Lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ trong chuyển đổi số
Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, đòi hỏi khách quan của sự phát triển và được xác định là yêu cầu bắt buộc. Chuyển đổi số giúp giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường, xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời giúp các cấp, các ngành thay đổi phương thức, nâng cao năng lực quản lý điều hành… Tại Phú Thọ, chuyển đổi số đang diễn ra tích cực. Phóng viên Báo Phú Thọ đã có cuộc trao đổi với đồng chí Trịnh Hùng Sơn - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông về vấn đề này.
Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả UBND huyện Tân Sơn được đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin để thực hiện dịch vụ công trực tuyến, góp phần xây dựng chính quyền điện tử.
PV: Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế được xác định là một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm và là một trong ba khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2021- 2026 theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra. Tại Phú Thọ, chuyển đổi số đang diễn ra như thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Trịnh Hùng Sơn:
Xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu và là nhiệm vụ quan trọng của toàn hệ thống chính trị trong năm 2022 và giai đoạn 2022 - 2025, với tinh thần “càng đi sớm càng có lợi thế”, tỉnh Phú Thọ quyết tâm đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm định hình tổng thể, toàn diện về cách sống, cách làm việc, phương thức sản xuất và tiêu thụ dựa trên công nghệ số.
Đến nay, các cơ quan nhà nước của tỉnh đã chuyển hoạt động lên môi trường điện tử. Cơ sở dữ liệu các ngành, lĩnh vực được số hóa một cách khẩn trương, quyết liệt, rõ nét nhằm đồng bộ hóa thông tin, dễ khai thác, sử dụng và lưu trữ, góp phần nâng cao hiệu quả, tăng tính công khai, minh bạch trong hoạt động chỉ đạo điều hành của các cơ quan nhà nước.
Từ chỗ hoàn toàn thực hiện giao dịch giấy tờ, đến nay hạ tầng thanh toán trực tuyến được triển khai đồng bộ với 100% các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành, thị; UBND xã, phường, thị trấn đã mở tài khoản thanh toán không dùng tiền mặt phục vụ dịch vụ công trực tuyến.
Việc phát triển kinh tế số, xã hội số đã có kết quả đáng khích lệ. 100% doanh nghiệp của tỉnh đã sử dụng hóa đơn điện tử. Tính đến hết tháng 8/2022, có hơn 3,6 triệu lượt truy cập các sàn giao dịch thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh (Postmart, Voso; giaothuong.net.vn...). Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử viễn thông xuất khẩu các sản phẩm điện tử, máy tính và linh kiện với tổng giá trị đạt 5,85 tỉ USD.
Dù trong điều kiện của một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn song với phương châm “toàn diện, kiên quyết, kiên trì”, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm, quá trình chuyển đổi số của tỉnh đã chuyển đổi căn bản lề lối, phương thức làm việc trong hoạt động chỉ đạo quản lý, điều hành của các cấp ủy, chính quyền, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.
PV: Theo báo cáo của UBND tỉnh, công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh thời gian qua được triển khai tích cực và đạt được những kết quả quan trọng, góp phần hiện đại hóa nền hành chính, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao các chỉ số về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Đồng chí có thể cho độc giả biết rõ hơn về nội dung này?
Đồng chí Trịnh Hùng Sơn:
Tỉnh Phú Thọ đã tập trung triển khai quyết liệt việc cung cấp và thực hiện dịch vụ công trực tuyến, đến tháng 8/2022, tỉ lệ hồ sơ tiếp nhận và giải quyết trực tuyến đạt 58,76% (mức trung bình của cả nước 36,91%). Hệ thống quản lý văn bản và điều hành, hệ thống hội nghị trực tuyến được triển khai đến cấp xã. Các hệ thống nền tảng triển khai chuyển đổi số được duy trì, đảm bảo kết nối, chia sẻ dữ liệu kịp thời, hiệu quả.
