LĐBĐVN đón tân GĐKT Adachi giữa mùa dịch: Chạy đua với thời gian
Covid-19 đang diễn biến phức tạp, song LĐBĐVN đã đề xuất để tân Giám đốc kỹ thuật (GĐKT) Yusuke Adachi nhập cảnh vào Việt Nam theo diện đặc biệt. Sự xuất hiện của chiến lược gia người Nhật Bản cho thấy, bóng đá Việt Nam đang chạy đua với thời gian cho đến kế hoạch giàu tham vọng mang tên World Cup.
Yusuke Adachi là ai?
Ông Yusuke Adachi đã có mặt tại Việt Nam vào tối 10/8, sau khi đáp chuyến bay từ Nhật Bản tới sân bay quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh). Tại đây, ông thực hiện cách ly y tế 14 ngày theo quy định, bảo đảm công tác phòng chống dịch Covid-19. Trước đó vào tháng 7/2020, chiến lược gia người Nhật Bản chính thức trở thành tân GĐKT của VFF thay cho người tiền nhiệm là ông Jurgen Gede (người Đức). Hợp đồng giữa 2 bên có thời hạn 2 năm và kèm theo điều khoản gia hạn thêm ít nhất 1 năm.
Lý lịch của ông Adachi (sinh năm 1961) khá ấn tượng. Từ năm 1977 - 1980, Adachi khoác áo đội trẻ Yomiuri (hiện tại là CLB Tokyo Verdy). Tốt nghiệp Trường Đại học Tamagawa (Nhật Bản), năm 1984, ông đi du học tại Đức với chuyên ngành thể thao và thi đấu cho đội Eintracht Koeln (Đức) trong vòng 4 năm. Đặc biệt, ông Adachi nhận được sự đánh giá cao ở lĩnh vực liên quan đến đào tạo bóng đá trẻ, với nhiều năm đảm nhiệm vị trí HLV đội bóng đá học đường, HLV trưởng U18/U21 Cerero Osaka, Giám đốc Thể thao CLB AC Nagano Parceiro.
Adachi là người ham học, sở hữu chứng chỉ B của Liên đoàn Bóng đá Đức năm 1987, chứng chỉ B của Mỹ năm 1993, chứng chỉ S của Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản năm 1999 (chứng chỉ chuyên nghiệp AFC - AFC Pro Diploma). Ông trải qua 1 năm nắm quyền dẫn dắt CLB
Yokohama thi đấu tại J-League 2 năm 2005 trước khi tham gia công tác đào tạo HLV quốc gia cho LĐBĐ Nhật Bản từ 2006 đến 2012. Adachi từng dẫn dắt đội U23 Hồng Kông và đội tuyển Hồng Kông B năm 2018.
Ông thầy người Nhật Bản còn được biết đến là một trong những giảng viên HLV ưu tú (Elite) của LĐBĐ châu Á (AFC), thường xuyên được FIFA mời cộng tác trên cương vị là thành viên Nhóm chuyên gia phân tích dữ liệu chuyên môn tại Cúp Liên đoàn các châu lục 2001, World Cup 2002 và của LĐBĐ Nhật Bản tại World Cup 2006. Ông cũng chính là thầy của nhiều HLV thuộc thế hệ cầu thủ danh tiếng tại Việt Nam như Phan Thanh Hùng, Hoàng Văn Phúc, Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Văn Sỹ, Nguyễn Hữu Thắng… khi được AFC bổ nhiệm là giảng viên khóa đào tạo HLV bóng đá chuyên nghiệp năm 2017.
Theo Phó Chủ tịch thường trực VFF Trần Quốc Tuấn, vai trò của GĐKT khác với HLV, do vậy phải tính toán, lựa chọn người phù hợp với những yêu cầu ngày càng cao của bóng đá Việt Nam. Qua tìm hiểu, đánh giá và cân nhắc, VFF nhận thấy sự hiện diện của ông Adachi với vai trò GĐKT sẽ giúp bóng đá Việt Nam chủ động hơn về việc tổ chức các hệ thống đào tạo hiện nay. Các CLB rất cần sự chủ động trong nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt các HLV bằng B, A, Pro nhằm đáp ứng tiêu chí phát triển bóng đá chuyên nghiệp của AFC. Ngoài công việc hoạch định, tổ chức, lên kế hoạch cho các đội tuyển trẻ Việt Nam, ông Adachi sẽ chịu trách nhiệm đào tạo nguồn nhân lực cho bóng đá trẻ Việt Nam, đặc biệt hệ thống HLV trẻ, GĐKT cho các CLB và trung tâm bóng đá…
Tổng công trình sư
Adachi không phải là GĐKT đầu tiên của VFF. Nhưng câu hỏi ông sẽ làm được gì vẫn còn nguyên tính thời sự sau hai đời GĐKT với nhiều lý do đã không để lại quá nhiều ấn tượng (ông Rainer và Gede). Thực tế, việc xây dựng đường lối phát triển của người nắm giữ cương vị GĐKT phải được định hình từ ý tưởng và tham vọng từ “người chủ” mà ở đây là VFF đưa ra. Từ ý tưởng ấy, người GĐKT sẽ xây dựng lộ trình phát triển bóng đá dựa trên điều kiện về cơ sở vật chất, điều kiện tài chính, nguồn nhân lực...
