sau này.
Tuy nhiên, trong lúc chờ cải tạo quảng trường, lựa chọn phương án tương quan về kiến trúc, cảnh quan nên có giải pháp làm đẹp cho khu vực đặc biệt này.
Trên cơ sở định hướng quảng trường để triển khai trước bố cục một số vị trí, kết hợp các tiện ích chiếu sáng nghệ thuật, trình diễn tinh hoa văn hóa truyền thống… Quy hoạch địa điểm tổ chức sự kiện, trò chơi đường phố, hội họa, các chương trình sinh động đa dạng hóa nhu cầu cho người dân và hấp dẫn khách du lịch.
Khu vực trung tâm thành phố rất cần chỉnh trang lại và bổ sung mảng xanh. Như trên vỉa hè các đường lân cận, trong đó có đường Lê Lợi, có sẵn cảnh quan thông thoáng là một trong rất ít nơi còn sót lại nhưng thiếu mảng xanh nên tận dụng tạo không gian đẹp, trồng cây, hoa kiểng.
Cần chọn loài cây phù hợp trang trí đón Tết và người dân đến tham quan dạo bộ, chụp ảnh, vui chơi. Có thể lồng ghép trong thiết kế quảng trường sau này hoặc di chuyển dễ dàng khi cần nhưng tạo được điểm nhấn cho kiến trúc nghệ thuật, hài hòa trong tổng thể.
Phủ mảng xanh từng góc phố, nhà dân
Cây xanh có vai trò thanh lọc không khí, ngăn cản và lắng khói bụi bay trong không gian. Theo tính toán, một cây xanh cao lớn nếu có tán lá chiếm không gian gấp 50 - 70 lần kích thước phần thân thì có thể hút 20 - 60 tấn bụi các loại. Hoa kiểng, bãi cỏ có tác dụng lắng bụi trên mặt đất tầng thấp hơn.
Tăng cường mảng xanh còn giúp giảm âm lượng tiếng ồn, giảm lượng virus độc hại trong không khí, hút và chuyển hóa khí có hại như làm tiêu hao chủ yếu khí CO2 và cũng là "nhà máy" chế tạo thiên nhiên dưỡng khí, ngăn chặn sự bức xạ vừa lan truyền vật chất có tính phóng xạ. Nhiều đô thị phát triển trên thế giới còn có hẳn vành đai xanh nhằm phòng ngừa từ xa, giảm tác hại cho môi trường.
Các thành phố lớn trên thế giới được cho là đáng sống đều có nhiều cây xanh, thậm chí "rừng trong phố" mang đến lợi ích thiết thực. Du khách ấn tượng với Canberra (Úc), Warsaw (Ba Lan) bao phủ sắc xanh nổi tiếng thế giới, diện tích cây xanh bình quân đầu người trên 70 m2.
Xây cầu bộ hành
Ngoài ra, cần có thêm bãi giữ xe, nhà vệ sinh công cộng sạch sẽ, tiến tới mở rộng không gian đi bộ.
Nên nghiên cứu một cây cầu bộ hành băng qua đường Tôn Đức Thắng kết nối giữa phố đi bộ Nguyễn Huệ với công viên bến Bạch Đằng tạo lộ trình liên tục cho người dân dạo bộ, ngắm cảnh càng hấp dẫn.
Stockholm (Thụy Điển) ở vùng hàn đới thuộc Bắc Âu nhưng chính quyền vẫn chú trọng phát triển mảng xanh, diện tích cây xanh bình quân đầu người gần 70 m2, có lượng sinh trưởng cây xanh đứng thứ 3, chỉ sau Mỹ và Canada.
Thủ đô Lisbon - Bồ Đào Nha có mức xanh hóa trung bình trong các nước phát triển, diện tích cây xanh bình quân đầu người đạt 16 m2; có khoảng 250 công viên, vườn hoa, 1.000 ha rừng. Chính quyền khuyến khích trồng cây với khẩu hiệu một đời người phải làm được 3 việc mới xem là hoàn hảo: "Trồng một cây, đẻ một con, viết một quyển sách".
Có định hướng dù làm gì thì cũng ưu tiên phát triển mảng xanh bằng nhiều cách, quan trọng là thống nhất phương án thực hiện. Mỗi cây xanh chiếm chỗ khoảng một xe máy nhưng mang đến lợi ích thiết thực, không trồng được ở vị trí này thì dịch chuyển sang nơi lân cận.
Về mức độ an toàn vào mùa mưa gió, có thể lường trước rủi ro bằng cách cắt tỉa bớt cành. Chỗ nào không trồng được cây xanh to lớn thì chọn loại nhỏ hoặc hoa kiểng, dây leo, chậu cảnh.
Nhìn rộng ra, nhiều nơi hay các khu dân cư chủ động hiện thực hóa bằng cách chỉnh trang mỗi con đường, góc phố có đất trống hoặc nơi chứa rác thành không gian thoáng đãng được phủ bởi mảng xanh.
Khuyến khích các khách sạn, nhà hàng, quán ăn, mặt tiền nhà dân đều có cây xanh, hoa kiểng, tiểu cảnh. Những ai đến đây còn được chiêm nghiệm cách nâng niu từng mầm sống, lối ứng xử hài hòa với thiên nhiên vừa bảo vệ môi trường, gợi lên một điểm sáng hiện đại và thanh lịch.
Từ đó cho thấy xây dựng đô thị không chỉ làm cho thành phố đẹp và khang trang hơn mà còn xây dựng cả con người, cách sống trong cộng đồng, ứng xử với môi trường xung quanh.
Chỉnh trang trục đường Lê Lợi
Liên quan việc chỉnh trang dọc trục đường Lê Lợi, tháng 3-2023, Sở Quy hoạch Kiến trúc TP HCM đã đề xuất UBND TP HCM chi 20-30 tỉ đồng lắp đặt mái che dọc vỉa hè nhằm tạo bóng mát, che mưa, hình thành không gian đi bộ; trồng cây xanh cũng nằm trong kế hoạch này.
Theo Sở Quy hoạch Kiến trúc, đại lộ Lê Lợi là một trong những tuyến phố thương mại, dịch vụ sầm uất bậc nhất trung tâm TP HCM. Đây cũng là một trong 22 tuyến phố đi bộ được thành phố dự kiến sẽ triển khai trong thời gian tới. Toàn bộ dự án này sẽ được thành phố thông qua mới triển khai, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng trước ngày 30-4-2025.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/lay-mang-xanh-lam-diem-nhan-196231228214317218.htm