Lấy sáng cho nhà trong hẻm

Những ngôi nhà trong hẻm thường ở trong tình trạng thiếu sáng, bí bách. Việc lấy sáng cho nhà trong hẻm luôn được ưu tiên hàng đầu, bởi ánh sáng tự nhiên có vai trò cực kỳ quan trọng, tác dộng trực tiếp đến cảm giác và sức khỏe con người

 Giếng trời làm cho không gian ngập tràn ánh sáng

Giếng trời làm cho không gian ngập tràn ánh sáng

Hạn chế của nhà trong hẻm

Đi dọc theo các con hẻm trên thành phố, có thể thấy rằng, hầu như tất cả những căn nhà ở đây đều thuộc dạng nhà ống, một kiểu nhà quen thuộc và phổ biến tại những khu dân cư đông đúc. Đặc điểm của kiểu nhà ống là hẹp ngang, được xây dựng với tường bao hai bên, xung quanh và phía sau là các căn nhà nằm sát vách với nhà hàng xóm. Theo kiến trúc sư (KTS) Lê Nghi Minh Hiếu, nhà ống chiếm đến 70 – 80% số lượng nhà ở đô thị. Những căn nhà này phải xây san sát nhau do quỹ đất hạn hẹp. Những ngõ, ngách, hẻm chằng chịt, sâu hun hút khiến cho các công trình nhà ở càng trở nên bí bách, lộn xộn.

Trường hợp căn nhà cũ rộng 4m ngang, sâu 15m của anh Nguyễn Văn Hùng tại hẻm 164, đường Phan Bội Châu là một ví dụ điển hình của căn nhà ống trong hẻm thiếu sáng khi xung quanh đều được bao bọc bởi nhà hàng xóm, ngay cả mặt tiền cũng lấy sáng rất hạn chế do ngõ nhỏ, nhà phía trước lại cao. Đây là nơi sinh sống của cả 3 thế hệ trong gia đình. Nhiều thành viên sinh hoạt trong căn nhà nhỏ thiếu sáng càng làm cho căn nhà chật chội hơn.

“Trừ phòng khách ra thì phòng bếp hay phòng ngủ của nhà tôi đều phải bật điện kể cả ban ngày, bởi căn nhà quá tối. Không gian chật chội và khá ngột ngạt khiến gia đình tôi không được thoải mái, thường xuyên mệt mỏi. Hơn nữa, việc bật điện hầu như cả ngày khiến chi phí tiền điện tăng cao. Vì vậy, tôi quyết định cải tạo, sơn sửa lại ngôi nhà để cảm giác bớt ngột ngạt cũng như có thể tận dụng được nguồn sáng tự nhiên nhiều hơn”, anh Hùng chia sẻ.

Các biện pháp lấy sáng

Theo sự tư vấn của kiến trúc sư, anh Hùng đã cải tạo căn nhà bằng giải pháp kết hợp màu sơn, làm thêm giếng trời bằng hệ kính kết hợp với cây xanh để ngôi nhà có cảm giác thoáng mát và tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên. Anh vui vẻ chia sẻ thêm: “Sơn nhà màu trắng giúp tôi cảm giác sáng sủa hơn nhiều so với màu cam trước kia. Khu vực bếp của nhà cũ rất tối nhưng từ khi lắp giếng trời làm cho không gian tràn ngập ánh sáng. Để giảm bớt độ chói những ngày nắng nóng, tôi bố trí các chậu cây cảnh để hấp thụ bớt nhiệt”.

Chị Nguyễn Thu Trang (phường Kim Long) cũng sinh sống trong căn nhà hẹp ngang trong hẻm nhỏ, nhưng ngôi nhà của chị rất thoáng và sáng sủa. “Ngôi nhà mình may mắn nằm ở hướng nam nên hạn chế được nắng nóng trực tiếp vào mặt tiền căn nhà. Tuy nhiên, nhà trong hẻm nhỏ nên mình ưu tiên sử dụng cửa sổ kính lớn kết hợp dàn lam bên ngoài. Như vậy, ánh sáng có thể chiếu vào bên trong phòng ngủ với lượng vừa đủ mà không sợ tối phòng hay quá chói”, chị Trang bộc bạch.

KTS. Lê Nghi Minh Hiếu cho biết, có nhiều cách để lấy sáng cho nhà trong hẻm. Những cách lấy sáng như anh Hùng và chị Trang là các phương pháp cơ bản thường được sử dụng. Màu sơn trắng và các tone màu sáng được sử dụng rộng rãi, chúng sẽ giúp “đánh lừa thị giác”. Cùng một diện tích nhưng căn phòng màu sáng. Còn giếng trời giúp tăng khả năng đón gió, đón sáng nhưng không chiếm nhiều diện tích sử dụng. Bên cạnh đó còn có nhiều biện pháp như sử dụng gạch hoa gió làm mặt đứng căn nhà, xây nhà kiểu lệch tầng, bố trí nội thất tối giản, hạn chế sử dụng vách ngăn,…

“Tuy nhiên, khi thiết kế, giải pháp lấy sáng cần chú ý xác định vị trí nào thiếu sáng nhiều nhất trong nhà, vị trí nào không cần thiết. Hơn nữa các giải pháp phải kết hợp hài hòa với kiến trúc tổng thể của căn nhà”, KTS. Lê Nghi Minh Hiếu phân tích.

Bài: Khánh Chu - Ảnh: Việt Hùng

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/doi-song/lay-sang-cho-nha-trong-hem-134045.html