1. Nằm trên một hòn đảo phía Đông Hồ Tây, quận Tây Hồ, Hà Nội, chùa Trấn Quốc có lịch sử 1.500 năm, được coi là ngôi chùa lâu đời nhất, đồng thời cũng là một trong những thắng cảnh nổi tiếng nhất của Thủ đô.
Theo sử sách, chùa được xây dựng từ thời Lý Nam Đế (541 – 547) với tên là Khai Quốc, trên một bãi đất cạnh sông Hồng. Thời Lê Kính Tông (1600-1618) chùa được dời vào đảo Kim Ngư (Cá Vàng) trong Hồ Tây, là địa điểm hiện tại. Đời Lê Hy Tông (1675 - 1705) chùa đổi tên thànhTrấn Quốc.
Năm 1842, vua Thiệu Trị cho đổi tên chùa là Trấn Bắc. Nhưng tên gọi Trấn Quốc vẫn được dân gian quen gọi. Do đã trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa, mà lần gần nhất là năm 2010, kiến trúc chùa là sự pha trộn phong cách kiến trúc của các thời kỳ khác nhau.
Giống hầu hết những ngôi chùa cổ khác ở miền Bắc Việt Nam, kết cấu và nội thất chùa Trấn Quốc có sự sắp xếp trình tự và theo nguyên tắc khắt khe của Phật giáo. Công trình kiến trúc mang tính điểm nhấn của chùa là bảo tháp Lục độ đài sen được xây dựng năm 1998.
Trong suốt chiều dài lịch sử của mình, chùa Trấn Quốc luôn là một trung tâm Phật giáo lớn của đất Thăng long - Hà Nội. Chùa từng đón nhiều nguyên thủ các quốc gia lớn tới thăm, và mới đây được tạp chí National Geographic bình chọn là 1 trong 10 ngôi chùa Phật giáo đẹp nhất thế giới.
2. Nằm trên đồi Hà Khê, tả ngạn sông Hương, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 5 km, chùa Thiên Mụ là ngôi chùa cổ nổi tiếng bậc nhất của toàn miền Trung. Chùa chính thức được khởi lập vào năm 1601, thời chúa Tiên Nguyễn Hoàng - vị chúa Nguyễn đầu tiên ở Đàng Trong.
Dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu, vào năm 1714 chùa đã được đại trùng tu chùa với việc xây hàng chục công trình kiến trúc mô. Năm 1844, vua Thiệu Trị cho xây thêm một ngôi tháp bát giác gọi là Từ Nhân (sau đổi là tháp Phước Duyên). Tòa tháp này được coi là một biểu tượng của xứ Huế.
Trận bão năm 1904 đã tàn phá chùa Thiên Mụ nặng nề, khiến nhiều công trình bị hư hỏng. Năm 1907, vua Thành Thái cho xây dựng lại chùa, nhưng quy mô chùa không còn được to lớn như trước nữa. Diện mạo kiến trúc chùa hiện tại về cơ bản được giữ từ thời Thành Thái.
Ngay từ thời các chúa Nguyễn, chùa Thiên Mụ đã được mệnh danh là ngôi chùa đẹp nhất xứ Đàng Trong. Vào thời nhà Nguyễn, chùa được xếp vào 20 thắng cảnh đất Thần Kinh với bài thơ "Thiên Mụ chung thanh" do đích thân vua Thiệu Trị sáng tác và được ghi vào bia đá.
Bên cạnh những công trình kiến trúc độc đáo, chùa Thiên Mụ còn là nơi có nhiều cổ vật quý giá về lịch sử và nghệ thuật như chuông đồng, những bức tượng Phật, Hộ pháp, hoành phi, của mỗi du khách khi đến thăm xứ Huế.
3. Tọa lạc tại số 339 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, chùa Vĩnh Nghiêm dù không có bề dày lịch sử như chùa Trấn Quốc hay chùa Thiên Mụ, những lại là ngôi chùa nổi tiếng bậc nhất của TP HCM. Chùa được xây dựng từ năm 1964 - 1971 theo thiết kế của kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng.
Tên gọi chùa Vĩnh Nghiêm ở Sài Gòn được đặt theo tên của chùa Vĩnh Nghiêm ở xã Đức La, tổng Trí Yên, phủ Tạng Giang, tỉnh Bắc Giang. Đây là một ngôi chùa kiến lập từ đời vua Lý Thái Tổ, vốn là trung tâm truyền bá Phật giáo của Thiền phái Trúc Lâm.
Sau khi hoàn thành, chùa Vĩnh Nghiêm tọa lạc trên một khuôn viên rộng thoáng, diện tích khoảng 6.000 m2. Kiến trúc chùa vừa mang lối hiện đại, vừa chịu ảnh hưởng từ kiến trúc chùa cổ miền Bắc Việt Nam.
Các tòa Bảo tháp làm nên điểm nhấn kiến trúc cho chùa, nổi bật là Tháp Quán Thế Âm, có lối vào nằm bên phải Phật điện. Công trình này gồm 7 tầng, cao gần 40 mét, là ngôi tháp đồ sộ thuộc hàng bậc nhất trong các ngôi bảo tháp của Phật giáo Việt Nam.
Giới kiến trúc đánh giá, chùa Vĩnh Nghiêm là một trong số công trình tiêu biểu cho kiến trúc Phật giáo Việt Nam ở thế kỷ 20. Đây là ngôi chùa thu hút lượng du khách tham quan, chiêm bái hàng đầu của TP HCM vào các dịp lễ, Tết.
Mời quý độc giả xem video: Đi tìm Tết Việt. Nguồn: VTC14.
Quốc Lê