Nhờ những nỗ lực đó đã làm giảm chi phí, tiết kiệm ngân sách, tăng hiệu lực quản lý nhà nước, góp phần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh, đưa các chỉ số PCI, PAR INDEX, PAPI, SIPAS tăng so với năm 2020, cụ thể: PCI năm 2021 xếp thứ 20/63 tỉnh, thành, tăng hai bậc so với năm 2020; PAR INDEX năm 2021 xếp thứ 9/63 tỉnh, thành, tăng một bậc so với năm 2020; PAPI năm 2021 xếp thứ 6/63 tỉnh, thành, tăng 32 bậc so với năm 2020; SIPAS năm 2021 xếp thứ 13/63 tỉnh, thành, tăng tám bậc so với năm 2020.
PV: Thưa đồng chí, đâu là những thuận lợi và khó khăn trong quá trình chuyển đổi số ở tỉnh ta?
Đồng chí Trịnh Hùng Sơn:
Trong quá trình thực hiện chuyển đổi số, tỉnh Phú Thọ có nhiều thuận lợi, đó là sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong việc triển khai xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số; chỉ đạo lựa chọn những vấn đề thực chất, hiệu quả, phù hợp với nguồn lực của tỉnh chứ không dàn trải, ôm đồm.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, tỉnh cũng còn không ít khó khăn như: Nguồn lực dành cho chuyển đổi số còn hạn chế; hạ tầng phục vụ chuyển đổi số của cấp huyện, xã còn bất cập; các ứng dụng chuyên ngành còn thiếu đồng bộ, thống nhất giữa Trung ương, các bộ, ngành với địa phương; cơ sở dữ liệu của tỉnh triển khai mới ở mức cơ bản, đặc biệt là cơ sở dữ liệu về dân cư chưa được kết nối, dẫn đến nhiều nội dung liên quan đến đơn giản hóa thủ tục hành chính chưa được thực hiện kịp thời.
PV: Nhìn từ thực tế cho thấy, công tác chuyển đổi số tại Phú Thọ đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Để đáp ứng được yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới về chuyển đổi số toàn diện, chúng ta cần có những giải pháp cụ thể nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Trịnh Hùng Sơn:
Trong thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh các chủ trương, giải pháp phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, tạo điều kiện và dẫn dắt kinh tế số, xã hội số phát triển. Cụ thể: Huy động nguồn lực đầu tư, phát triển hạ tầng số; nâng cao chất lượng, tỉ lệ giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến. Tiếp tục phát triển các nền tảng chuyển đổi số; xây dựng, kết nối, chia sẻ, sử dụng có hiệu quả cơ sở dữ liệu của tỉnh, của các ngành. Đẩy mạnh hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, xây dựng công dân số.
PV: Để quá trình chuyển đổi số diễn ra nhanh và đúng hướng, tỉnh ta cần ưu tiên chuyển đổi số những lĩnh vực nào trước tiên, thưa đồng chí?
Đồng chí Trịnh Hùng Sơn:
Hiện nay, tỉnh đang tập trung xây dựng kho dữ liệu và Cổng chuyển đổi số của tỉnh để lưu trữ, phân tích, tổng hợp, xử lý dữ liệu về kinh tế, xã hội phục vụ công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành của chính quyền; cung cấp dữ liệu mở và tiếp nhận thông tin phản hồi, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Trong đó, tỉnh xác định ưu tiên xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, đất đai, đăng ký doanh nghiệp, tài chính, bảo hiểm đồng bộ, thống nhất với Trung ương. Triển khai cơ sở dữ liệu chuyên ngành về y tế, giáo dục và đào tạo, tài nguyên và môi trường, tư pháp, văn hóa - thể thao và du lịch, lao động - thương binh và xã hội… phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng các dịch vụ cơ bản, thiết yếu đến người dân, doanh nghiệp.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Đinh Vũ (thực hiện)