Lấy phiếu tín nhiệm - thước đo năng lực cán bộ
Lấy phiếu tín nhiệm là một 'phép thử' đối với kết quả lãnh đạo và tín nhiệm cá nhân lãnh đạo. Tổ chức thực chất và hiệu quả việc này sẽ là bước đánh giá và sàng lọc cán bộ.
Lấy phiếu tín nhiệm với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị, theo Quy định 96 của Bộ Chính trị đã và đang được cấp ủy các cấp tổ chức thực hiện. Đợt sinh hoạt chính trị này được thực hiện thực chất và hiệu quả sẽ góp phần xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị và xây dựng đội ngũ cán bộ.
Mới đây, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương đã lấy phiếu tín nhiệm đối với 9 Ủy viên Ban Thường vụ. Đây là 1 trong 67 Đảng ủy trực thuộc Trung ương lấy phiếu tín nhiệm đối với các cán bộ chủ chốt lần này.
Theo quy định của Trung ương đợt này, tất cả cán bộ lãnh đạo của các cơ quan từ Trung ương đến cấp có đơn vị trực thuộc đều sẽ được lấy phiếu tín nhiệm.
Cùng với các tiêu chí chung về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật, người lấy phiếu tín nhiệm lần này còn được đánh giá dựa trên các tiêu chí gồm kết quả lãnh đạo, chỉ đạo đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; việc thực hiện những điều đảng viên không được làm; sự gương mẫu của bản thân và vợ, chồng, con trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Đây thực sự là dịp để mỗi cán bộ "tự soi, tự sửa" phát huy ưu điểm, khắc phục những mặt còn tồn tại, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng.
Kết quả tín nhiệm sẽ là cơ sở đánh giá cán bộ, sử dụng cán bộ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong quá trình thực hiện cần đặc biệt chú ý xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng việc lấy phiếu tín nhiệm để làm giảm uy tín của người khác.
Việc lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành định kỳ vào năm thứ 3 (năm giữa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ các cấp).
Theo VTV
Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/lay-phieu-tin-nhiem-thuoc-do-nang-luc-can-bo-post371874.html