'Lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm phục vụ'
BHG - Theo công bố mới đây của các bộ, ngành T.Ư về 4 chỉ số liên quan đến cải cách hành chính (CCHC) năm 2022 cho thấy: Tỉnh ta có 3 chỉ số giảm điểm và tụt hạng so với năm 2021; duy nhất 1 chỉ số được cải thiện nhưng vẫn ở top thấp trên bảng xếp hạng của cả nước. Trước thực tế này, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn đã yêu cầu các cấp, ngành đẩy mạnh CCHC trên tinh thần: “Lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm phục vụ”.
Năm 2022, Chỉ số SIPAS – Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (HCNN) của tỉnh ta giảm 19 bậc, xếp thứ 37/63 tỉnh, thành phố. Kết quả đo lường sự nhận định, đánh giá mức độ hài lòng, mong đợi của người dân đối với việc xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách công quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân; việc cung ứng dịch vụ hành chính công dựa trên tri thức, trải nghiệm của người dân chỉ rõ: Không ít cơ quan HCNN cung cấp thông tin, giải trình về các chính sách chưa kịp thời, đầy đủ, thậm chí chưa đúng quy định. Công chức hướng dẫn, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) chưa rõ ràng, gây bức xúc cho người dân. Kết quả giải quyết TTHC còn chậm, muộn so với quy định. Đây là những nguyên nhân chính dẫn đến mức độ hài lòng của người dân đối với tiêu chí liên quan đến công chức của tỉnh ta chỉ xếp thứ 53/63 tỉnh, thành phố (giảm 35 bậc so với năm 2021). Tương tự, mức độ hài lòng của người dân đối với TTHC giảm 26 bậc, xếp thứ 51/63; tiêu chí tiếp cận dịch vụ xếp thứ 52/63, giảm 15 bậc so với năm 2021.
Kết quả phân tích Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) cũng chỉ rõ không ít hạn chế còn tồn tại, khiến chỉ số này giảm tới 16 bậc, xếp thứ 40/63 tỉnh, thành phố. Năm 2022, Chỉ số PAPI của tỉnh ta chỉ có 1 trục nội dung được cải thiện (tăng điểm) nhưng có tới 7 trục nội dung bị giảm điểm so với năm 2021. Sự cách biệt điểm số giữa 8 nội dung khá lớn, dao động từ 2,58 đến 7,18/10 điểm; trong đó, 2 trục nội dung bị giảm điểm nhiều nhất là cung ứng dịch vụ công và quản trị điện tử. Thực tế trên cho thấy, việc giải quyết các TTHC vẫn còn nhiều hạn chế, đơn cử như: Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức làm việc thiếu trách nhiệm, thậm chí có biểu hiện tiêu cực trong giải quyết TTHC, nhất là lĩnh vực đất đai. Có đến 40% số người dân trên địa bàn tỉnh khi được khảo sát đã trả lời phải chi “lót tay”, “bôi trơn” để làm TTHC xin cấp mới hoặc cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; 40% người sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở bệnh viện công tuyến huyện cho biết họ đã phải trả chi phí ngoài quy định để được chăm sóc tốt hơn. Bên cạnh đó, người dân cũng phản ánh tình trạng môi trường tại một số địa phương bị ô nhiễm từ hoạt động khai khoáng, sửa chữa, nâng cấp hệ thống đường giao thông...
Tương tự, chỉ số CCHC (PAR Index) của tỉnh ta giảm 12 bậc, xếp thứ 40/63 tỉnh, thành phố. Chỉ số này được cấu trúc thành 8 lĩnh vực đánh giá, 37 tiêu chí, 88 tiêu chí thành phần, bao trùm toàn bộ nội dung Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2021 – 2030 của Chính phủ. Qua phân tích Chỉ số PAR Index cho thấy: Công tác CCHC ở một số lĩnh vực được cải thiện nhưng thứ hạng so với các tỉnh, thành phố trong cả nước vẫn thấp, trong đó: Chỉ số thành phần công tác chỉ đạo, điều hành tăng 0,74% so với năm 2021, xếp thứ 41/63; cải cách thể chế tăng 2%, xếp thứ 42/63; cải cách chế độ công vụ giảm 7,17% xếp thứ 49/63; xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số giảm 8,82%, xếp thứ 23/63; tác động của CCHC đến người dân, tổ chức và phát triển KT-XH của tỉnh giảm 6,13%, xếp thứ 53/63. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên được tỉnh ta chỉ rõ: Người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị chưa thường xuyên quan tâm đến công tác rà soát, công khai TTHC trên Cổng dịch vụ công của tỉnh. Còn tình trạng sử dụng công chức, viên chức chưa theo vị trí việc làm đã được phê duyệt. Các cấp, ngành chậm giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước; thực hiện các kiến nghị sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán về tài chính, ngân sách chưa triệt để...
Nếu như năm 2015 và 2020, 2021, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh ta chỉ xếp hạng thứ 62, 61, 59/63 tỉnh, thành phố thì năm 2022 ghi nhận sự bứt phá về xếp hạng khi đứng ở vị trí thứ 41/63, cải thiện 18 bậc so với năm 2021 và là kết quả cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, 7/10 chỉ số thành phần tăng điểm như: Tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí thời gian... Riêng chỉ số thành phần chi phí không chính thức (CPKCT) tăng 26 bậc so với năm 2021 và là chỉ số tăng cao nhất trong 10 chỉ số thành phần PCI của tỉnh. Sự tăng hạng vượt bậc của chỉ số này khẳng định: Năm 2022, công tác kiểm soát tham nhũng của tỉnh ta có chuyển biến tích cực. Kết quả khảo sát cho thấy: 17% doanh nghiệp phải chi trả CPKCT cho cán bộ thanh tra, kiểm tra (giảm 12% so với cùng kỳ); 5% doanh nghiệp phải chi hơn 10% doanh thu cho các loại CPKCT (giảm 11% so với cùng kỳ). Tuy nhiên, hiện tượng nhũng nhiễu khi giải quyết TTHC cho doanh nghiệp phổ biến là 63%; doanh nghiệp phải chi trả CPKCT để đẩy nhanh việc thực hiện thủ tục đất đai là 36% - 58%. Bên cạnh những “điểm sáng”, PCI của tỉnh cũng ghi nhận sự thụt lùi của 3 chỉ số thành phần rất quan trọng là: Gia nhập thị trường; tính năng động của chính quyền tỉnh và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.
Trước thực tế trên, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn trong thực hiện CCHC là: “Lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm phục vụ”; hiện nay, các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở đang tập trung thực hiện các giải pháp cải thiện, nâng cao Chỉ số SIPAS, PAPI, PAR Index, PCI. Trong đó, tập trung cải cách thể chế, cắt giảm TTHC, nhất là TTHC trong nội bộ các cơ quan HCNN, quy định kinh doanh, giảm thời gian, chi phí hành chính, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, minh bạch; nâng cao mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Qua đó, góp phần hiện thực hóa mục tiêu: Xây dựng nền HCNN trong sạch, vững mạnh, từng bước hiện đại, tiến bộ, chuyên nghiệp, dân chủ, công khai, minh bạch, thông suốt, thân thiện, phục vụ nhân dân (theo tinh thần Nghị quyết 14 của BTV Tỉnh ủy về đẩy mạnh CCHC, nâng cao chất lượng công vụ tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2021 – 2025).