Lấy người được trợ giúp pháp lý làm trung tâm
Lấy người được trợ giúp pháp lý (TGPL) làm trung tâm – đó là quan điểm mà Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo thực hiện trong thời gian qua nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ TGPL, giúp các đối tượng khó khăn tiếp cận dịch vụ pháp luật miễn phí của Nhà nước một cách tốt nhất. Đó cũng là nhiệm vụ mà các cán bộ, trợ giúp viên pháp lý (TGVPL) của trung tâm nỗ lực thực hiện để góp phần đưa các quy định của Luật TGPL năm 2017 đi vào thực tiễn cuộc sống cũng như thực hiện hiệu quả đề án đổi mới công tác TGPL giai đoạn 2015-2025 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Trợ giúp viên pháp lý tư vấn pháp luật cho người dân tại trung tâm.
Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh hiện có 27 TGVPL, bố trí 12 TGVPL tại trung tâm và 15 TGVPL tại 8 chi nhánh, đặt tại các huyện: Quan Hóa, Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Như Thanh, Thường Xuân, Tĩnh Gia, Thạch Thành và thị xã Bỉm Sơn. Đội ngũ cán bộ, TGVPL của trung tâm ngày càng trưởng thành và khẳng định được vai trò của mình trong việc thực hiện TGPL. Trong những năm qua, thực hiện đề án đổi mới công tác TGPL, các TGVPL đã tập trung thực hiện tốt các vụ việc TGPL, trong đó chú trọng vụ việc tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, góp phần bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho những người không có khả năng tự bào chữa hoặc không có đủ điều kiện để mời luật sư bào chữa, bảo vệ cho mình trong các vụ án.
Theo báo cáo của Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh, trong năm 2018, trung tâm và các chi nhánh của trung tâm đã thụ lý được 669 vụ việc TGPL (tăng 8,6% so với năm 2017). Đã hoàn thành TGPL 533 vụ việc TGPL cho 533 đối tượng, trong đó có 516 vụ việc tham gia tố tụng và 5 vụ việc đại diện ngoài tố tụng. Quý I năm 2019, trung tâm đã thụ lý 77 vụ việc, trong đó có 75 vụ việc tham gia tố tụng và 2 vụ việc đại diện ngoài tố tụng. Qua quản lý theo dõi đánh giá chất lượng vụ việc TGPL, sự phản hồi của các cơ quan tiến hành tố tụng cũng như các đối tượng được TGPL, kết quả cho thấy các TGVPL khi tham gia tố tụng đã tuân thủ đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật về TGPL và quy định pháp luật tố tụng. Chất lượng vụ việc TGPL ngày càng được nâng cao, đạt tiêu chuẩn đánh giá của Bộ Tư pháp, các bản án đưa ra đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, tạo niềm tin trong nhân dân nói chung và các đối tượng được TGPL nói riêng.
Để đạt được những kết quả tích cực đó, với sự quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn của Sở Tư pháp, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh đã xác định được các nhiệm vụ cụ thể, chủ động tiếp cận thông tin, vụ việc và nhanh chóng cử TGVPL vào cuộc khi có đơn yêu cầu TGPL. Hoạt động của hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng của tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Sở Tư pháp Thanh Hóa với vai trò là cơ quan thường trực của hội đồng đã chủ động xây dựng và triển khai việc phối hợp với từng ngành thành viên, thường xuyên chỉ đạo trung tâm TGPL tăng cường phối hợp thực hiện các nhiệm vụ theo kế hoạch. Các cơ quan có liên quan đã quán triệt cán bộ của ngành mình về các quy định của Luật TGPL năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trong đó, có Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT – BTP – BCA – BQP – BTC – TANDTC – VKSNDTC ngày 29-6-2018 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao quy định về phối hợp thực hiện TGPL trong hoạt động tố tụng...
Kết quả nổi bật là tỷ lệ người dân biết và các đối tượng được thụ hưởng các chính sách về TGPL ngày càng tăng; việc cấp giấy chứng nhận tham gia tố tụng cho TGVPL đã được thực hiện theo đúng thời hạn, thẩm quyền quy định; các cơ quan tiến hành tố tụng đã tạo điều kiện cho Trung tâm TGPL tỉnh thực hiện nhiệm vụ TGPL. Nhờ đó, TGVPL khi tham gia tố tụng thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự; tiếp xúc với người bị tạm giữ, tạm giam, tổ chức thu thập chứng cứ, nghiên cứu hồ sơ, nắm bắt nội dung vụ việc, chủ động triển khai các giải pháp bảo vệ quyền lợi chính đáng cho đối tượng được TGPL.
Để công tác TGPL trong hoạt động tố tụng phát huy hiệu quả, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thực tiễn cuộc sống, giúp những đối tượng thuộc diện được TGPL tiếp cận với dịch vụ pháp luật miễn phí, trung tâm tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông về TGPL; đồng thời, tăng cường bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ TGVPL, tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành thành viên của hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng của tỉnh nhằm nâng cao hơn nữa số lượng, chất lượng dịch vụ TGPL của Nhà nước. Đồng thời, cấp ủy, chính quyền các địa phương cần tăng cường quan tâm, phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi đối với hoạt động TGPL để người dân trên địa bàn được tiếp cận với chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước, bảo đảm công bằng xã hội.