Lễ hội Hoàng Công Chất: Phát huy tinh thần giáo dục
Đã thành thông lệ, cứ vào 22/2 đến 25/2 Âm lịch, Lễ hội Đền thờ Hoàng Công Chất - thành Bản Phủ tại Điện Biên được tổ chức với nhiều hoạt động đặc sắc.
Lễ hội là dịp để tưởng nhớ tới người thủ lĩnh áo vải cùng những hào kiệt trượng nghĩa, đã giúp nhân dân Mường Thanh đánh tan giặc Phẻ, đem lại cuộc sống bình yên.
Huyền thoại người hùng áo vải…
Theo những tài liệu nghiên cứu của Cục Di sản (Bộ VH-TT&DL), Hoàng Công Chất, tên thật là Hoàng Công Thư, sinh năm 1706 tại làng Hoàng Xá, huyện Thư Trì, Sơn Nam Hạ (nay là Nguyên Xá, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình). Ông sinh ra trong một gia đình nông dân và lớn lên cùng với những cuộc khởi nghĩa nổ ra ở khắp nơi, chống lại triều đình Lê - Trịnh.
Năm 1739, Hoàng Công Chất phất cờ khởi nghĩa tại vùng Sơn Nam (Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên). Nghĩa quân ngày một lớn mạnh đã liên kết chặt chẽ với các cuộc khởi nghĩa khác của Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ, Nguyễn Hữu Cầu… gây không ít khó khăn cho triều đình.
Năm 1748, khi quân Trịnh tấn công, do tương quan lực lượng quá chênh lệch, Hoàng Công Chất lui tạm vào vùng thượng du Thanh Hóa, rồi tiến sang vùng thượng Lào hoạt động.
Cũng tại thời điểm đó, ở Mường Thanh có hai người Thái là Lò Văn Ngải, Lò Văn Khanh đứng lên tập hợp, lãnh đạo nhân dân các dân tộc chống lại giặc Phẻ (một tộc người trong nhóm Tày - Thái ở Thượng Lào và Vân Nam, Trung Quốc).
Vì lực yếu, nghĩa quân của hai ông đã liên kết với nghĩa quân của Hoàng Công Chất. Cuối năm 1751, nghĩa quân của Hoàng Công Chất tiến vào Tây Bắc. Đến năm 1754, ông cùng các tướng người Thái lãnh đạo nhân dân đánh tan giặc Phẻ, đem lại cuộc sống ấm no cho dân Mường Thanh.
Về sau, Hoàng Công Chất chiêu dụ dân chúng ổn định sản xuất, củng cố lực lượng, xây dựng thành Bản Phủ vào năm 1758. Nghĩa quân đẩy mạnh hoạt động ra khắp 10 châu của phủ An Tây và giành quyền kiểm soát toàn bộ đất đai vùng Tây Bắc.
Mường Thanh trở thành trung tâm văn hóa, chính trị của đất Tây Bắc. Hoàng Công Chất là người có công trong việc truyền bá những kiến thức, kỹ thuật trồng trọt của người miền xuôi cho đồng bào các dân tộc nơi đây, là nhân tố chính đoàn kết cộng đồng các dân tộc, trở thành đức Thánh của lòng dân.
Ngày 25/2/1767, Hoàng Công Chất qua đời, người dân Mường Thanh đã lập đền thờ ông và 6 vị tướng lĩnh (đến nay người dân chỉ còn nhớ tên 2 tướng Ngải và tướng Khanh) trong khu vực thành Bản Phủ.
Ban chính điện đền Hoàng Công Chất thờ 10 pho tượng sơn son thếp vàng gồm: Tượng đức vua cha, Nam Tào, Bắc Đẩu, tượng Hoàng Công Chất và 6 vị tướng lĩnh; Ban công đồng đặt 7 bài vị của tướng quân Hoàng Công Chất và 6 vị tướng.
Dân gian kể lại rằng, Hoàng Công Chất lúc bấy giờ có 6 vị tướng tài, trong đó có tướng Ngải, tướng Khanh là hai cánh tay đắc lực. Họ cùng Hoàng Công Chất chọn đất, xây thành. Thành Bản Phủ mà dấu vết vẫn còn lại đến tận hôm nay, chính là Thành Chiềng Lè, đại bản doanh của nghĩa quân xưa kia.
Nhớ người lập bản, xây mường…
Toàn bộ hình dung về tòa thành cổ này, chỉ còn lại trong những câu hát dân gian. Đồng bào Thái Mường Thanh có câu hát rằng: “Hào vây quanh thành sâu hơn mười sải/ Mặt thành rộng hai chục sải tay/ Ngựa phi, voi chạy, lính đứng gươm trần sáng loáng/ Chúa cưỡi ngựa trên mặt thành uy nghiêm...”.
