Lễ hội Áo dài Việt Nam tại Fukuoka: Lan tỏa giá trị Việt

Theo Ban tổ chức, sự kiện góp phần quảng bá văn hóa Áo dài Việt Nam và ngành du lịch của Fukuoka và Kyushu.

Các đại biểu tham dự Lễ hội Áo dài Việt Nam tại Fukuoka.

Các đại biểu tham dự Lễ hội Áo dài Việt Nam tại Fukuoka.

Từ ngày 18-21/1/2024 tại thành phố Fukuoka, Nhật Bản, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka, Hội người Việt Nam tại Fukuoka, Hiệp hội doanh nghiệp xúc tiến thương mại và đầu tư Việt Nam tại Kyushu phối hợp tổ chức sự kiện “Lễ hội Áo dài Việt Nam tại Fukuoka”.

Sự kiện có sự hiện diện của bà Vũ Chi Mai, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Fukuoka; bà Omagari Akie, Phó Thống đốc tỉnh Fukuoka; ông Kohara Katsuji Chủ tịch Hội đồng tỉnh Fukuoka; và ông Inoue Hirotaka, Phó Chủ tịch Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam tại tỉnh Fukuoka.

Tham dự sự kiện còn có Tiến sĩ Ngô Quang Xuân, Phó Chủ tịch Vietkings; Nhạc sĩ Quốc Trung; ông Nguyễn Duy Anh, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Fukuoka; ông Phạm Thanh Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp xúc tiến thương mại và đầu tư Việt Nam tại Kyushu; bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Chủ tịch Hội phụ nữ Việt Nam tại Kyushu cùng hơn 40 nghệ sĩ, diễn viên, người mẫu, nhà thiết kế trong nước, và đông đảo bà con người Việt Nam và Nhật Bản tại khu vực Kyushu. Đây là lần đầu tiên Tuần lễ thời trang Áo dài Việt Nam được tổ chức tại Fukuoka, Nhật Bản.

Tổng lãnh sự Việt Nam tại Fukuoka Vũ Chi Mai phát biểu khai mạc sự kiện.

Tổng lãnh sự Việt Nam tại Fukuoka Vũ Chi Mai phát biểu khai mạc sự kiện.

Phát biểu khai mạc sự kiện, Tổng lãnh sự Vũ Chi Mai nhấn mạnh, "Tuần lễ Áo dài Việt Nam tại Fukuoka nhằm quảng bá văn hóa Áo dài Việt Nam và du lịch của Fukuoka và Kyushu. Thông qua chương trình, Ban tổ chức mong muốn ngày càng nhiều du khách quốc tế, cộng đồng người Việt Nam trên toàn thế giới biết đến tỉnh Fukuoka là điểm đến du lịch hấp dẫn, thân thiện và là một thành phố đáng sống tại Nhật Bản".

Tại sự kiện lần này, khách tham quan sẽ được chiêm ngưỡng hơn 160 bộ áo dài của 4 nhà thiết kế Việt Nam gồm: Nhà thiết kế Ngọc Hân (Hoa hậu Việt Nam năm 2010), Nhà thiết kế Cao Minh Tiến, Nhà thiết kế Chế Quyết Tiến và Nhà thiết kế Trần Thiện Khánh, qua sự thể hiện của các người mẫu nổi tiếng Việt Nam là Á hậu Hòa bình 2022 Mai Ngô, Á hậu Hòa bình 2023 Hồng Hạnh, Siêu mẫu Ngọc Ánh, Siêu mẫu Kim Phương, Siêu mẫu Tường Vân... cùng với các nghệ sĩ, người mẫu đến từ cộng đồng người Việt Nam tại khu vực Kyushu.

Tại sự kiện, nhà thiết kế, Hoa hậu Việt Nam 2010 Ngọc Hân mang đến bộ sưu tập áo dài làm từ vải kimono có chủ đề về tranh Kim Hoàng - dòng tranh dân gian từng thất truyền thời gian dài và hiện đã được các nghệ nhân phục chế, và do những người mẫu đặc biệt đến từ cộng đồng người Việt tại khu vực Kuyshu thể hiện.

“Mỗi chiếc áo dài là một tác phẩm nghệ thuật được các nhà thiết kế gửi gắm tình cảm và tâm huyết của mình qua từng họa tiết, màu sắc, chẳng hạn như sự kết hợp màu gốm lam Nhật Bản, các dải obi một cách hài hòa và tinh tế. Mỗi bộ sưu tập là một câu chuyện ý nghĩa, lan tỏa giá trị văn hóa Việt ra thế giới và sự giao thoa văn hóa Việt Nam-Nhật Bản”, bà Vũ Chi Mai nhấn mạnh.

Bà Omagari Akie, Phó Thống đốc tỉnh Fukuoka, Nhật Bản trong trang phục Áo dài Việt Nam phát biểu chúc mừng sự kiện.

