Lễ cúng 'Nương rẫy phụ mẫu' của người Dao
Lễ hội là một trong những sự kiện, một trong những không gian văn hóa tâm linh, thể hiện niềm tin tôn giáo của các dân tộc thiểu số nói chung, dân tộc Dao nói riêng.
Lễ hội của dân tộc Dao thường diễn ra theo chu kỳ sản xuất nông nghiệp, theo mùa vụ, được tổ chức theo quy mô lớn - nhỏ khác nhau. Mỗi năm có 12 tháng lao động, mỗi tháng người Dao đều có một lễ cúng dù lớn hay nhỏ.
Khi bắt đầu vào mùa vụ, người Dao có lễ cúng “Nương rẫy phụ mẫu”. Đồng bào quan niệm chủ nương rẫy là một nữ thần, do vậy khi bắt đầu vào vụ, họ chọn ngày tốt để bắt đầu làm lễ. Hôm đó, chủ nhà lên nương sớm hơn mọi người, khi đi mang theo hạt giống cùng lễ phẩm gồm có: một chai rượu, một gói xôi, một con gà luộc và ít tiền âm. Chọn một đám đất tương đối bằng phẳng giữa nương để dựng lều cúng đơn sơ và bày lễ phẩm. Chặt một đoạn nứa tiện làm chén để vào mâm cúng rồi thắp hương khấn các vị thần chủ như: thần nương rẫy, thổ thần...
Sau nghi thức ấy, chủ nương đi vãi hạt giống từ chân nương trở lên, từ bên phải qua trái, ngược với chiều kim đồng hồ. Nếu hạt giống còn thừa thì vãi xung quanh lều cúng. Sau này, những buổi đi thăm nương hoặc làm cỏ lúa, chủ nương không quên đem theo một chén rượu hay nước chè, hoặc nước trắng để ghé vào lều cúng, tưới nước lên khoảng đất từng đặt mâm lễ để tỏ lòng tạ ơn các thần linh, và cầu cho các vị thần bảo vệ cây trồng, chăm sóc cho cây trồng tốt tươi, cho mùa màng bội thu.