Lấy người dân làm trung tâm chuyển đổi số ngành y tế
Theo đề án 'Xây dựng y tế thông minh giai đoạn 2021-2030', TP Cần Thơ có 95% dân số được quản lý sức khỏe; 100% cơ sở khám chữa bệnh triển khai đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến; thực hiện tư vấn khám chữa bệnh từ xa; 100% bệnh viện hạng 1 triển khai hồ sơ bệnh án điện tử.
Ngày 10/8, TP Cần Thơ tổ chức hội thảo “Chuyển đổi số ngành y tế thành phố Cần Thơ”. Hội thảo nhằm đánh giá kết quả, trao đổi kinh nghiệm chuyển đổi số (CĐS) và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) ngành y tế, những khó khăn vướng mắc, đề xuất các giải pháp thúc đẩy nhanh CĐS ngành y tế.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ Hoàng Quốc Cường nhấn mạnh, ngành y tế có nhiệm vụ quan trọng là chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng, cùng với các lĩnh vực khác ngành y tế đang thực hiện CĐS mạnh mẽ.
Theo Giám đốc Sở y tế Cần Thơ, thời gian qua, với sự CĐS mạnh mẽ của Chính phủ, thông qua Đề án 06 đã tạo sự lan tỏa, hưởng ứng nhiệt tình của người dân, cơ quan, tổ chức doanh nghiệp (DN) trên địa bàn. Người dân bắt đầu thụ hưởng thành tựu của CĐS và trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình CĐS.
Bên cạnh đó, TP Cần Thơ đã ban hành nhiều văn bản, thúc đẩy CĐS. Đặc biệt, Đề án số 08 ngày 28/12/2021 của Thành ủy Cần Thơ và Kế hoạch số 89 ngày 18/4/2022 của UBND TP Cần Thơ về việc triển khai, thực hiện Đề án “Xây dựng y tế thông minh, trọng tâm là y tế cộng đồng giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn thành phố”, với 3 nhiệm vụ chính: phòng bệnh thông minh, khám chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh.
Theo đó, 95% dân số được quản lý sức khỏe; 100% cơ sở khám chữa bệnh triển khai đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến,; thanh toán điện tử không dùng tiền mặt; thực hiện tư vấn khám chữa bệnh từ xa; 100% bệnh viện hạng 1 triển khai hồ sơ bệnh án điện tử.
Cũng theo Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác CĐS ngành y tế vẫn còn những khó khăn như cơ sở hạ tầng, trang thiết bị chưa bảo đảm; hệ thống thông tin và các cơ sở dữ liệu, các nền tảng phần mềm còn rời rạc, chưa liên thông với nhau; thủ tục đầu tư công nghệ thông tin còn vướng mắc; kinh phí chi CĐS còn lớn; chưa có hướng dẫn cụ thể về viêc thanh toán BHYT đối với bệnh án điện tử; thiếu cán bộ chuyên trách CNTT tại các tuyến cơ sở…
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, cùng với nhiều lĩnh vực khác, CĐS đã trở thành xu hướng phát triển tất yếu của ngành y tế. Thời gian qua, thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025 định hướng năm 2030, Bộ Y tế đã tập trung chỉ đạo ban hành nhiều văn bản quan trọng về CĐS và luôn xem CĐS là nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng.
Theo Thứ trưởng, ngành y tế TP Cần Thơ thời gian qua đã tập trung triển khai các nhiệm vụ của dự án phát triển ứng dụng về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022-2025 tầm nhìn đến năm 2030; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến; triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử; ứng dụng hiệu quả CNTT trong công tác khám chữa bệnh; triển khai khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, thanh toán không dùng tiền mặt
“Trong CĐS, ngành y tế TP Cần Thơ cần lấy người dân làm trung tâm, làm mục tiêu phục vụ. CĐS, ứng dụng CNTT cần thực hiện một cách tổng thể, toàn diện nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, đẩy mạnh hoàn thiện xây dựng hồ sơ số về sức khỏe điện tử, quản lý sức khỏe người dân; tạo điều kiện để các cơ sở khám chữa bệnh xây dựng đề án điện tử thay thế hồ sơ giấy tiến tới xây dựng mô hình bệnh viện thông minh, chú trọng các giải pháp hỗ trợ người dân đăng ký, trong quá trình khám chữa bệnh…”, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn đề nghị.
Trong 2 phiên, hội thảo thu hút nhiều tham luận, ý kiến của các đại biểu, các tập đoàn, DN kinh doanh trên lĩnh vực CNTT và y tế.
TS Phạm Xuân Viết - Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) thông tin, thực hiện Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025 và định hướng tầm nhìn đến năm 2030, đến nay, ngành y tế đã chuyển dữ liệu thông tin tiêm chủng COVID-19 vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; phát hành hộ chiếu vaccine điện tử; duy trì chuyển dữ liệu tiêm chủng COVID-19 phát sinh mới theo ngày;
Liên thông nhóm thông tin cơ bản về y tế với Sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VneID; triển khai các giải pháp ứng dụng thanh toán chi phí y tế không dùng tiền mặt; kết nối dữ liệu liên quan đến thủ tục cấp giấy chứng sinh; kết nối liên thông giấy khám sức khỏe phục vụ cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe…
Hiện có trên 50 cơ sở khám chữa bệnh đã triển khai bệnh án điện tử thay bệnh án giấy; các cơ sở khám chữa bệnh đều kết nối trao đổi thông tin với hệ thống thông tin bảo hiểm y tế phục vụ công tác khám chữa bệnh, thanh toán bảo hiểm y tế.
“Về hoạt động CĐS thời gian tới, ngành tiếp tục đẩy mạnh triển khai, hoàn thiện các dụng CNTT trong quản lý, điều hành điện tử; xây dựng hệ thống thông tin tổng thể, phục vụ chỉ đạo điều hành của Bộ Y tế kết nối với các địa phương; chuyển đổi hoạt động ngành y tế trên môi trường mạng;
Lấy công dân số làm trung tâm phục vụ; phát triển nền tảng số gắn với phát triển DN công nghệ số y tế; đẩy mạnh hợp tác quốc tế thu hút đầu tư thực hiện CĐS y tế; khuyến khích thúc đẩy hỗ trợ DN và các đơn vị nghiên cứu khoa học triển khai các ứng dụng y tế số; xây dựng cơ chế thu hút nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao về công tác trong ngành y tế….” TS Phạm Xuân Viết cho biết thêm.