Tương truyền thành Bản Phủ hay thành Chiềng Lè xưa, được xây dựng vào khoảng năm 1758 – 1762. Thành được xây dựng rất kỳ công, với diện tích rộng hơn 80 mẫu, có 2 vòng thành là thành nội và thành ngoại. Thành ngoại là nơi binh lính đóng. Ở đây có 133 giếng và ao trữ nước, ngoài ra, khu vực này còn có cả kho lương, kho vũ khí và bãi voi tắm.
Còn thành nội là nơi các thủ lĩnh nghĩa quân đóng. Ở đây có cây cổ thụ lớn, thân và tán được hợp thành bởi 3 cây cổ thụ Đa, Si, Đề, mọc lên từ một hốc. Tương truyền, cây này được thủ lĩnh Hoàng Công Chất và hai vị thủ lĩnh người Thái là Ngải và Khanh cùng trồng.
Từ bấy, cây đã cùng nhân dân các dân tộc, sống trên đất Mường Thanh trải qua bao biến cố lịch sử và các cuộc chiến đấu ngoan cường, bảo vệ vững vàng dải biên cương của Tổ quốc.
Ngày nay, 3 cây vẫn quấn quýt vào nhau và hầu như không còn phân biệt được. Cây ba ngọn trở thành biểu tượng đẹp về sự gắn bó, sẻ chia của cộng đồng các dân tộc sống trên mảnh đất này.
Ngoài cây ba ngọn còn lại từ mấy trăm năm, trong khu vực thành cũ còn có một loài cây nữa, tương truyền có từ thời Hoàng Công Chất, đó là tre gai ngà – loại tre có gai dày, dài và cong vút, phân bố nhiều ở vùng Nghệ An.
Theo dân gian kể lại, sau khi xây thành Bản Phủ xong, thủ lĩnh Hoàng Công Chất đã cho quân về xuôi, mang loại tre này lên, trồng kín chân thành. Tre gai ngà sinh sôi, nảy nở, hàng nghìn thân tre ken dày, dang tay gai ôm khít vào nhau, tạo thành bức tường vững chắc, che chở cho thành.
Lần theo dấu vết thành xưa đi về phía bờ sông Nậm Rốm, ở phía Tây thành có một gốc đa lớn. Tương truyền, sau khi nghĩa quân Hoàng Công Chất bị đàn áp, bà con nhân dân đã tìm lại thi thể 7 vị tướng, rồi đem về chôn dưới gốc đa.
Nhà cụ Quàng Văn É ở ngay phía dưới gốc đa. Cụ É cho biết từ thời cha ông, gia đình cụ đã chuyển vào sống trong khu thành ngoại này. Trong kí ức của cụ, hồi còn là một chú bé chăn trâu, cụ vẫn thấy dấu vết thành xưa còn hiển hiện.
Cụ chỉ vào khu vườn rau và những bờ bãi nhấp nhô quanh ngôi nhà cụ đang sống bảo rằng, trước kia cụ đã được nghe ông bà kể lại, bãi sông nhấp nhô được người dân gọi là “bãi voi tắm”, còn phía trên gò cao bây giờ người dân đã xây nhà cửa, là khu chuồng voi.
Theo những người sưu tầm và nghiên cứu văn hóa dân gian ở Điện Biên, là bà Lương Thị Đại và bà Nguyễn Thị Lâm Hảo, để tưởng nhớ công ơn của Hoàng Công Chất và các tướng lĩnh, hàng năm, vào ngày 5 tháng Năm (ngày chiến thắng giặc Phẻ), đồng bào các dân tộc cùng nhau tổ chức lễ hội tại đền, cúng “Then Chất” (Người trời Hoàng Công Chất) và 6 vị tướng lĩnh.
Hoàng Công Chất được người Thái tôn thờ như một trong những người sáng lập ra bản Mường cùng với Lạng Chượng, Khun Mứn… Sau này, để phù hợp với phong tục tập quán của đồng bào Thái, lễ hội được tổ chức từ ngày 24 - 28 tháng Hai âm lịch, chính hội là ngày 25, cùng thời điểm tổ chức Lễ hội Xên Mường của đồng bào Thái Mường Thanh.
Trong lễ hội có nghi thức cúng thần rất đặc biệt: Khoảng chín, mười giờ đêm, dân bản tiến hành mổ bò, mổ dê đem thui chín. Tiếp đó, người ta đem bò, dê đã thui vào gian thờ, đặt một tàu lá chuối lên lưng con bò, cùng muối ớt và một con dao, bên cạnh đó, còn có thêm 2 con gà, 1 gói xôi và 7 chén rượu.
Lễ xướng cúng thần phải được thực hiện vào nửa đêm và phải khấn thật nhỏ. Nghi thức cúng thần trước đây, đã tái hiện lại toàn bộ khung cảnh đêm cuối cùng cuộc khởi nghĩa bị đàn áp, 7 vị tướng đã phải ăn uống vội vàng và bí mật, để rồi cùng nhảy vào lửa cháy chết một cách bi hùng.
