Lễ cúng ché mới đầu xuân của người Ê Đê
Lễ cúng ché mới nhà Ma Lâk. Ảnh: LÊ KHA
Đầu năm mới, tiết trời miền núi se lạnh, gió mơn man thổi nhè nhẹ lay động những bông hoa cải dưới ánh nắng vàng mỏng phớt. Và chúng tôi có dịp chứng kiến lễ cúng ché mới đầu xuân của người Ê Đê huyện Sơn Hòa.
Trong nghệ thuật ẩm thực của đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào Ê Đê nói riêng, có một thứ không thể thiếu, đó là những chiếc vò làm bằng các loại gốm, được gọi là ché (hoặc eh-ché) dành để ủ rượu từ men lá, củ quả của núi rừng. Theo quan niệm của người Ê Đê, trong mỗi chiếc ché đều có linh hồn. Ché không chỉ đơn thuần là một hiện vật mà còn mang tính thiêng liêng. Do đó, mỗi khi có một ché mới về nhà, họ làm lễ cúng tế với đất trời, thần linh. Đây là phong tục lâu đời, thể hiện bản sắc văn hóa của người Ê Đê.
Đầu năm mới này, chúng tôi may mắn được dự lễ cúng ché đầu xuân của gia đình ông Ma Lâk ở buôn Chơ, xã Krông Pa, huyện Sơn Hòa. Ngày tổ chức lễ, nhà ông Ma Lâk trở nên đông vui hơn hẳn, tiếng nói cười rôm rả. Trên nhà sàn ở gian đón tiếp khách, các chàng trai trẻ phụ giúp buộc các ché rượu vào cây tre cắm giữa nhà và treo cồng chiêng bên chiếc kpan (nơi ngồi đánh cồng chiêng, uống rượu). Ở gian bếp, các chị em nấu nướng thức ăn, nói cười vui vẻ. Trước đó một ngày, trai gái ra rừng gùi củi xếp đầy dưới nhà sàn.
Già làng Oi Ngun cho biết: “Sau mùa vụ thu hoạch, chuẩn bị đón năm mới, bà con mua sắm ché để ủ rượu, rồi chờ đến đầu xuân, khi cây trên rừng thay lá đâm chồi nẩy lộc, gia đình tổ chức lễ cúng xin phép các thần linh cho ché cùng ở chung với gia đình. Lễ cúng này còn mang ý nghĩa gia chủ muốn loan tin với họ hàng, bà con trong buôn làng được biết và đến chia vui cùng gia đình đã mua một ché mới”.
Lễ cúng ché gồm một con heo khoảng 25-30kg, ba ché rượu, cơm gạo lúa tẻ, lúa nếp, muối, có vòng đồng, vòng bạc và trầu cau. Chiếc ché mới được đặt ở giữa nhà. Chủ nhà làm lễ khấn vái yàng Adiê (thần trời), yàng Ea (thần nước), yàng Lăn (thần đất), yàng Chư (thần núi) và tổ tiên: “Ơ các thần linh, dòng tộc, hôm nay gia đình chúng tôi làm lễ cúng mừng ché mới về nhà, xin được các thần linh, tổ tiên cho phép ché Tang, ché Tuk (Túc) như một thành viên trong gia đình; ché cùng chia sẻ cái vui, nỗi buồn và những khó khăn trong cuộc sống trong ngôi nhà này. Thần linh độ trì ché ủ rượu thật ngon để tế lễ cúng mừng lúa mới, cúng bến nước, cúng thần đất, mừng tuổi con cháu trưởng thành…”.
Khấn xong, gia chủ hút rượu cần vào ché mới rồi đeo những chiếc vòng đồng vào các tai ché và vòng bạc vào cổ ché. Đây là nghi thức “mời” uống rượu và trao quà lưu niệm cho ché mới. Tiếp đó, gia chủ mời các thành viên trong gia đình, thân tộc và khách xa, bạn gần ăn cơm, uống rượu. Trên chiếc kpan đặt dọc nhà dài, mọi người chuyền tay nhau tô rượu cần thơm nồng, “dàn nhạc” gõ nhịp chiêng năm âm vang cả buôn làng, chia mừng cùng gia chủ có ché mới về nhà. Các thanh niên thổi kèn môi truyền đạt ước vọng, còn các sơn nữ với trang phục truyền thống hân hoan thể hiện điệu múa xoan Tưnôl và Tap sơgơr dưới mái nhà sàn.
Ông Nay Hiếp, Chủ tịch HĐND xã Krông Pa cho biết: “Lễ cúng ché là nét đẹp truyền thống, bản sắc văn hóa của dân tộc Ê Đê. Gia đình, buôn làng nào có nhiều ché là thể hiện sự đủ đầy trong cuộc sống. Mỗi gia đình sau khi mua ché mới, đến dịp đầu xuân đều tổ chức cúng thần linh cho ché. Nghe tin ấy, bà con buôn làng rất mừng vui, bởi họ có tích lũy để mua sắm được ché làm tài sản. Tiếng chiêng, tiếng cồng âm vang tạo nên không khí tưng bừng, rộn ràng, phấn khởi cho buôn làng đón mừng năm mới, cầu mong yàng luôn chăm lo cho dân làng an vui, đạt được những kỳ vọng tốt đẹp phía trước”.
Hiện nay, gia đình ông Ma Nginh ở buôn Lé A, có số lượng ché nhiều nhất xã Krông Pa với hơn 30 ché Tuk và ché Tang. Đây là sính lễ của cha mẹ vợ ông mừng cho con gái đã “bắt” chồng (theo tục lệ của dân tộc Ê Đê, con gái đi cưới con trai làm chồng). “Khi chúng tôi nhận ché làm của hồi môn cũng tổ chức lễ cúng mừng ché về ở chung với mình, có cha mẹ đôi bên chứng kiến”, Ma Nginh cho biết.
Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/234658/le-cung-che-moi-dau-xuan-cua-nguoi-e-de.html