Lễ hội Hoa Lư - Niềm tự hào về văn hóa một vùng đất

'Dù ai xuôi ngược trăm miền/Tháng ba mở hội Trường Yên thì về'. Câu ca như lay thức nỗi nhớ sâu xa trong ký ức của người dân Trường Yên về một mùa lễ hội, với niềm tự hào về bản sắc văn hóa một vùng đất.

Chương trình nghệ thuật tại Lễ hội Hoa Lư năm 2024. Ảnh: Minh Quang

Chương trình nghệ thuật tại Lễ hội Hoa Lư năm 2024. Ảnh: Minh Quang

Đất Trường Yên, như một thứ “duyên tiền định” được lịch sử lựa chọn làm nơi đế đô của ba triều đại Đinh, tiền Lê, Lý. Chính vai trò kinh đô của ba triều đại đã bồi tụ nên những lớp những trầm tích văn hóa ken dầy trên mảnh đất này. Để rồi ngày nay khi nhớ tới kinh đô Hoa Lư, người ta thấy thấp thoáng đâu đó dư ảnh của hào quang xưa cũ trong các lễ hội, trong các phong tục tập quán và đôi khi trong nỗi nhớ sâu xa của người Cố đô Hoa Lư về quê hương xứ sở.

Không phải ngẫu nhiên mà hàng năm những người con quê hương Hoa Lư ở trăm miền lại hối hả tìm về. Bởi ở đó họ tìm thấy ký ức cộng đồng, tìm thấy cái “bản thể văn hóa” trong nghi thức tế tự, trong các trò chơi dân gian, qua các thức sản vật cung tiến, tìm thấy không khí hội hè qua sới Vật, qua những tích Chèo, điệu Xẩm… Hoa Lư không chỉ là một địa danh, không chỉ là nơi có “núi cao, hào sâu” nơi “đất hiểm” như trong con mắt những nhà quân sự mà nó còn là nơi giao thoa, bồi tụ, tiếp biến về mặt văn hóa.

Kinh đô Hoa Lư chứa đựng trong nó hệ thống di sản vật thể và phi vật thể khổng lồ từ các di tích, đình, chùa, miếu, phủ với giá trị kiến trúc, khảo cổ, mỹ thuật lâu đời, độc đáo đến các di sản khác như các bản kinh phật, các bài minh, các hình thức tế lễ, các điển chế về luật lệ, tiền tệ, quan phục, phẩm phục…

Đến với Lễ hội Hoa Lư, công chúng và du khách sẽ có cơ hội cảm nhận rõ hơn, sâu hơn những giá trị trên qua hoạt động trưng bày triển lãm ảnh, các tư liệu, hiện vật, qua việc phục dựng các hình thức tế lễ cổ truyền, việc tổ chức các nghi thức lễ mở của đền, rước nước, diễn tích cờ lau tập trận… Không phải ngẫu nhiên mà nhiều nhà nghiên cứu về lịch sử, văn hóa cho rằng Lễ hội Hoa Lư chính là nơi hội tụ, thể hiện sinh động nhất bản sắc văn hóa của Ninh Bình. Nó trở thành niềm tự hào của lớp lớp người dân Ninh Bình muôn thế hệ.

Ông Lê Doãn Đàm, một người dân xã Trường Yên, đồng thời cũng là một nhà nghiên cứu về lịch sử, văn hóa kỳ cựu cho biết: Chính tình yêu với quê hương, lòng yêu mến trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống đã trở thành một động lực để thôi thúc tôi tìm hiểu và viết về những gì liên quan đến vùng đất Hoa Lư, về kinh đô Hoa Lư trong quá khứ. Và tất nhiên trong bề dày về lịch sử, văn hóa ấy, Lễ hội Hoa Lư cũng chính là một đối tượng nghiên cứu mà tôi hướng đến.

Với những người dân bình thường ai cũng có niềm tự hào về mảnh đất quê hương mình, còn với những người nghiên cứu về văn hóa như chúng tôi niềm tự hào ấy càng được nhân lên. Mỗi một trang tư liệu, mỗi một góc nhìn, một phát hiện dù nhỏ nhất về một di sản, về mảnh đất Hoa Lư, với tôi cũng như đang góp phần làm giàu thêm bản sắc văn hóa quê hương mình.

