Lễ hội dân gian ở Thụy Điển [Kỳ I]

Ở khắp nơi trên thế giới, lễ hội dân gian đều bắt nguồn từ thời tiết, tôn giáo hoặc sinh hoạt kinh tế xã hội. Có khi một trong những yếu tố ấy nổi bật lên, có khi tất cả những yếu tố ấy quyện vào nhau.

Ảnh minh họa Lễ Phục sinh (giữa tháng Ba và 25 tháng Tư) tưởng niệm Đức Chúa Jesus sống lại và mang một số nét chung cho các dân tộc theo đạo Kito; trứng Phục sinh vẽ màu sặc sỡ, các mụ phù thủy đi tìm quỷ dữ. (Nguồn: Internet)

Ảnh minh họa Lễ Phục sinh (giữa tháng Ba và 25 tháng Tư) tưởng niệm Đức Chúa Jesus sống lại và mang một số nét chung cho các dân tộc theo đạo Kito; trứng Phục sinh vẽ màu sặc sỡ, các mụ phù thủy đi tìm quỷ dữ. (Nguồn: Internet)

Thụy Điển là một nước còn giữ nhiều truyền thống nông dân và tôn giáo, có nhiều lễ hội dân gian. Người Thụy Điển gắn bó và thích những cảnh thiên nhiên hoang dã. Vì mùa Đông khắc nghiệt, họ tha thiết yêu mùa Xuân, và nhất là mùa Hạ. Mùa Thu của họ cũng đẹp lộng lẫy, không kín đáo như ở ta, nhưng lại buồn vì nó báo mùa Đông tới.

Ở Thụy Điển ngày nay, khoảng hơn 80% dân cư ở thành phố và dưới 5% sống về nghề nông. Nhưng cách đây hơn 100 năm, thành phố còn rất ít, dân cư chủ yếu là nông dân. Do đó, sinh hoạt xóm làng được đánh dấu bởi những lễ hội dựa vào thời tiết các mùa trong năm.

Thụy Điển có chiều dài hơn 1.600 km từ Nam lên Bắc, khí hậu và địa hình đa dạng, từ miền Nam với đồng bằng và đồi đến miền Trung với các thành phố, vùng nông nghiệp và công nghiệp, hồ rộng; miền Bắc với đồi và rừng, có truyền thống công nghiệp rừng và mỏ; đi xa hơn nữa lên miền Bắc là đất hoang lạnh lẽo mênh mông, dân cư thưa thớt ở các thung lũng.

Quan hệ con người ảnh hưởng đến những lễ hội, vì lễ hội mang tính cộng đồng; người dân ở các bờ hồ và bờ biển đông nên ý thức cộng đồng hơn là ở các vùng rừng thưa người. Các lễ hội gắn với mùa trong năm phát triển và được gìn giữ tốt hơn ở những nơi làng mạc gần nhau.

Các lễ hội ấy ít nhiều có gốc tôn giáo; mặc dù ngày nay, tôn giáo ở Thụy Điển không còn giữ vai trò quan trọng nữa, nhưng vẫn là yếu tố kết tinh truyền thống (như lễ rửa tội, lễ cưới, lễ tang...). Tuy từ thế kỷ XVI, giáo phái Tin lành Luther đã thay thế Công giáo La Mã, nhiều nghi lễ của đạo này vẫn tồn tại trong các lễ hội theo mùa.

Đời sống hiện đại với thông tin bùng nổ đã khiến cho các lễ hội truyền thống mất tính chất riêng biệt địa phương. Rất nhiều nét phong tục tập quán địa phương được phổ biến toàn quốc. Đài, vô tuyến dạy các bài đồng ca trước đây do ông bà bố mẹ truyền lại cho con cháu, báo chí phổ biến cách làm món ăn đặc sản địa phương. Hiện tượng này làm mờ tính đa dạng của các địa phương nhưng lại có cái hay là bảo vệ tốt hơn các truyền thống dân tộc.

Dưới đây, xin giới thiệu một số lễ hội dân gian Thụy Điển:

+ Lễ Tết đầu năm không phải là lễ hội quan trọng nhất, nhưng vì theo trình tự thời gian trong năm, xin nói trước.

