Lễ hội đầu xuân và vấn đề bảo vệ môi trường
Ba tháng mùa Xuân sẽ còn hàng trăm lễ hội lớn, nhỏ diễn ra trên khắp cả nước. Trảy hội, cầu may mắn đầu năm, mong mỗi người tham gia lễ hội, cùng thực hiện những hành động tuy nhỏ nhưng ý nghĩa, đó là bỏ rác đúng nơi quy định, không tiêu thụ động vật hoang dã và không nên thắp nhiều hương và không nên đốt nhiều vàng mã.
Với hàng nghìn lễ hội lớn nhỏ được tổ chức hàng năm, việc đảm bảo vệ sinh môi trường luôn là vấn đề đặt ra với các địa phương, bởi đây không chỉ là vấn đề môi trường mà còn là văn hóa tham gia lễ hội. Thực tế nhiều năm qua cho thấy, trong quá trình và sau khi diễn ra các lễ hội, nhiều nơi lượng rác thải tồn đọng rất lớn, vứt bỏ không đúng nơi quy định và chưa có giải pháp khắc phục. Đây tiếp tục là một vấn đề cần các địa phương cần siết chặt trong mùa lễ hội năm nay.
Tại Bắc Ninh, ngay từ những ngày đầu năm Quý Mão, con đường dẫn vào trung tâm di tích đền Bà Chúa Kho chỉ dài khoảng 900m, nhưng luôn quá tải với các đoàn xe nối đuôi nhau. Với quan niệm, "đầu năm đến vay Bà, cuối năm trả nợ" sẽ giúp việc kinh doanh, buôn bán thuận lợi nên người dân ở khắp các tỉnh, thành nườm nượp đội những mâm lễ ngồn ngộn tiền vàng về dâng tại đền Bà Chúa Kho. Không gian di tích thường xuyên nêm chặt người. Hai lò hóa vàng đặt hai bên di tích lúc nào cũng rực lửa. Mặc dù đã có một đội vệ sinh môi trường do Ban Quản lý di tích đền Bà Chúa Kho đảm trách, nhưng nhiều thời điểm do lượng du khách quá đông mà ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường còn yếu.
Đây cũng là trăn trở của bà Đặng Thị Khởi, một du khách tại đền Bà Chúa Kho: "Đầu xuân năm mới tôi cũng hay đi chùa các nơi... Ai cũng đi lễ lấy lộc, ai cũng mang vàng mã đến để đặt lễ rồi ra hóa vàng xin lộc, nhưng mà nhiều quá đâm ra chỗ đấy nó khói, rồi là bay tàn hương bụi mù. Khói ra rất là ô nhiễm".
Còn theo một thống kê khác, những ngày lễ hội như hiện nay, trung bình mỗi ngày Khu di tích chùa Hương (Hà Nội) có từ 3 – 5 tấn rác thải ra, ngày cao điểm lên tới 7 - 10 tấn. Trong khi đó các điểm vệ sinh công cộng trong khu thắng cảnh Hương Sơn xây dựng từ lâu, nay đã bị xuống cấp, chưa đáp ứng được so với nhu cầu của số lượng khách quá đông; một bộ phận du khách tùy tiện xả rác bừa bãi không đúng nơi quy định. Bên cạnh đó, địa hình hiểm trở gây khó khăn khi thu gom, xử lý; trong khu vực chùa Hương vẫn còn tình trạng các hàng quán kinh doanh dịch vụ xả nước thải trực tiếp ra suối Yến.
Du khách Đỗ Triệu Khương bày tỏ: "Tôi đi chùa Hương thì thấy cảnh rất là đẹp, khi xuôi dòng nước hay ngược dòng nước thì đều thấy những túi nilon, thậm chí có người ăn cam, quýt, các thứ rồi vứt vỏ xuống dưới dòng sông thì cũng rất mất mỹ quan và ô nhiễm cho môi trường trong cảnh chùa chiền".
Không chỉ tại đền Bà Chúa Kho hay chùa Hương mà tại nhiều điểm lễ hội khác, tình trạng xả rác bừa bãi vẫn còn xảy ra nhiều. Một trong những nguyên nhân là do các địa phương bố trí quá ít thùng rác công cộng, không đủ đáp ứng nhu cầu thực tế. Hội đông, du khách chen nhau, khi có nhu cầu bỏ vỏ chai nước hoặc hoa quả, mọi người tiện đâu vứt đó. Cũng cần nhấn mạnh rằng, nhiều du khách chưa có ý thức bảo vệ môi trường. Mặc dù ban tổ chức các lễ hội đã tuyên truyền rộng rãi tới du khách về vấn đề giữ gìn vệ sinh môi trường, nhưng dường như việc vứt rác đúng nơi quy định vẫn còn là một khái niệm xa lạ đối với họ.
Theo PGS.TS Nguyễn Thế Chinh - Phó Chủ tịch Hội Kinh tế môi trường Việt Nam, khi những quy định về bảo vệ môi trường đã có rồi mà người dân vẫn không chấp hành thì phải xử lý theo quy định: "Trong trường hợp mà người ta đã nói rồi mà vẫn không chấp hành thì lại phải xử lý theo quy định của pháp luật. Nhưng trước khi làm việc đó, người ta cần hiểu rằng đấy là trách nhiệm, ý thức của mình. Trước khi đi lễ hội thì du khách phải biết quy định và ý thức được những việc làm. Ban tổ chức của lễ hội cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân".
Ba tháng mùa Xuân sẽ còn hàng trăm lễ hội lớn, nhỏ diễn ra trên khắp cả nước. Trảy hội, cầu may mắn đầu năm, mong mỗi người tham gia lễ hội, cùng thực hiện những hành động tuy nhỏ nhưng ý nghĩa, đó là bỏ rác đúng nơi quy định, không tiêu thụ động vật hoang dã và không nên thắp nhiều hương, không nên đốt nhiều vàng mã. Những hành động nhỏ này, sẽ tạo ra hiệu ứng lớn, đó là các lễ hội sẽ văn minh hơn, môi trường lễ hội sẽ xanh - sạch - đẹp hơn và cảnh quan môi trường khu vực lễ hội giữ được vẻ đẹp vốn có./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/di-san/le-hoi-dau-xuan-va-van-de-bao-ve-moi-truong-post1000850.vov