Lễ dâng hương đặc biệt ở khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc
Hằng năm, vào ngày 16 tháng giêng sẽ diễn ra Lễ khai hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc, nhưng năm nay để phòng chống dịch Covid-19, lễ hội không được tổ chức.
Sáng 27.2 (tức ngày 16 tháng giêng), Ban Quản lý (BQL) di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc tổ chức Lễ dâng hương để tưởng niệm Đệ Tam tổ Trúc Lâm Huyền Quang tôn giả.
Lễ dâng hương được tổ chức nhanh gọn nhưng trang trọng để tưởng nhớ Đệ Tam tổ Trúc Lâm Huyền Quang tôn giả.
Hằng năm, vào ngày 16 tháng giêng Lễ khai hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc được tổ chức với quy mô lớn, nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc, nhưng năm nay để phòng chống dịch Covid-19, lễ hội không được tổ chức.
Huyền Quang tên thật là Lý Đạo Tái thuộc dòng dõi quan lại nhà Lý, sinh vào tháng giêng năm Giáp Dần (1254) tại hương Vạn Tư (nay thuộc xã Thái Bảo, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh).
Năm 21 tuổi, ông đỗ đầu khoa Giáp Tuất, niên hiệu Bảo Phù (năm 1274). Đương thời, Huyền Quang là một trong những trí thức tài năng, nổi tiếng thơ văn, đã làm việc tại Viện Hàn lâm nhà Trần và được giao tiếp sứ Bắc Triều. Song cũng như vua Trần Nhân Tông, ông đã từ bỏ chốn quan trường, tìm đến với tôn giáo, kiên trì học đạo và biên soạn kinh sách.
Huyền Quang cùng với Phật Hoàng Trần Nhân Tông và Pháp Loa đi đến mọi miền đất nước để thuyết pháp, giảng kinh và trở thành vị tổ thứ ba của Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm.
Những năm tháng cuối đời, ông đã về trụ trì chùa Côn Sơn, hoằng dương phật pháp, lập đài Cửu phẩm liên hoa, biên soạn kinh sách để truyền lại cho đời sau.
Ngày 23 tháng giêng năm 1334, ông viên tịch tại chùa Côn Sơn, thọ 80 tuổi. Ngày viên tịch của ông đã trở thành ngày giỗ tổ của chùa Côn Sơn. Hằng năm, Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc được tổ chức với nhiều hoạt động văn hóa, tín ngưỡng độc đáo tạo nên sức hấp dẫn của di tích, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giáo dục truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc cũng như phát triển các tiềm năng du lịch của tỉnh.