Tối 31 tháng Chạp, người ta thường mời một vài bạn đến chơi đợi Giao thừa trước máy vô tuyến, đợi 12 tiếng chuông nửa đêm báo hiệu năm cũ đã qua, năm mới đã đến.

Skansen ở trung tâm thủ đô là nơi người ta thường tụ tập vui chơi, nghe đọc vào lúc nửa đêm bài thơ của nhà thơ Anh Tennyson: “Chuông hỡi, hãy vang lên để đuổi cái cũ, mang lại cái mới”.

Từ những năm 20 của thế kỷ XIX, bài thơ này được đọc ở radio lúc đó vừa mới xuất hiện. Về sau, nghi lễ ấy được truyền qua vô tuyến nên nhiều người ở nhà theo dõi trên màn ảnh nhỏ trong đêm Giao thừa. Lễ Giao thừa có xu hướng trở thành lễ trong nhà, mặc dù cửa hàng ăn chật cứng, nhiều nơi đốt pháo bông. Đêm đó có phong tục đun chì ra rồi đổ xuống nước lạnh, tùy theo hình thù cục chì, người ta đoán tương lai. Xưa kia, trong đêm tối, nông dân xuất hành ra ngõ hay ra đồng, nếu nghe thấy tiếng lưỡi hái phạt cỏ thì năm mới được mùa; nếu nghe tiếng dao chạm nhau thì sẽ có binh đao, chiến tranh.

+ Lễ Carem (Tuần chay-Fastlag och fasta): Trước kia, Thụy Điển theo Công giáo La Mã và người ta ăn chay trong 40 ngày trước lễ Phục sinh. Từ khi đất nước theo đạo Tin lành, một số nghi lễ Công giáo còn tồn tại, đặc biệt là lễ Trước tuần chay, trước thời kỳ tuần chay ăn ít.

Đó là thời kỳ ăn uống lu bù, ăn nhiều mỡ nhiều thịt; ngày thứ Ba trước Tuần chay còn gọi là thứ Ba béo. Ngày đó, ở những tỉnh miền Bắc, người ta làm nhiều hổ lốn rau và thịt; ở miền Nam, làm bánh Semla (tẩm bột rán), hiện thường có bán ở các hiệu bánh. Đó là một thứ bánh sữa cắt đôi, nhồi hạnh nhân kem, thường thả vào sữa nóng và rắc quế.

Người ta cũng hái cành bu-rô đính lông xanh đỏ rồi cắm vào lọ cho lễ Phục sinh. Có thể tục lệ này gắn với sự tích Chúa Jesus bị đánh bằng roi trước khi đi tới nơi cực hình. Do đó, ngày xưa, vào ngày thứ Sáu Thánh, chủ nhà cầm cành cây vờ đánh thân nhân và kẻ ăn người ở.

+ Lễ Phục sinh (giữa tháng Ba và 25 tháng Tư): Lễ này tưởng niệm Đức Chúa Jesus sống lại và mang một số nét chung cho các dân tộc theo đạo Kito; trứng Phục sinh vẽ màu sặc sỡ, các mụ phù thủy đi tìm quỷ dữ. Ở Thụy Điển, tuần lễ Phục sinh vẫn còn có không khí trầm trầm; người ta tránh làm lễ cưới, lễ rửa tội. Tuần lễ bắt đầu vào Chủ nhật, người ta vẫn giữ tục cắt cành liễu để trong nhà.

Để chống các mụ phù thủy và tai họa chúng mang lại, có tục bắn súng chỉ thiên, vẽ những búa chữ thập lên trên các súc vật. Trẻ em ăn mặc giả làm phù thủy đi bấm chuông các nhà, trao cho người lớn một mảnh bìa có vẽ trang trí, gọi là “Bức thư lễ Phục sinh”, chúng được thưởng bánh kẹo, có khi người ta lén đút thư lễ Phục sinh vào hộp thư hay dưới cánh cửa.

Ở một số tỉnh miền Tây, người ta thi nhau trong làng, trong phố xem ai đốt đống lửa to nhất tối hôm thứ Bảy Thánh. Trong dịp lễ, nhất là đêm trước lễ Phục sinh, người ta thường ăn trứng, đặc biệt trứng luộc (nhiều khi vỏ trứng có vẽ màu)

[Còn tiếp]

Hữu Ngọc

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/le-hoi-dan-gian-o-thuy-dien-ky-i-226749.html