Ông Nguyễn Bách Bốn, một cư dân Trường Yên khác chia sẻ: Mỗi năm một lần vào tháng 3 âm lịch Lễ hội Hoa Lư lại được mở. Trong tâm thức người dân chúng tôi mỗi năm vào mùa hội là niềm tự hào về vùng đất mà chúng tôi đã sinh ra, lớn lên, gắn bó. Thiết nghĩ Lễ hội Hoa Lư không còn chỉ là di sản khuôn trong giới hạn là của riêng cư dân Hoa Lư nữa mà từ lâu đã trở thành niềm tự hào chung của người dân Ninh Bình và cả nước.

Về với Lễ hội Hoa Lư, với nhiều người như tìm về với mạch nguồn văn hóa truyền thống, được tắm mình trong dòng chảy lịch sử. Càng ngày sự tham gia của các nhà nghiên cứu về Kinh đô Hoa Lư ở các lĩnh vực văn hóa, lịch sử, khảo cổ, mỹ thuật, kiến trúc… càng giúp chúng tôi hiểu thêm về giá trị nhiều mặt của Kinh đô Hoa Lư.

Chính những nét độc đáo trong phần lễ và phần hội đã làm nên nét bản sắc văn hóa của Lễ hội Hoa Lư, khiến Lễ hội Hoa Lư trở nên khác biệt và hấp dẫn so với nhiều lễ hội khác. Là người dân sinh sống trên chính vùng đất Hoa Lư, chúng tôi có niềm tự hào về quê hương mình, tự hào về những giá trị văn hóa truyền thống mà chính lớp lớp ông cha của chúng tôi góp phần sáng tạo nên.

Ông Nguyễn Bách Bốn cũng chia sẻ thêm: Trong hoạt động kinh tế như hiện nay, nhiều địa phương đã cố gắng khai thác tối đa giá trị văn hóa phục vụ hoạt động du lịch, tuy nhiên, cá nhân tôi nghĩ rằng cái mà khách du lịch tìm kiếm là nét bản sắc văn hóa độc đáo riêng có của mỗi địa phương.

Tỉnh Ninh Bình với di sản là kinh đô Hoa Lư với giá trị nhiều mặt chính là giá trị khác biệt mà không nơi nào có được. Tuy nhiên để hoạt động du lịch phát triển bền vững, để huy động được sự tham gia của nhiều người dân vào hoạt động lễ hội, thì những người dân địa phương như tôi mong muốn các cấp quản lý cần tính toán làm sao để cộng đồng dân cư nơi có di tích phải được hưởng lợi. Có như vậy mới thu hút được sự tham gia của người dân một cách tự giác vào việc bảo tồn di tích và phát triển lễ hội. Bởi xét cho cùng lễ hội được chính người dân sáng tạo, bảo tồn và lưu giữ. Lễ hội chính là một phần đời sống tinh thần của chính người dân.

Cụ Phạm Ngọc Quỹ, xã Ninh Hòa, một người cao tuổi lại nhìn Lễ hội Hoa Lư từ một góc nhìn khác. Lễ hội Hoa Lư theo cụ là một di sản được người xưa để lại, nó chứa đựng nhiều những giá trị văn hóa truyền thống. Hàng năm Lễ hội Hoa Lư được tổ chức thu hút nhiều người dân tham gia, nó mang lại niềm vui cho nhiều người trong đó có lớp người cao tuổi. Đi dự hội cùng bạn bè, các con cháu và gia đình cũng là niềm vui của nhiều người. Đi để cảm nhận sự đổi thay của xã hội, để có cơ hội gặp gỡ các bạn bè cùng trang lứa, để được vui với những trò chơi truyền thống như: xem đấu vật, xem thư pháp, đấu cờ người, đua thuyền…

Nhưng điểm quan trọng nhất, giá trị nhất của Lễ hội Hoa Lư mà cụ Phạm Quỹ nhấn mạnh đó là: Lễ hội có ý nghĩa giáo dục truyền thống cho lớp trẻ. Các cháu đến lễ hội để cảm nhận về quá khứ, lịch sử, để hiểu ông cha từng sống như thế nào từ đó các cháu biết trân trọng hơn những gì đang có hôm nay để mà lao động, học tập, phấn đấu, để thêm yêu mảnh đất quê hương mình hơn. Đó cũng là một trong những ý nghĩa lớn nhất của Lễ hội.

Phương Nam

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/le-hoi-hoa-lu-niem-tu-hao-ve-van-hoa-mot-vung-dat-976956.htm