Lễ Giỗ 153 năm Ngày Tứ Kiệt Cai Lậy hy sinh
Sáng 3/2, Lễ Giỗ 153 năm Ngày Tứ Kiệt Cai Lậy hy sinh (1871 – 2024) đã được tổ chức tại thị xã Cai Lậy, Tiền Giang.
Tứ Kiệt là tên gọi hết sức trân trọng, quý mến, thân thương của nhân dân địa phương dành tôn vinh bốn vị anh hùng dân tộc tại địa phương đã anh dũng hy sinh trong những ngày đầu tiên thực dân Pháp xâm lược Nam kỳ Lục tỉnh. Đó là các ông: Nguyễn Thanh Long, Trương Văn Rộng, Trần Công Thận, Ngô Tấn Đước.
Theo sử sách ghi lại, Tứ Kiệt Cai Lậy quê gốc tỉnh Tiền Giang, vốn bộ tướng của Thiên Hộ Dương. Sau khi cuộc khởi nghĩa của Thiên Hộ Dương chống Pháp thất bại, bốn ông về Cai Lậy tập hợp nghĩa quân, lập căn cứ tiếp tục kháng chiến chống thực dân Pháp.
Tuy với vũ khí thô sơ: giáo mác, gậy gộc, tầm vông vạt nhọn… nhưng nghĩa quân của Tứ Kiệt đã đánh những trận lẫy lừng, làm tiêu hao sinh lực địch, lập nên nhiều chiến công hiển hách. Trong đó, nổi bật là trận tấn công Thành Mỹ Tho, đốt kho lương giặc; trận tấn công vào Đồn Cai Lậy đã làm chấn động cả khu vực thời bấy giờ. Để đàn áp cuộc khởi nghĩa, giặc Pháp phải huy động 1.200 quân viễn chinh tại Mỹ Tho, Tân An và các tỉnh lân cận về Cai Lậy càn quét, đàn áp nhân dân và cuộc khởi nghĩa trong nhiều ngày mới dập tắt được.
Sau khi khởi nghĩa thất bại, Tứ Kiệt sa vào tay giặc. Giặc Pháp đã đưa bốn ông ra pháp trường cạnh bờ sông Ba Rài xử chém vào sáng sớm 25 tháng Chạp năm Canh Ngọ, nhằm ngày 14/2/1871.
Sau đó, giặc đem thủ cấp của Tứ Kiệt bêu ở ba nơi: gần cầu sắt Rạch Ông Hiệu, cầu trên lộ đi Ba dừa, đầu đường lộ Dây Thép thuộc địa bàn thị xã Cai Lậy ngày nay nhằm uy hiếp tinh thần kháng chiến của nhân dân địa phương. Ba ngày sau, chúng đem vùi thủ cấp bốn ông ngoài mé ruộng, nay là khu vực Lăng mộ.
Tuy cuộc khởi nghĩa không thành nhưng khí phách của bốn vị anh hùng mãi mãi là niềm tự hào to lớn của nhân dân Cai Lậy, là một minh chứng hùng hồn cho tinh thần bất khuất của dân tộc trong trang sử vàng chống giặc ngoại xâm.
Sự hy sinh anh dũng của Tứ Kiệt Cai Lậy đã tô đậm thêm truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm qua hai thời kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước hết sức hào hùng của quân dân thị xã Cai Lậy nói riêng, tỉnh Tiền Giang nói chung.
Phó Chủ tịch UBND thị xã Cai Lậy Võ Thị Búp tự hào đánh giá, 153 năm qua, anh linh của Tứ Kiệt anh hùng như vẫn còn đây, để cùng với nhân dân trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cũng như tạo thêm động lực trong công cuộc xây dựng, đổi mới đất nước.
Để tưởng nhớ công lao to lớn của bốn Ông Tứ Kiệt Cai Lậy trong sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp hiển hách của dân tộc những ngày đầu chúng xâm lược Nam kỳ Lục tỉnh, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tiền Giang đã đầu tư xây dựng lăng mộ Tứ Kiệt khang trang, to đẹp. Lăng mộ tọa lạc ngay nơi chúng xử trảm các vị anh hùng dân tộc khi xưa để nhân dân trong vùng chiêm bái, nhang khói thờ cúng.
Theo bà Võ Thị Búp, Phó Chủ tịch UBND thị xã Cai Lậy, những năm qua, công tác quản lý, bảo tồn các giá trị văn hóa lịch sử trên địa bàn thị xã luôn được quan tâm trùng tu và gìn giữ, đặc biệt là lăng mộ Tứ Kiệt.
Lăng Tứ Kiệt ở Cai Lậy (Tiền Giang) đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia theo Quyết định 61 QĐ/BT ngày 13/9/1999. Hàng năm, vào dịp giáp Tết cổ truyền, địa phương long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tứ Kiệt với những nghi thức trang trọng theo truyền thống tín ngưỡng dân gian được nhân dân duy trì lưu giữ lâu nay.
Theo thông lệ, Lễ Giỗ năm nay gồm hai phần: phần Hội và phần Lễ, kéo dài trong 3 ngày, từ 1-3/2. Trong đó, Lễ Giỗ chính thức diễn ra trong sáng 3/2 được Ban tổ chức kết hợp với các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân đầy vui tươi, phấn khởi thu hút mọi tầng lớp nhân dân tham gia. Hoạt động góp phần giáo dục truyền thống, động viên các thế hệ con cháu tiếp tục góp thêm công sức, tinh thần, trí tuệ cùng chung sức xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp.