Lấy ý kiến đại biểu Quốc hội về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên
Cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật Công chứng (sửa đổi) có ý kiến khác đối với ba vấn đề, trong đó có quy định về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên.
Tiếp tục phiên họp thứ 39, sáng ngày 15/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi).
Báo cáo một số vấn đề lớn, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Chính phủ cơ bản tán thành với các nội dung tiếp thu, chỉnh lý của dự thảo Luật. Tuy nhiên, cơ quan chủ trì soạn thảo có ý kiến khác đối với ba vấn đề, trong đó có quy định về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên.
Cụ thể, Điều 38 dự thảo quy định bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên là loại hình bảo hiểm bắt buộc. Tổ chức hành nghề công chứng có nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên hành nghề tại tổ chức mình. Việc này phải được duy trì trong suốt thời gian hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng.
Thảo luận tại Quốc hội, nhiều ý kiến tán thành với quy định trên của dự thảo Luật. Tuy nhiên, ngày12/11, Chính phủ có văn bản đề nghị không quy định bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên là loại hình bảo hiểm bắt buộc mà chỉ quy định tổ chức hành nghề công chứng có nghĩa vụ mua bảo hiểm này cho công chứng viên của tổ chức mình.
“Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị giữ quy định bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên là bảo hiểm bắt buộc như dự thảo Luật”, ông Hoàng Thanh Tùng phản ánh.
Vì, công chứng là dịch vụ công cơ bản, công chứng viên cung cấp dịch vụ công do Nhà nước ủy nhiệm thực hiện nhằm bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia giao dịch, phòng ngừa tranh chấp, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội.
Do vậy, quy định trên của dự thảo phù hợp với Điều 8 Luật Kinh doanh bảo hiểm, góp phần bảo vệ lợi ích công cộng, an toàn xã hội, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của công chứng viên trong hành nghề công chứng.
Ông Tùng nhấn mạnh, đây là quy định kế thừa Luật Công chứng hiện hành và phù hợp với pháp luật công chứng của một số nước. Việc thời gian qua, các công chứng viên hầu như không được bồi thường khi xảy ra sự kiện bảo hiểm là vấn đề bất cập trong tổ chức thực hiện Luật, Chính phủ cần có giải pháp khắc phục để tăng cường hiệu quả thực thi quy định này trong thực tiễn, nhất là quy định về cơ chế, điều khoản, nguyên tắc bảo hiểm phù hợp với đặc thù của hoạt động công chứng.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng cho rằng quy định như dự thảo Luật mới bảo đảm chặt chẽ, khả thi, thống nhất với nghĩa vụ của tổ chức hành nghề công chứng trong việc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên.
Bởi lẽ, nếu là bảo hiểm bắt buộc thì tổ chức kinh doanh bảo hiểm bắt buộc phải bán. Nếu không, dù Luật quy định tổ chức hành nghề công chứng có nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên nhưng không có tổ chức kinh doanh bảo hiểm cung cấp loại hình bảo hiểm này thì công chứng viên cũng không được bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp.
Báo cáo thêm, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh nói, qua rà soát 14 luật chuyên ngành, có 11 luật chuyên ngành quy định bảo hiểm trách nhiệm theo dạng “nghĩa vụ”. Tức là, tổ chức có nghĩa vụ mua bảo hiểm cho thành viên, như tổ chức hành nghề luật sư có nghĩa vụ mua bảo hiểm nghề nghiệp cho luật sư, cơ sở khám, chữa bệnh phải có nghĩa vụ mua cho bác sĩ…
Nghĩa vụ mua nói trên căn cứ trên cơ sở thỏa thuận giữa doanh nghiệp bảo hiểm và tổ chức mua bảo hiểm, mua mức thấp thì được bảo hiểm ít… Trong khi đó, loại hình bảo hiểm bắt buộc quy định rõ mức mua, mức bồi thường là bao nhiêu.