Bà Omagari Akie, Phó Thống đốc tỉnh Fukuoka, Nhật Bản trong trang phục Áo dài Việt Nam phát biểu chúc mừng sự kiện.

Phát biểu tại sự kiện, bà Omagari Akie, Phó Thống đốc tỉnh Fukuoka, đánh giá cao nỗ lực của Ban tổ chức, trong đó, nhấn mạnh vai trò quan trọng của Tổng lãnh sự Vũ Chi Mai và Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Fukuoka Nguyễn Duy Anh.

“Hôm nay, tôi cũng mặc áo dài. Đây là cơ hội quý giá để người dân trong tỉnh và du khách tìm hiểu về vẻ đẹp và giá trị văn hóa của áo dài Việt Nam. Chúng tôi hy vọng nhiều người sẽ thích sự kiện này, là cơ hội để họ tìm hiểu văn hóa truyền thống của Việt Nam”, Phó Thống đốc tỉnh Fukuoka chia sẻ.

Ông Inoue Hirotaka, Phó Chủ tịch Liên minh nghị sĩ hữu nghị Việt Nam tại tỉnh Fukuoka đọc thư chúc mừng sự kiện của Chủ tịch Hội đồng tỉnh Fukuoka,

Ông Inoue Hirotaka, Phó Chủ tịch Liên minh nghị sĩ hữu nghị Việt Nam tại tỉnh Fukuoka đọc thư chúc mừng sự kiện của Chủ tịch Hội đồng tỉnh Fukuoka,

Về phần mình, ông Inoue Hirotaka, Phó Chủ tịch Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam tại tỉnh Fukuoka cho biết, năm 2024 đánh dấu kỷ niệm 10 năm kể từ khi Hội đồng nhân dân tỉnh Fukuoka ký thỏa thuận thúc đẩy giao lưu hữu nghị với UBND Thành phố Hà Nội tháng 4/2014. “Chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác để mở rộng hơn nữa giao lưu giữa hai nước. Chúng tôi hy vọng các bạn tiếp tục hỗ trợ, hợp tác trong việc thúc đẩy giao lưu hữu nghị. Tuần lễ thời trang Áo dài lần này đã tạo cơ hội trải nghiệm văn hóa Việt Nam và thúc đẩy giao lưu văn hóa với cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống tại Fukuoka. Chúng tôi hy vọng khi được tận mắt chiêm ngưỡng những chiếc áo dài tuyệt đẹp và trải nghiệm các buổi trình diễn, các bạn sẽ ngày càng quan tâm và hiểu biết hơn về văn hóa Việt Nam”, ông Inoue Hirotaka nói thêm.

Bà Vũ Chi Mai, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Fukuoka chụp ảnh cùng khách mời và các Nhà thiết kế tham dự Tuần lễ thời trang Áo dài Việt Nam tại Fukuoka.

Bà Vũ Chi Mai, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Fukuoka chụp ảnh cùng khách mời và các Nhà thiết kế tham dự Tuần lễ thời trang Áo dài Việt Nam tại Fukuoka.

Bộ sưu tập “Kim Hoàng” là một dòng tranh được thành ở nửa sau thế kỷ XVIII từ hai làng Kim Bảng và Hoàng Bảng hợp lại, sau này được gọi là Kim Hoàng. Chủ đề của tranh rất gần gũi với đời thường, cụ thể là tranh lợn, gà, nông thôn Bắc Bộ…

Tranh được vẽ trên nền giấy màu đỏ nên còn có tên gọi là tranh đỏ. Người dân thường mua tranh, trao tranh vào dịp Tết với mong muốn cầu cho phúc lộc đầy nhà. Năm 1915, sau những trận lũ cuốn và nạn mất mùa, đói kém, dòng tranh này dần suy thoái và mất hẳn sau năm 1945.

Đến năm 2015, dòng tranh đỏ được khôi phục lại nhờ tâm huyết của nghệ nhân Đào Đình Chung, một người con của làng Kim Hoàng và cũng là người thừa thế duy nhất của dòng tranh dân gian này. Bộ sưu tập áo dài tranh Kim Hoàng được trình diễn trong chương trình “Nơi tôi sinh ra" gồm 20 mẫu dành cho cả người lớn và trẻ em.

Trên các chất liệu quen thuộc như lụa, tafta, đũi..., Nhà thiết kế Ngọc Hân sáng tạo các phom áo truyền thống thắt eo hay dáng suông… để phù hợp với nhịp sống hiện đại và nhu cầu thẩm mỹ của phái đẹp mặc dịp Tết.

