Lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương: Mạch nguồn tạo nên sức mạnh xây dựng đất nước hùng cường
Sáng 10/4 (nhằm ngày 10/3 Nhâm Dần 2022), trong không khí thiêng liêng của đất trời, Nhân dân các dân tộc tỉnh Lâm Đồng hội tụ về Đền thờ Âu Lạc trên đỉnh núi Phượng Hoàng (Khu du lịch thác Prenn - Đà Lạt) long trọng tổ chức Lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, dâng hương hoa, lòng thành tưởng nhớ tổ tiên, ghi tạc, tri ân công đức cao dày của các Vua Hùng, các bậc tiên liệt, tiền nhân đã khai phá, tạo dựng và gìn giữ non sông đất nước Việt Nam tươi đẹp, yêu quý cho con Lạc, cháu Hồng.
Tham dự lễ hội có đồng chí Đoàn Văn Việt - Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; đồng chí Trần Đức Quận - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng; đồng chí Trần Đình Văn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XV đơn vị tỉnh Lâm Đồng; đồng chí Trần Văn Hiệp - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UNBD tỉnh đồng chí Võ Ngọc Hiệp - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh và lãnh đạo các sở, ban ngành, lực lượng vũ trang, đại biểu 12 huyện thành phố trên địa bàn tỉnh; cùng đông đảo đồng bào, Nhân dân và du khách.
Chúc văn của đồng chí Trần Văn Hiệp - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh: “Từ bao đời nay, trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam, các Vua Hùng là Quốc Tổ có công dựng nước - nhà nước đầu tiên của đất nước Việt Nam, là tổ tiên chung của dân tộc Việt Nam. Mọi người Việt Nam đều tự hào mang trong mình dòng máu Lạc Hồng.
Tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng đã trở thành bản sắc văn hóa, đạo lý truyền thống của người Việt Nam ta, thể hiện lòng biết ơn của các thế hệ cháu con với công đức của tổ tiên trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Đồng bào ta dù đang sinh sống nơi đâu, miền xuôi hay miền ngược, thành thị hay nông thôn, trong nước hay ở nước ngoài đều nêu cao đạo lý “lá rụng về cội” tưởng nhớ đến ngày Giỗ Tổ, nhớ về cội nguồn. Dù ai đi ngược về xuôi, nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba.
Thờ cúng các Vua Hùng không chỉ là hoạt động tâm linh cầu mong cho Quốc Tổ phù hộ cho quốc thái dân an, mua thuận gió hòa, đất nước yên vui, thịnh vượng, mà còn có ý nghĩa nhắc nhở, củng cố tình đoàn kết, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau của cộng đồng các dân tộc Việt Nam - những người cùng chung một cội nguồn. Vì vậy, trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử hàng nghìn năm, tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng vẫn được bền bỉ trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, góp phần hun đúc tâm hồn, tình cảm và ý chí của cả dân tộc. Đây chính là mạch nguồn tạo nên sức mạnh để dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thử thách, trường tồn và không ngừng phát triển.
Chúng ta hôm nay đang sống trong thời đại Hồ Chí Minh, phấn khởi, tự hào và thực hiện trọn lời dạy: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Lời hiệu triệu ấy cũng là lời của Tổ quốc, của dân tộc, là lời thề non nước trước anh linh các Vua Hùng.
Tiếp nối truyền thống lịch sử dân tộc, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lâm Đồng những năm qua đã nỗ lực thi đua xây dựng và phát triển để “cùng cả nước, vì cả nước” thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới đất nước, tích cực “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, phấn đấu làm theo lời dạy của Người “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ Quốc, phục vụ Nhân dân”.
Xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh các bậc tiền nhân đất Việt, những con người đã gắn kết 54 dân tộc anh em thành một khối đoàn kết vững bền, thương yêu, chở che, đùm bọc, thuận hòa, một lòng đoàn kết, hun đúc nên truyền thống yêu nước nồng nàn, tinh thần bất khuất, ý chí độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường tạo nên sức mạnh to lớn để dân tộc Việt Nam vượt qua mọi giông bão, hiểm nguy, giữ yên non sông, bờ cõi.
Trước anh linh các Vua Hùng, chúng con xin hứa: Đảng bộ, chính quyền và hơn 1,3 triệu người dân các dân tộc tỉnh Lâm Đồng tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của các thế hệ cha anh đi trước, với tinh thần đoàn kết, đổi mới, đột phá, quyết tâm xây dựng tỉnh Lâm Đồng ngày càng giàu đẹp, văn minh”.
Sau nghi thức tế lễ truyền thống diễn ra trang nghiêm, lãnh đạo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh, đại diện các cơ quan, sở, ban, ngành, đoàn thể, các huyện, thành phố Đà Lạt cùng đông đảo đồng bào, Nhân dân và du khách đã dâng hương, dâng cúng lễ vật bày tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ và biết ơn Quốc Tổ, cội nguồn, biết ơn các thế hệ cha ông, các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu ngoan cường vì nền độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân, cầu mong Quốc Tổ phù hộ cho mưa thuận, gió hòa, nhân khang, vật thịnh, đẩy lùi dịch bệnh; xã tắc, non sông thịnh vượng, hùng cường; Nhân dân ấm no, hạnh phúc.
Dưới chân thác Prenn, không khí tưng bừng của ngày hội lớn với nhiều hoạt động nhằm bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, thu hút hàng ngàn người tham gia: Thi đấu cờ tướng, trò chơi dân gian (leo cột mỡ; đập niêu; múa sạp); tái hiện phiên chợ quê với 12 gian hàng ẩm thực ba miền cùng các món ăn truyền thống; biểu diễn bài chòi do các nghệ nhân đến từ Khánh Hòa và biểu diễn các làn điệu dân ca Quan họ Bắc Ninh do các liền anh, liền chị Câu lạc bộ quan họ Kinh Bắc tỉnh Lâm Đồng thể hiện.