Một trong những nhiệm vụ then chốt của ông Adachi là cần phải đề ra hệ thống huấn luyện dành cho công tác đào tạo bóng đá trẻ xuyên suốt cả nước. Điều này nhằm đào tạo nên một thế hệ cầu thủ có kỹ thuật cơ bản để khi được gọi tập trung vào các đội tuyển quốc gia, HLV trưởng sẽ không mất thời gian uốn nắn kỹ thuật mà chỉ tập trung vào việc nâng cao tính hiệu quả trong việc ứng dụng các bài tập chiến thuật. Lâu nay, bóng đá Việt Nam mất rất nhiều thời gian tập trung ở đội tuyển vì cầu thủ được đào tạo theo kiểu tự phát ở cơ sở. Người giúp HLV cơ sở nâng cấp trình độ huấn luyện chính là GĐKT.
Về vấn đề này, chuyên gia Đoàn Minh Xương, người có nhiều năm huấn luyện các CLB tham dự V-League cho rằng các trung tâm đào tạo bóng đá trẻ ở Việt Nam mỗi nơi làm một kiểu khác nhau. Do đó, VFF phải có động tác đặt đúng vai trò của GĐKT với HLV cấp cơ sở qua việc tổ chức các lớp học nâng cao hàng năm do đích thân GĐKT trực tiếp đứng lớp, cụ thể ở đây là ông Adachi. Ngoài ra, theo ông Xương, điểm chung nhất của các nền bóng đá trên thế giới là sự gắn kết giữa GĐKT với Hội đồng HLV quốc gia. Trong đó, có sự thống nhất một giáo án huấn luyện bóng đá từ trong học đường đến các trung tâm huấn luyện, quy hoạch các đội tuyển trẻ cho đến đội tuyển U22 quốc gia.
Trong một chia sẻ gần đây, cựu danh thủ Lê Thụy Hải cho biết: “Khi đang là HLV đội Tổng cục Đường sắt, tôi chủ yếu hướng dẫn cầu thủ bằng kinh nghiệm chứ chưa thông qua trường lớp nào cả. GĐKT Rainer đến Việt Nam làm việc, ông ấy mở lớp phổ cập về việc chuẩn bị thể lực, tôi và nhiều đồng nghiệp như Nguyễn Kim Hằng, Đoàn Phùng, Trần Bình Sự, Lê Đình Chính, Trần Vũ... đăng ký đi học và vỡ ra rất nhiều điều bổ ích cũng như hiểu sâu hơn sự tân tiến về huấn luyện thể lực trước mùa giải mới. Có được GĐKT giỏi nghề, xây dựng được hệ thống đào tạo trẻ hợp lý, bài bản, HLV trưởng đội tuyển quốc gia sẽ thuận lợi rất nhiều trong việc phát huy tài năng của các cầu thủ trẻ.
Bên cạnh vấn đề GĐKT sẽ làm gì thì câu chuyện sử dụng “nhân tài” của VFF cũng rất đáng quan tâm. Trước ông Adachi, bóng đá Việt Nam thật sự lãng phí với nhiều GĐKT tâm huyết, yêu nghề và giỏi chuyên môn như Rainer (1994 - 2004) và sau đó là ông Gede. Theo đánh giá, VFF chưa coi trọng cũng như tạo điều kiện để những chuyên gia người Đức xây dựng chiến lược phát triển căn cơ cho bóng đá trẻ. VFF chưa thực sự nghiêm túc giải quyết vấn đề mang tính nền móng cho bất cứ nền bóng đá nào thì nói gì đến chiến lược phát triển cho mục tiêu World Cup.
Bất kỳ nền bóng nào trên thế giới vai trò của GĐKT cũng có ý nghĩa quyết định đến định hướng, vận hành của cả nền bóng đá. Tuy nhiên, nếu bóng đá Việt Nam vẫn còn mạnh nơi nào nơi đó làm, không có một con đường chung theo hướng chuyên nghiệp trong khi VFF không đặt đúng vai trò của GĐKT thì rất khó để ông Adachi phát huy được tầm chiến lược để đưa bóng đá Việt Nam phát triển một cách căn cơ, ổn định và vững bền.
“Bóng đá Việt Nam phải nỗ lực giành 1 suất tham dự VCK World Cup 2026 khi châu Á có 8,5 suất. Trong các đề án phát triển bóng đá Việt Nam, chúng tôi đặc biệt quan tâm tới các kế hoạch, phương án cụ thể để có thể đạt mục tiêu này. Về lâu dài, bóng đá Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung mạnh cho khâu đào tạo trẻ vì có như vậy chúng ta mới đảm bảo nguồn lực lượng, sự kế thừa. VFF đang hướng tới kế hoạch tổ chức cúp Quốc gia cho các lứa U15 và U17. Ngoài ra, đội tuyển Việt Nam cũng sẽ nhận trách nhiệm bảo vệ ngôi vị số 1 Đông Nam Á tại AFF Cup 2020, hiện đã hoãn đến năm 2021 và đặc biệt là giành HCV SEA Games 31, diễn ra tại Việt Nam. Đội tuyển bóng đá nữ quốc gia cũng đang đứng trước cơ hội giành suất tham dự World Cup bóng đá nữ 2023 khi FIFA nâng số đội dự giải lên 32. Đây là cơ hội tốt để bóng đá nữ có thể bứt phá”. - Phó Chủ tịch thường trực VFF Trần Quốc Tuấn