Lấy ý kiến vào dự thảo nghị quyết thành lập Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh
ĐBP - Ngày 28/8, Văn phòng Quốc hội tổ chức hội nghị trực tuyến lấy ý kiến vào dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu, tổ chức của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh. Đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội chủ trì tại điểm cầu Trung ương. Tại điểm cầu Điện Biên, đồng chí Mùa A Vảng, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì hội nghị.
Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Điện Biên.
Sau một thời gian thực hiện thí điểm hợp nhất 3 văn phòng: Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND cấp tỉnh, trên cơ sở đề nghị của Chính phủ tại Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH14 ngày 4/10/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thí điểm hợp nhất 3 văn phòng: Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND cấp tỉnh, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội trong đó có quy định: chấm dứt việc thực hiện thí điểm hợp nhất 3 văn phòng theo Nghị quyết 580/2018/UBTVQH14 và thành lập Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh để tham mưu giúp việc, phục vụ chung hoạt động của Đoàn ĐBQH và HĐND. Ngoài ra, do quy định kinh phí hoạt động của Văn phòng Đoàn ĐBQH khi sáp nhập với Văn phòng HĐND sẽ do các địa phương đảm bảo nên việc phân bổ ngân sách cho hoạt động của Văn phòng Đoàn ĐBQH năm 2021 phải được thực hiện trước ngày 1/1/2021 và được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV. Đồng thời, trên cơ sở kế thừa Nghị quyết 545/2007/UBTVQH12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội đã nghiên cứu, xây dựng nghị quyết về thành lập và quy định, quyền hạn, cơ cấu, tổ chức của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Dự thảo Nghị quyết gồm 9 điều, quy định về: Vị trí chức năng của Văn phòng đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh; nhiệm vụ và quyền hạn của văn phòng; cơ cấu, tổ chức của văn phòng; chế độ làm việc; trụ sở làm việc và kinh phí hoạt động; mối quan hệ công tác; điều khoản chuyển tiếp; trách nhiệm thi hành; hiệu lực thi hành.
Tại hội nghị, đại biểu các tỉnh: Ninh Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Bình Định, Hải Phòng, Thanh Hóa, Lạng Sơn, Lâm Đồng… đã có nhiều ý kiến tham gia góp ý vào dự thảo; trong đó tập trung vào một số nội dung: số lượng và tên gọi các phòng, biên chế văn phòng, điều khoản chuyển tiếp và kinh phí hoạt động của Văn phòng…
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Uông Chu Lưu đánh giá cao những ý kiến sát thực, thẳng thắn, trách nhiệm và tinh thần khẩn trương, tích cực tham gia góp ý vào dự thảo nghị quyết của các đại biểu. Trên cơ sở đóng góp ý kiến của các đại biểu, đồng chí tiếp thu các ý kiến và đề nghị ban soạn thảo, tổ biên tập chỉnh sửa để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến.