Lê Anh Vũ và sân chơi gốm đương đại ở Bát Tràng

Muốn đem lại những cảm nghiệm nghĩ khác, nhìn khác, hiểu khác về gốm, không gian Gốm nghệ thuật Bát Tràng (Bát Tràng Ceramic Art Space) ra đời, người tạo lập là Lê Anh Vũ, một điêu khắc gia kiêm giảng viên Đại học Mỹ thuật Công nghiệp.

Gốm Việt, cả ngàn năm trước đã lừng danh với những kiệt tác tiêu biểu từ thời Lý, tiếp tục phát triển qua các triều đại lịch sử về sau. Những làng gốm, lò gốm vẫn đỏ lửa, sau bao thăng trầm để hôm nay khi nhắc đến gốm Việt - nhìn từ những làng gốm có bề dày lịch sử như Bát Tràng - nhiều lữ khách đến rồi đi theo cảm nhận rằng “Chẳng có gì để xem cả”. Điều ấy chạm tự ái nghề nghiệp của thợ gốm gia truyền làng Bát Tràng là Lê Anh Vũ.

Câu chuyện gây dựng sân chơi gốm, ý đồ tạo cho gốm những giá trị ở góc tiếp cận mới, chuyên nghiệp, có chiều sâu, đậm chất nghệ thuật chứ không chỉ dừng lại ở sản phẩm thông thường được hình thành, bắt đầu từ cuối 2018.

Cái khó người thợ nghề

Trong hoạt động nghệ thuật, không ít nghệ sĩ ở lĩnh vực hội họa, điêu khắc… từng tìm đến gốm thử sức mình, nhưng phong trào chơi với gốm chỉ lóe lên rồi tắt ngúm. Cái lý cho sự cụt hứng nghệ thuật nhanh như cơn gió ấy, là bởi nghệ sĩ khi chạm vào gốm, vốn là tay ngang, lại thiếu hướng dẫn tường tận về kỹ thuật thể hiện, khi bắt tay sáng tác thì hăng say, tạo hình hoàn thiện, tốn bao công sức, nhưng qua lửa lò thì tanh banh vỡ vụn.

Lê Anh Vũ và không gian sáng tác ở Bát Tràng Ceramic Art Space.

Lê Anh Vũ và không gian sáng tác ở Bát Tràng Ceramic Art Space.

Gốm là một chất liệu kỳ thú, nhưng khi chưa làm chủ được nó, chưa đủ hiểu về nó, kết quả dường như không mấy khả quan, phong trào chơi với gốm của “giới nghệ” yếu dần là vậy. Rồi nhìn lại trong các làng nghề, từ lâu đời cho đến non tuổi, đi từ đầu làng cuối xóm, cũng na ná sản phẩm như nhau, một nhà ra mẫu là cả làng đu bám theo. Câu nhận xét “Chẳng có gì để xem” ở làng gốm truyền thống Việt có phần hơi cực đoan, nhưng thẳng thắn nhìn nhận, có nhiều phần đúng. Bởi cái cần xem, không chỉ dừng ở số lượng, chồng chồng lớp lớp sản phẩm như trước, mà người xem hôm nay cần ở gốm những giá trị khác về thẩm mỹ, công năng, thiết kế, tính sáng tạo,… những khái niệm còn thiếu đậm trong môi trường làng nghề.

Trở lại câu chuyện của Lê Anh Vũ, là cư dân gốc của Bát Tràng. Vũ kể chuyện nghề: “Ở gia đình tôi thì từ thời ông nội đã làm gốm, ông phụ trách đốt lò, bà nội làm xưởng men, bố tôi đi bộ đội về cũng làm gốm, rồi vào trường đại học giảng dạy, tôi cũng theo chân các cụ gắn bó với nghề. Bây giờ vừa làm sáng tác, sản xuất tại xưởng, vừa tham gia công tác giảng dạy. Ở Bát Tràng, trừ phần làm đất, còn các công đoạn gốm từ chế tạo men, thiết kế mẫu, sản xuất, nung đốt… tôi làm hết. Tôi quan niệm muốn giữ nghề phải nắm trọn các kỹ năng, từ xương đất, men, kỹ thuật nung,… rồi sau đó muốn phát triển ra thế nào thì đều dễ dàng”.

Triển lãm đầu 2024 của điêu khắc gia, họa sĩ ở sân chơi Bát Tràng Ceramic Art Space.

Triển lãm đầu 2024 của điêu khắc gia, họa sĩ ở sân chơi Bát Tràng Ceramic Art Space.

Nói về nghề gốm dưới góc nhìn của một nhà sản xuất gốm gia dụng ở Bát Tràng, Lê Anh Vũ thẳng thắn: “Cái khó của nghề gốm, vì là cổ truyền, quy mô các lò gốm cũng ở mức vừa phải, chưa đủ lực mạnh để định hướng được thị trường, bắt thị trường phải dùng cái mình sản xuất. Lấy ví dụ ngay như xưởng gốm gia đình tôi, thời những năm 1990 bộ đồ trà vẽ men tam thái bán rất chạy, giờ chẳng ai mua, người ta chỉ mua đồ xanh trắng. Để chiều lòng thị trường, doanh nghiệp phải ngả theo. Nhu cầu đòi hỏi về thẩm mỹ, nghệ thuật trong gốm của đại bộ phận tiêu dùng, thực sự là còn non yếu. Người tiêu dùng vẫn coi gốm chỉ là chất liệu làm ra sản phẩm gia dụng thông thường, và rẻ tiền nữa”.

Hội tụ anh tài

Tốt nghiệp đại học, Lê Anh Vũ theo đuổi nghiệp sáng tác ở lĩnh vực điêu khắc, gặt hái nhiều thành công với chất liệu chủ đạo là kim loại chứ cũng không phải gốm. Lê Anh Vũ tâm sự: “Ngày bố tôi còn sống, ông có lập phòng trưng bày, cũng đã từng làm hai cuộc triển lãm gốm Bát Tràng, tâm nguyện ông xây dựng một không gian làm nơi triển lãm và lưu trú cho anh em nghệ sĩ yêu gốm. Còn trong hoạt động nghề, tôi làm điêu khắc, kết hợp nhiều yếu tố, dân gian có, đương đại có, từ 2015 chuyển hẳn sang phong cách sáng tác giản lược.

Chuyện trở lại với gốm cũng là tiếp nối tâm nguyện của bố tôi, Bát Tràng Ceramic Art Space - CAS (Không gian gốm nghệ thuật Bát Tràng) hình thành cuối 2018, đến tháng 5.2019 có được triển lãm đầu tiên với 7 nghệ sĩ tham dự...”.

Tác phẩm gốm điêu khắc của nghệ sĩ Hoàng Mai Thiệp.

Tác phẩm gốm điêu khắc của nghệ sĩ Hoàng Mai Thiệp.

Cách làm của Lê Anh Vũ với CAS cũng khác biệt, đó là quy tụ những nghệ sĩ điêu khắc đang thành danh trên nhiều chất liệu khác nhau, khi về CAS, họ sử dụng gốm làm chất liệu chính chuyển thể ý tưởng thành tác phẩm. Bởi thế, trong từng ngôn ngữ thể hiện, mỗi nghệ sĩ lại thổi vào gốm những phong cách, cá tính, tinh thần, kể cả ảnh hưởng chất liệu… rất khác biệt. Lấy ví dụ cụ thể về Lê Anh Vũ, những tác phẩm điêu khắc của Vũ trên chất liệu kim loại khi biến thể vào gốm, vẫn thấy trên cốt gốm là nét đanh thép, sáng bóng của kim loại, hiệu ứng của tác phẩm vì thế mà tạo nên nhiều bất ngờ.

Mây ải của nhà điêu khắc Lê Lạng Lương được thực hiện tại Bát Tràng Ceramic Art Space.

Qua mỗi năm, thêm nhiều nghệ sĩ tên tuổi được Lê Anh Vũ kéo mời về với CAS, liên tục các đợt sáng tác, các triển lãm nối tiếp nhau, tạo nên tiếng vang nhất định trong giới nghệ. Người xem đến với CAS không phải để chiêm ngưỡng các tác phẩm gốm như vốn dĩ thông thường, mà là đến xem tư duy sáng tạo của những nghệ sĩ đương đại.

Lê Anh Vũ nói thêm lý do tập hợp các nghệ sĩ đến với CAS: “Để thợ nghề của làng gốm được tiếp cận những góc nhìn mới, còn bản thân tôi học hỏi tư duy nghệ thuật từ họ, mỗi người có một thế mạnh riêng, khi đến với CAS tôi và cả anh em trong nghề đều có thể cùng lúc tiếp cận nhiều ý tưởng, nhiều cách đặt và giải quyết vấn đề của từng người, đó là kiến thức tích lũy, hỗ trợ tôi trong hoạt động nghệ thuật và giảng dạy. Ở góc độ khác, CAS cũng là sân chơi để quảng bá về gốm Bát Tràng ở góc nhìn nghệ thuật, gốm ở CAS mang một giá trị khác với những gì nhiều người nghĩ về gốm”.

Hình khối lập thể qua kỹ thuật thể hiện trên chất gốm của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Hình khối lập thể qua kỹ thuật thể hiện trên chất gốm của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Tên tuổi những nghệ sĩ, họa sĩ thành danh gặp lại trong tác phẩm gốm ở triển lãm gần nhất của CAS có thể kể đến: Khổng Đỗ Tuyền, Thái Nhật Minh, Hoàng Mai Thiệp, Lê Lạng Lương, Phạm Hà Hải, Nguyễn Xuân Lục, Trần Trọng Tri, Tống Ngọc, Duyên Đỗ… Mỗi người một sắc thái, một ngôn ngữ sáng tạo riêng, đa dạng trên chất liệu xuyên suốt là gốm.

Lê Anh Vũ giải thích: “CAS là sân chơi gốm, nhưng nghệ sĩ đến không phải để chơi, để thư giãn, mà là lao động thực sự, nghiêm túc và chuyên nghiệp. Tôi có kỹ thuật, có xưởng, lò, có thợ hỗ trợ, anh em nghệ sĩ thỏa sức sáng tạo, khúc mắc chỗ nào tôi và anh em kỹ thuật giúp xử lý, để từ ý tưởng ra tác phẩm được hoàn thiện trong thời gian ngắn nhất, nhưng kết quả tối ưu, chi phí thấp nhất. Còn về việc thể hiện, mỗi nghệ sĩ chịu trách nhiệm với sáng tạo của mình, do vậy chất lượng của tác phẩm luôn ở mức cao. Đó cũng là điều tôi mong muốn khi vận hành CAS”.

Bài và ảnh: Thiên An

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/le-anh-vu-va-san-choi-gom-duong-dai-o-bat-trang-43534.html