Lễ hội cầu mùa xóm Bản Thầng

Theo thông lệ, đến năm Thìn nhân dân xóm Bản Thầng, xã Minh Long (Hạ Lang) tổ chức Lễ hội cầu mùa, cầu cho mọi người mạnh khỏe, bình an, mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu.

Lễ hội được tổ chức tại miếu thành hoàng của xóm. Ông Nông Thế Cù, xóm Bản Thầng cho biết: Miếu được dựng từ thời nào không rõ nhưng chỉ biết rằng người đầu tiên đến khai phá và định cư ở đây là dòng họ Nông Công, tại đây họ dựng miếu cầu các thần thổ địa, thần sông, thần núi phù hộ cho họ an cư, lập nghiệp; cầu cho ngô, lúa được mùa, gia súc sinh sôi nảy nở, họ tự quy ước rằng đến năm Thìn, ngày Thìn tháng Giêng sẽ tổ chức lễ cầu mùa. Từ đó đến nay các thế hệ kế tiếp gìn giữ nét truyền thống và 12 năm một lần lại tổ chức Lễ hội cầu mùa.

Mâm lễ vật của các dòng họ tại miếu thành hoàng của xóm.

Mâm lễ vật của các dòng họ tại miếu thành hoàng của xóm.

Lễ hội được tổ chức trong không khí phấn khởi, tinh thần đoàn kết của cộng đồng dân cư. Người đứng ra tổ chức là trưởng xóm, mọi nhà vui vẻ đóng góp để tổ chức lễ hội. Phần lễ diễn ra tại miếu thành hoàng làng vào 12 giờ đêm của ngày Sửu để bước sang ngày mới là ngày Thìn. Ban Tổ chức lễ hội xóm lựa chọn và mời thầy tào đến làm lễ, mâm cúng chung của cả làng gồm: 1 con lợn quay, 6 bát xôi cẩm, 3 con gà luộc, 3 bát tiết canh, rượu, 1 đôi gà, vịt để trong lồng… Theo quy ước xóm, mỗi dòng họ chuẩn bị một mâm lễ vật để cúng miếu thành hoàng như: 1 con gà thiến luộc to béo nhất, 2 bát bỏng nếp (khẩu sli), 2 bát xôi cẩm, hoa quả, bánh kẹo… được trang trí đẹp mắt, gà to béo, xôi và bỏng xếp hình ngọn núi cao. Việc bài trí, sắp xếp lễ vật trong mâm cúng biểu hiện ước vọng no ấm, đủ đầy của cư dân địa phương, thể hiện cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho mọi nhà.

Nội dung bài cúng là mời các vị thần cai quản đất đai, sông, núi, mưa gió… ở khu vực xóm Bản Thầng đến nhận lễ vật, cầu xin các vị thần che chở và phù hộ cho mọi người mạnh khỏe, bình an, cầu cho mọi nhà mùa màng bội thu, ngô, lúa chất đầy nhà, gia súc sinh sôi, nảy nở, nhà nhà có cuộc sống ấm no, hạnh phúc…

Do lễ hội diễn ra vào ngày Thìn, tháng Giêng của năm Thìn nên không thể thiếu múa rồng, sáng sớm ngày Thìn đội múa rồng sẽ đưa rồng vào miếu vờn quanh các mâm lễ vật của mọi nhà. Sự hiện diện của rồng tại lễ hội thể hiện ước vọng của nhân dân chinh phục tự nhiên, mang nước về sản xuất vụ mùa, cây trồng được tưới đủ nước, thu hoạch vụ mùa bội thu.

Múa rồng tại lễ hội.

Múa rồng tại lễ hội.

Sau phần lễ là phần hội, tiếp sau màn đánh trống khai hội của lãnh đạo xã là màn múa rồng vui nhộn trên sân khấu và vòng quanh khu vực tổ chức lễ hội. Các trò chơi dân gian: tung còn, cờ tướng, bịt mắt bắt vịt, bịt mắt bắt lợn… được tổ chức để nhân dân vui chơi trong không khí phấn khởi, đoàn kết.

Đến chiều thầy tào hóa tiền và sớ gửi các vị thần, mọi nhà hạ lễ mang về nhà trưởng họ cùng thụ lộc trong không khí vui vẻ với ước vọng bình an, no ấm. Lễ hội thể hiện tình đoàn kết, tương thân, tương ái, là ước vọng của nhân dân lao động từ ngàn xưa về cuộc sống bình an, ấm no, hạnh phúc.

Ngân Hà

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/le-hoi-cau-mua-xom-ban-thang-3168020.html