Hiện nay các luật liên quan đến kiểm toán, luật sư, khám bệnh, chữa bệnh… không quy định đây là loại hình bảo hiểm bắt buộc nữa, chỉ quy định nghĩa vụ mua bảo hiểm.
Nếu Luật Công chứng tiếp tục quy định đây là loại hình bảo hiểm bắt buộc có nghĩa duy nhất công chứng viên thuộc quy định bảo hiểm nghề nghiệp bắt buộc. Loại bảo hiểm này để bảo vệ công chứng viên khi có rủ ro, liên quan trực tiếp đến cá nhân công chứng viên. Nếu so sánh với bác sỹ, luật sư, kiểm toán viên… cũng chưa biết ngành nghề nào rủi ro hơn- ông Ninh nêu ý kiến và đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc thêm.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng nêu thống kê cho thấy hiện nay chỉ có 3 loại hình bảo hiểm bắt buộc theo điều 8 Luật Kinh doanh bảo hiểm, gồm: Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới; Bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc và Bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng, bởi đáp ứng được yêu cầu “nhằm mục đích bảo vệ lợi ích công cộng, môi trường và an toàn xã hội”.
“Bộ Tư pháp khi trình với Chính phủ cũng mong muốn quy định thành loại hình bảo hiểm nghề nghiệp bắt buộc như quan điểm của Ủy ban Pháp luật, nhưng sau khi lắng nghe ý kiến của cơ quan chuyên môn là Bộ Tài chính, Cục Quản lý, giám sát Bảo hiểm, chúng tôi rõ hơn về mặt thông tin và đề nghị cân nhắc điều này”- ông Nguyễn Hải Ninh giải thích thêm.
Tiếp tục nêu ý kiến, ông Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp với luật sư chưa bao giờ là bảo hiểm bắt buộc.
Dẫn khoản 1 Điều 8 Luật Kinh bảo hiểm quy định “Bảo hiểm bắt buộc là sản phẩm bảo hiểm nhằm mục đích bảo vệ lợi ích công cộng, môi trường và an toàn xã hội”, ông Tùng nhấn mạnh việc đánh giá là bảo hiểm bắt buộc hay không phải căn cứ vào điều này, không căn cứ vào nghề nghiệp…
Ngoài 3 loại hình bảo hiểm bắt buộc nêu trên, Điều 8 Luật Kinh doanh bảo hiểm còn có điều khoản quy định: “Bảo hiểm bắt buộc quy định tại luật khác” đáp ứng quy định tại khoản 1 nói trên. Quy định tại dự thảo Luật hoàn toàn phù hợp phù hợp với tiêu chí này.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng khẳng định quy định tại dự thảo phù hợp với quy định các nước như Trung Quốc, Đức, Ba Lan… chứ không có gì cá biệt cả.
“Ngồi bên cạnh tôi là Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm của Bộ Tài chính. Đồng chí khẳng định không có kinh nghiệm nước ngoài nào quy định loại hình bảo hiểm bắt buộc đối với các trường hợp kia, đó chỉ là nghĩa vụ bắt buộc cho nghề nghiệp”, Bộ trưởng Bộ Tư pháp trao đổi lại.
Tiếp tục trao đổi, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết thông tin về kinh nghiệm nước ngoài ông lấy trong hồ sơ dự án Luật Công chứng do Bộ Tư pháp chuẩn bị chứ không tự nghĩ ra. “Đề nghị Bộ Tư pháp xem lại chính báo cáo kinh nghiệm nước ngoài các đồng chí đã cung cấp cho Quốc hội xem có phải như thế không? Nếu không đúng như thế, cũng phải xem lại là tại sao không đúng mà cung cấp cho Quốc hội”, ông Tùng nêu vấn đề.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị xây dựng hai phương án lấy ý kiến đại biểu Quốc hội và “thực hiện theo ý kiến dân chủ của Quốc hội, không nghe ý kiến cá nhân của ai”.