Nhờ kỹ thuật in 3D, dập nhăn cùng các tông màu rực rỡ từ tranh Kim Hoàng, mỗi thiết kế đều giúp người mặc trở nên duyên dáng và nổi bật khi dạo phố, du xuân. Để bộ sưu tập thêm độc đáo khi lên sàn catwalk, Ngọc Hân còn thiết kế thêm phụ kiện túi xách tay bằng chất liệu cói, được đan thủ công riêng.

Nhà thiết kế Cao Minh Tiến mang đến Tuần lễ áo dài Việt Nam Fukuoka một bộ sưu tập sử dụng chất liệu của truyền thống của Nhật Bản thường thấy ở trang phục kimono, kết hợp với trang phục áo dài cách tân của Việt Nam.

Đó là Áo dài được thiết kế từ dải thắt lưng Obi của bộ Kimono Nhật Bản. Những dải Obi–khăn quấn với họa tiết trang trí rất đẹp và độc đáo đã được kết hợp với các chất liệu truyền thống của Việt Nam, tạo nên những chiếc áo dài phong cách hiện đại, năng động nhưng không kém phần quyến rũ và tinh tế.

Bộ sưu tập áo dài “Trúc Thanh” mang đến một cái nhìn rõ nét về hoa văn gốm Bát Tràng, những màu sắc đặc trưng như xanh lam, xanh bích, trắng ngọc đã miêu tả chân thực những họa tiết thường được các nghệ nhân vẽ nên sản phẩm gốm của mình. Với tone màu nhẹ nhàng, màu xanh được nhắc lại xuyên suốt trong BST để nhấn mạnh niềm khát khao hòa bình ẩn chứa sau những tà áo dài thướt tha của những phụ nữ đang khoác lên mình những bộ trang phục của Nhà thiết kế Chế Quyết Tiến.

Bên cạnh đó, Nhà thiết kế Chế Quyết Tiến còn mang đến bộ sưu tập “Mây tre đan” lấy cảm hứng từ làng nghề truyền thống của Việt Nam, với những nét đặc trừng vốn có, Nhà thiết kế đã đưa vào nét cách điệu của những chiếc áo yếm, áo ngũ thân đặc trưng Bắc bộ. Không chỉ gìn giữ những giá trị cốt lõi bộ sưu tập “mây tre đan” còn được Chế Quyết Tiến sử dụng chất liệu, cách xử lý mới mẻ vừa truyền thống nhưng vẫn mang nét đẹp của một thế hệ trẻ đầy năng lượng.

“Minh kim tiên hạc” là bộ sưu tập mà Nhà thiết kế Trần Thiện Khánh mang đến Tuần lễ áo dài Việt Nam tại Fukuoka. Sử dụng hình ảnh chim hạc làm chủ đạo, bộ sưu tập lần này Trần Thiện Khánh muôn khắc họa vẻ đẹp thanh khiết và cao quý của người phụ nữ Việt Nam thông qua tà áo dài. Bên cạnh đó, họa tiết long phụng và mây trời cũng được khéo léo đưa vào bằng biện pháp vẽ tay hoặc thêu thủ công.

Bộ sưu tập được điểm xuyến bằng các hoa văn lấy cảm hứng từ hội bài chòi truyền thống và các mảnh ghép kiến trúc cung đình, mang lại cảm xúc Tết quê đang đến thật gần cho người xem. Cách phối màu xuất sắc tạo cảm giác uyển chuyển, nhẹ nhàng cho tà áo. Phần tay cách điệu như xẻ ống, tay xòe loe hoặc bồng ngắn càng làm tăng thêm vẻ nữ tính, duyên dáng.

Bộ sưu tập áo dài ngũ thân “Cẩn Y” mang đến câu chuyện lịch sử từ thời Chúa Nguyễn khai sinh ra chiếc áo ngũ thân huyền thoại để đến nay mỗi dịp Tết đến xuân về hay có đại sự, người dân Việt Nam lại khoác lên mình chiếc áo dài ngũ thể đấy như một lời nhắc nhở về đạo lý cao đẹp của con người. Bốn thân áo của vạt trước, vạt sau tượng trưng cho “tứ thân phụ mẫu”, thân trong tượng trưng cho người con. Áo ngũ thân cũng có năm nút, tượng trưng cho ngũ thường (nhân - lễ - nghĩa - trí - tín). Mặc chiếc áo dài ngũ thân cũng chính là mang trên mình đạo làm người.

Bộ sưu tập Cẩn Y lần này cũng là thông điệp mà NTK Trần Thiện Khánh muốn gửi gắm đến đồng bào ta nơi đất khách quê người. Các họa tiết rồng phượng xuất hiện trên tà áo với mong muốn về sự vươn lên, kiên cường. Tone màu tươi sáng thể hiện cho những ngày tháng rực rỡ phía trước để phấn đấu.

(theo TLSQ Việt Nam tại Fukuoka)

Chu An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/le-hoi-ao-dai-viet-nam-tai-fukuoka-lan-toa-gia-tri-viet-257975.html