Lấy nước ngược phục vụ đổ ải vụ Đông Xuân
Năm nay, Tết dương lịch và âm lịch rất sát nhau, do đó các địa phương cần tập trung chỉ đạo, vận động người dân cấy lúa Xuân vào cùng một thời điểm và hoàn thành trong tháng 2 tới đây thì việc lấy nước đổ ải mới thực sự hiệu quả.
Để phục vụ đổ ải vụ Đông Xuân năm nay, Bộ NN&PTNT chỉ đạo lấy nước tập trung trong 2 đợt (thay vì 3 đợt như mọi năm) vào trước và sau Tết Nguyên đán Quý Mão. Do đó, một số địa phương có điều kiện lấy nước đã chủ động vận hành hệ thống thủy lợi để cấp nước vào đồng ruộng.
Tổng cục Thủy Lợi (Bộ NN&PTNT) cho biết đến nay, diện tích rồng trọt có nước cơ bản theo kế hoạch. Sau đợt 1 lấy nước, một số địa phương sẽ tiếp tục đưa nước lên ruộng từ nguồn nước trữ trong hệ thống kênh mương, sông suối nội địa, bơm dã chiến….
Tổng lượng xả của các hồ chứa thủy điện trong đợt 1 là 1,41 tỷ m3 nước. Diện tích có nước tính đến hết ngày 9/1/2023 là 121.942 ha/498.709 ha, đạt 24,5% diện tích gieo cấy theo kế hoạch. Tổng cục Thủy lợi cũng đưa ra đánh giá việc lấy nước lần này với một số năm gần đây, diện tích có nước cao hơn 3,4% so với năm 2021 (21,1%), thấp hơn giai đoạn 2018-2020 từ 5-30% (năm 2020 là 54%, năm 2019 là 54,4%, năm 2018 là 29,5%).
Diện tích có nước cơ bản theo kế hoạch. Sau đợt 1 lấy nước, một số địa phương sẽ tiếp tục đưa nước lên ruộng từ nguồn nước trữ trong hệ thống kênh mương, sông suối nội địa, bơm dã chiến…. Dự kiến đến đầu đợt 2 lấy nước, tổng diện tích có nước sẽ đạt khoảng 35-40%.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết: "Đến thời điểm này, bằng các phương án khác nhau, các địa phương đã lấy nước được khá tốt, với tốc độ này, tôi hy vọng các địa phương cam kết với Bộ NN&PTNT sẽ thực hiện được, ví dụ như Hà Nam 60% diện tích".
Giải pháp để lấy đủ nước cho sản xuất vụ này được Bộ NN&PNT xác định không chỉ trông chờ vào việc xả nước từ hồ thủy điện Hòa Bình mà các địa phương ở các vùng triều thì có thể tranh thủ triều lên để có thể lấy nước vào ruộng. "Việc tăng cường lấy nước ngược như vậy sẽ giúp chúng ta chủ động và để có thể thực hiện được đúng như chỉ đạo là chỉ lấy nước 2 đợt". Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp phân tích.
Chia sẻ thêm về việc thực hiện kế hoạch lấy nước đợt 1 tại Trung du Đồng bằng Bắc bộ. Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp thông tin: "Đến hết đợt 1, một số địa phương, đặc biệt là vùng ven biển và vùng trung du có thể lấy nhiều hơn bình quân, đạt khoảng 70% diện tích cần lấy nước. Một số địa phương khác thì sẽ tập trung vào lấy nước đợt 2. Năm nay Tết dương lịch và Tết âm lịch rất sát nhau và thời tiết khá tốt, vì vậy, chúng tôi đang chỉ đạo các địa phương là cố gắng tập trung cấy vào cùng một thời điểm. Theo đó, cố gắng hoàn thiện cấy vụ Đông Xuân trong tháng 2 dương lịch, nhưng nếu đẩy nhanh hơn".
Làm thế nào để lấy nước và sản xuất hiệu quả?
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, để lấy nước hiệu quả thì có nhiều yếu tố: Thứ nhất là trong các đợt lấy nước, các địa phương cần thực hiện đúng cam kết với Bộ NN&PTNT. Cụ thể, trước khi lấy nước thì phải chuẩn bị đầy đủ các khu tích nước, nạo vét kênh mương để vừa dẫn nước tốt, vừa cũng là những khu tích trữ nước.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp phân tích thêm: "Khi lấy nước theo đợt thì việc tích nước tại ruộng rất quan trọng. Tích nước không tập trung nhiều khi chỉ để giải quyết cho những khu ruộng rải rác, hiệu quả chung cho các diện tích trồng trọt của các địa phương sẽ giảm đi nhiều".
Đối với các địa phương vùng ven sông, ven triều cần tăng cường lấy nước ngược. Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nêu ví dụ: "Chúng ta đang lấy nước từ sông Đáy và từ sông Thái Bình vào theo hình thức lấy ngược vì đây là một trong những giải pháp rất quan trọng để không phụ thuộc quá nhiều vào việc xả nước từ Thủy điện Hòa Bình".
Ngoài ra, để tiết kiệm nước thì Bộ NN&PTNT cũng đang chỉ đạo việc thay đổi tập quán sản xuất. Cụ thể, hiện nay nông dân khu vực Đồng bằng sông Hồng đã thay đổi thói quen rải vụ bằng việc xuống ruộng một thời điểm ngắn nhất định. Việc làm rải vụ, cấy nhiều lần quá sẽ rất khó cho phục vụ nước thường xuyên, đồng đều.
Cùng với đó, Bộ NN&PTNT cũng khuyến khích các địa phương đẩy mạnh ứng dụng được khoa học kỹ thuật vào các cánh đồng mẫu lớn, áp dụng cơ giới hóa… để có thể sử dụng các hình thức tưới tiết kiệm.
Một vấn đề nữa được Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp nêu ra đó là viêc cần hạn chế gieo sạ. "Chúng tôi đang khuyến cáo các địa phương dùng khoa học kỹ thuật và công nghệ để vừa nâng cao giá trị sản xuất giảm sức lao động vừa hỗ trợ trong việc lấy nước tốt hơn".