Lễ cúng bến nước Hồ Lắk

Lễ cúng bến nước hay còn gọi là lễ cúng bến hồ là một trong những lễ hội truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên nói chung và dân tộc M'nông huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk nói riêng.

Đây được xem là một trong những nét đẹp văn hóa đặc sắc và lâu đời nhất của người M’nông.

Buôn Jun, thị trấn Liên Sơn nằm ven Hồ Lắk là nơi lưu giữ nhiều phong tục, tập quán truyền thống tốt đẹp

Buôn Jun, thị trấn Liên Sơn nằm ven Hồ Lắk là nơi lưu giữ nhiều phong tục, tập quán truyền thống tốt đẹp

Hiện nay, huyện Lắk có 24 dân tộc cùng chung sống với dân số 78.697 người, trong đó người M’nông có 9.465 hộ với 40.532 nhân khẩu chiếm hơn 50% dân số huyện Lắk. Chính vì vậy, các nét văn hóa truyền thống nơi đây, đặc biệt là dân tộc M’nông vô cùng phong phú, đa dạng, giàu bản sắc và gắn liền với quá trình khai phá, chinh phục thiên nhiên từ lâu đời. Có thể kể đến như kiến trúc nhà sàn dài (M’nông R’lâm), kiến trúc nhà vòm (M’nông Gar), làm thuyền độc mộc, dệt thổ cẩm, làm gốm, cồng chiêng, các lễ hội truyền thống…

Trước khi tiến hành nghi lễ cúng, già làng cùng với hai thanh niên trai tráng trong làng sẽ đi mời các thần bảo vệ buôn làng bắt đầu từ đầu buôn, đi dọc theo bờ hồ đến cuối bờ hồ thì quay về điểm tổ chức lễ cúng.

Trước khi tiến hành nghi lễ cúng, già làng cùng với hai thanh niên trai tráng trong làng sẽ đi mời các thần bảo vệ buôn làng bắt đầu từ đầu buôn, đi dọc theo bờ hồ đến cuối bờ hồ thì quay về điểm tổ chức lễ cúng.

Trong đó, lễ cúng bến nước được người dân nơi đây rất coi trọng và cứ cách 2 - 3 năm sẽ được tổ chức một lần. Buôn Jun, thị trấn Liên Sơn nằm ven Hồ Lắk là một trong những địa phương còn bảo tồn, lưu giữ và phát huy tốt giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp này của dân tộc.

Thầy cúng Y Sớ Ênuôl thực hiện nghi lễ cúng mời gọi thần nước Hồ Lắk đến lễ cúng, nhận các lễ vật bà con dâng. Lễ vật được dùng cho lễ cúng bến nước gồm có 1 con heo ba gang, 1 chén cơm nếp, 5 ché rượu cần, 1 hồ lô đựng đầy nước và 3 tẩu thuốc lá

Thầy cúng Y Sớ Ênuôl thực hiện nghi lễ cúng mời gọi thần nước Hồ Lắk đến lễ cúng, nhận các lễ vật bà con dâng. Lễ vật được dùng cho lễ cúng bến nước gồm có 1 con heo ba gang, 1 chén cơm nếp, 5 ché rượu cần, 1 hồ lô đựng đầy nước và 3 tẩu thuốc lá

Ông Y Luyết Ênuôl - Buôn trưởng buôn Jun cho biết, trước đây, đời sống của bà con buôn Jun chủ yếu dựa vào Hồ Lắk, vì vậy thuyền độc mộc là phương tiện đi lại chủ yếu của người dân trong mọi hoạt động sinh hoạt hàng ngày từ lên nương rẫy, đi đánh bắt cá hay sang các buôn làng khác đều sử dụng thuyền độc mộc. Và, nơi các con thuyền độc mộc đậu đã trở thành nơi được mọi người trong buôn tâm niệm là nơi linh thiêng, là nơi có thần nước, thần núi coi giữ để buôn làng đi thuyền được bình an, thuận buồm xuôi gió. Từ đó, lễ cúng bến nước trở thành một phong tục, tập quán độc đáo của người M’nông nơi đây.

Kết thúc lễ, thầy cúng sẽ bôi tiết heo được hòa cùng với rượu cần lên cồng chiêng, ché rượu cần để mời các vị thần nghe tiếng cồng chiêng và thưởng thức ly rượu cần

Kết thúc lễ, thầy cúng sẽ bôi tiết heo được hòa cùng với rượu cần lên cồng chiêng, ché rượu cần để mời các vị thần nghe tiếng cồng chiêng và thưởng thức ly rượu cần

Đến nay, trong buôn Jun còn khoảng 4 - 5 người am hiểu về lễ cúng và có 1 thầy cúng thực hành nghi thức cúng. Theo Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Lắk, những năm qua, công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch được huyện Lắk quan tâm, đầu tư. Tính đến nay, địa phương đã khôi phục 8 lễ hội, chủ yếu ở các buôn đồng bào dân tộc thiểu số, gồm: lễ cúng bến nước, lễ mừng thọ, lễ cầu mưa, lễ kết nghĩa anh em, lễ cưới, lễ mừng lúa mới, lễ cúng sức khỏe cho voi, lễ cúng hạ thủy thuyền…

Sau buổi lễ, bà con trong buôn sẽ cùng uống rượu cần trên nền nhạc chiêng và ca múa hát

Sau buổi lễ, bà con trong buôn sẽ cùng uống rượu cần trên nền nhạc chiêng và ca múa hát

Đặc biệt, trong năm qua, huyện Lắk vinh dự khi Lễ mừng thọ của người M’nông được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, Lễ hội đua thuyền độc mộc trở thành một lễ hội thường niên của huyện và là một trong các hoạt động chính của Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột thu hút lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước. Sau khi được khôi phục, các lễ hội trên địa bàn huyện đã thực sự làm “sống lại” và lan tỏa giá trị sâu rộng, trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng các dân tộc sinh sống trên địa bàn huyện.

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/le-cung-ben-nuoc-ho-lak-post282981.html