Ngày nay, Lễ hội đền Hoàng đã được tách ra khỏi Lễ hội Xên bản, Xên Mường, và được tổ chức khá quy mô. Lễ hội này đã trở thành một hoạt động văn hóa – tín ngưỡng, được người dân trong vùng lòng chảo Điện Biên chờ đón hàng năm.
Dưới tán cây đoàn kết…
Những năm gần đây, lễ hội đã được rút ngắn, tổ chức chính thức vào 2 ngày 24 và 25/2 âm lịch hàng năm. Đây là ngày giỗ của thủ lĩnh Hoàng Công Chất. Lễ hội đền thường gồm 2 phần: Lễ và hội. Phần lễ diễn ra trong buổi sáng 24/2, với các hoạt động: Rước thần, lễ dâng hương, hoa, trà, rượu và chúc văn.
7 giờ sáng, trong tiếng trống, chiêng rộn rã, đoàn rước hàng trăm người, với lễ phục chỉnh tề, tiến hành rước linh vị thủ lĩnh Hoàng Công Chất, từ khu vực ngã ba Bản Phủ vào trong thành. Đoàn rước có đôi rồng dẫn đầu, tiếp đó là kiệu rước linh vị, có đội lính mặc áo vàng, áo nâu cầm đao bảo vệ hai bên, đội tế lễ, dâng hương, gồm cả người Thái và người Kinh theo sau.
Tất cả đều mặc lễ phục lộng lẫy và trang nghiêm. Khi kiệu được rước vào sân đền, nhạc lễ tấu lên. Đội tế bắt đầu thực hiện từng nghi lễ trang trọng. Trong màn khói hương phảng phất, tất cả cùng phủ phục, tỏ lòng thành kính trước linh vị thủ lĩnh họ Hoàng.
Thay mặt người dân trong vùng, đội tế dâng lên ngài hoa thơm, rượu nồng, nước mát và chúc thư tưởng nhớ công đức của ngài, cùng lời cầu nguyện, xin ngài phù hộ cho sơn hà xã tắc mãi được vững bền.
Sau khi thực hiện đầy đủ các nghi thức tế lễ, trong tiếng trống trận, các đội múa rồng, múa cờ, trình diễn những màn đẹp mắt dưới tán cây đoàn kết, tái hiện không khí hào hùng của nghĩa quân xưa kia, và biểu dương sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, trước sự tán thưởng của đông đảo bà con nhân dân đến dự lễ hội.
Các nghi lễ trong lễ hội được tổ chức trang trọng giống như nghi lễ dành cho các vị thần linh đã được sắc phong. Đặc biệt hơn, những nghi lễ này được thực hiện bởi cả người Kinh và người Thái, như để nói với linh hồn thủ lĩnh rằng, người Thái, người Kinh và các dân tộc anh em sống trên đất Mường Thanh, luôn luôn gắn bó khăng khít, như nguyện ước của thủ lĩnh năm xưa.
Phần hội kéo dài từ chiều 24 đến hết ngày 25/2, với hội xòe, hội diễn văn nghệ quần chúng, hội thi ném còn, thi kéo co... Ngày hội đã thu hút được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia, trong đó hội Xòe và hội thi ném còn, là những hội vui truyền thống nổi bật trong khuôn khổ của Lễ hội đền Hoàng.
Hội xòe và hội thi ném còn là hai hình thức sinh hoạt văn hóa - văn nghệ - thể thao dân gian, được đồng bào Thái rất coi trọng. Đó không chỉ là hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh, mà còn mang ý nghĩa tâm linh.
Người Thái Tây Bắc có câu hát rằng: “Không xòe không vui, không xòe cây lúa không trổ bông, không xòe cây ngô không ra bắp, không xòe trai gái không thành đôi...”. Vì vậy, không thể nào thiếu đi điệu xòe Thái trong Lễ hội đền Hoàng.
Dưới tán cây đoàn kết, vòng xòe luôn rộng mở, chào đón bạn bè đến từ khắp mọi nơi, cùng nắm tay nhau, bước nhịp nhàng theo tiếng cồng chiêng âm vang, như dội về từ kí ức xa xăm của đất nước.
Điệu xòe thể hiện sự gắn kết bền vững của cộng đồng, và chuyên chở khát vọng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, trong sự vận động không ngừng của trời đất và vạn vật.
Cuộc khởi nghĩa Hoàng Công Chất và tên tuổi những thủ lĩnh nghĩa quân tài ba, không được chính sử xưa ghi chép nhiều, nhưng chuyện về họ, vẫn mãi mãi được lưu truyền trong dân gian. Nhân dân đã huyền thoại hóa câu chuyện lịch sử này, thành truyền thuyết ca ngợi vẻ đẹp của người anh hùng, có sức mạnh và lòng dũng cảm, vì dân diệt giặc dữ, chống lại cường quyền. Đó còn là câu chuyện ca ngợi tình đoàn kết, gắn bó của người Kinh, người Thái và các dân tộc anh em trên mảnh đất Điện Biên kiên cường.