Lấy ý kiến dự thảo Thông tư quy định tổ chức hoạt động bay của Không quân CAND
Bộ Công an đã dự thảo Thông tư quy định tổ chức hoạt động bay của Không quân CAND để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức và cá nhân.
Đảm bảo cơ sở pháp lý
Tại dự thảo Tờ trình Thông tư, Bộ Công an cho biết, trong những năm qua, Đảng và nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh đối với lực lượng CAND nói chung, Cảnh sát cơ động (CSCĐ) nói riêng, trong đó đều xác định ưu tiên kinh phí, đầu tư trang bị phương tiện đảm bảo cho lực lượng CSCĐ tiến thẳng lên hiện đại.
Bên cạnh đó, tại khoản 2 Điều 23 Luật CSCĐ quy định CSCĐ được trang bị tàu bay để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Đồng thời, ngày 31/3/2021 Chính phủ đã ban hành Quyết định số 31/QĐ-TTg phê duyệt Đề án hiện đại hóa lực lượng CSCĐ đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030, trong đó cũng xác định nhiệm vụ đầu tư các loại phương tiện đảm bảo tính sẵn sàng chiến đấu cao, cơ động được trên mọi địa hình, thời tiết, khí hậu đủ khả năng trấn áp, ngăn chặn kịp thời các vụ gây rối, tụ tập đông người bất hợp pháp, bạo loạn chính trị, bạo loạn vũ trang, khủng bố, đặc biệt là phương tiện đặc chủng như máy bay trực thăng chuyên dùng... và xác định cụ thể lộ trình, giải pháp, kinh phí để triển khai các dự án đầu tư cho CSCĐ, trong đó có dự án quản lý, sử dụng máy bay trực thăng của lực lượng CAND. Hiện nay, Bộ Công an đang triển khai xây dựng dự án sân bay Gia Bình tại tỉnh Bắc Ninh để phục vụ hoạt động của đơn vị Không quân CAND...
Do vậy, thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, nhà nước trong việc ưu tiên hiện đại hóa lực lượng CSCĐ và đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình hiện nay, ngày 1/3/2021, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Quyết định số 1255/QĐ-BCA quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy Trung đoàn Không quân CAND thuộc Bộ Tư lệnh CSCĐ. Với vị trí là một đơn vị thuộc lực lượng vũ trang, Trung đoàn Không quân CAND có nhiệm vụ tổ chức hoạt động bay phục vụ công tác chỉ huy, chỉ đạo, vận chuyển, tuần tra, giám sát, trinh sát, tác chiến, cơ động chiến đấu và thực hiện nhiệm vụ bay phục vụ lãnh đạo Đảng, nhà nước và Bộ Công an theo quy định; tham gia tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống khắc phục thảm họa, thiên tai; tổ chức thường trực sẵn sàng chiến đấu.
Tuy nhiên, hiện nay Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006 (được sửa đổi, bổ sung năm 2014) và các văn bản quy định chi tiết thi hành chưa có quy định điều chỉnh về hoạt động của tàu bay công vụ, trong đó có tàu bay chuyên dùng của lực lượng CAND.
Để đảm bảo cơ sở pháp lý cho Trung đoàn Không quân CAND hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong giai đoạn hiện nay, việc xây dựng Thông tư quy định về tổ chức hoạt động bay của Không quân CAND quy định cụ thể về quản lý, khai thác tàu bay; quản lý, khai thác sân bay; thành viên tổ bay và nhân viên bảo đảm kỹ thuật tàu bay; quản lý, điều hành bay; công tác bảo đảm và tổ chức bay; bảo đảm an toàn bay trong Không quân CAND là cần thiết.
Dấu hiệu nhận biết tàu bay Không quân CAND
Dự thảo Thông tư gồm 8 Chương 42 Điều quy định về quản lý và khai thác tàu bay; quản lý và khai thác sân bay; thành viên tổ bay và nhân viên bảo đảm kỹ thuật tàu bay; quản lý, điều hành bay; bảo đảm bay và tổ chức bay; tổ chức bảo đảm an toàn bay của Không quân CAND; áp dụng đối với các đơn vị Không quân CAND được trang bị tàu bay có người lái và các cơ quan, đơn vị khác có liên quan.
Theo đó, dự thảo Thông tư quy định rõ tàu bay của Không quân CAND là tàu bay chuyên dùng được Bộ Công an trang cấp cho các đơn vị trong lực lượng CAND để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật. Các đơn vị trong CAND được trang cấp tàu bay có trách nhiệm quản lý tàu bay theo quy định, bảo đảm công tác thường trực, sẵn sàng ra quân thực hiện nhiệm vụ.
Dấu hiệu nhận biết của tàu bay Không quân CAND bao gồm biểu tượng Quốc kỳ Việt Nam và số hiệu tàu bay. Biểu tượng Quốc kỳ Việt Nam có chiều rộng bằng hai phần ba (2/3) chiều dài, kích thước cân đối và phù hợp với từng loại tàu bay; được sơn ở hai bên phần thân và dưới bụng của tàu bay.
Số hiệu tàu bay trong Không quân CAND được thể hiện bằng bốn chữ số, trong đó hai chữ số đầu tiên là số năm mà tàu bay được đưa vào biên chế, hai chữ số tiếp theo là số thứ tự của tàu bay trong biên chế. (Ví dụ: Tàu bay mang số hiệu 2401, được hiểu như sau: 24 - Tàu bay được đưa vào biên chế năm 2024; 01 - Tàu bay thứ nhất của Không quân CAND). Dấu hiệu nhận biết được thể hiện trên tàu bay phải bảo đảm có độ bền, rõ ràng và dễ nhận biết bằng mắt thường hoặc bằng các phương tiện nhận biết thông thường khác…
Toàn văn dự thảo Thông tư được đăng trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an để lấy ý kiến đóng góp trong thời gian 60 ngày kể từ ngày đăng (26/4/2024).