Lễ hội Ka Tê của người Chăm - di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Khi trên những sườn núi nở tím sắc Tagalau (hoa bằng lăng). Những ngày nắng chói chang đã dịu lại, Miền cực nam Trung bộ đã chuyển mưa, ngoài đồng lúa sạ đã lên xanh...Khắp mọi ngả đường đến các khu đền tháp Chăm lại rộn ràng náo nức với lễ hội Ka Tê cổ truyền.
“Từng hồi trống Ghi năng rộn vang
Hoa Tagalau gọi mùa xuân đến.
Người ơi có về Phum Plei Chăm...”
Khi trên những sườn núi nở tím sắc Tagalau (hoa bằng lăng). Những ngày nắng chói chang đã dịu lại, Miền cực nam Trung bộ đã chuyển mưa, ngoài đồng lúa sạ đã lên xanh...Khắp mọi ngả đường đến các khu đền tháp Chăm lại rộn ràng náo nức với lễ hội Ka Tê cổ truyền.
Theo truyền thống thì lễ hội Ka Tê (Mbang Katé) của người dân tộc Chăm, được tổ chức vào ngày đầu tiên của tháng 7 Chăm lịch (khoảng tháng 9-10 dương lịch). Giống như tết Nguyên đán của người Kinh, Ka Tê là lễ hội đặc sắc nhất của người Chăm theo đạo Bà La Môn. Từ xa xưa, ngưởi Chăm luôn tin rằng trong không gian linh thiêng trời đất giao hòa của lễ hội, khi con người bày tỏ lòng niềm tôn kính đối với tổ tiên, ông bà, họ có thể gặp gỡ thần linh và những người thân yêu đã khuất. Để chuẩn bị cho Ka Tê, mọi gia đình đều trang trí nhà cửa, sửa soạn lễ vật dâng cúng, bày tỏ lòng biết ơn đối với thần linh, tổ tiên, ông bà và thành kính nguyện cầu cho quốc thái dân an, mùa màng bội thu, vạn vật sinh sôi, gia đình an khang, thịnh vượng.
Nếu nói về người Chăm theo đạo Bà La Môn thì phải nhắc tới vùng đất Ninh Thuận, nơi đây hiện có gần 70 ngàn người. Họ sinh sống tập trung ở 16 làng cũ , tập trung chủ yếu ở huyện Ninh Phước, Thuận Nam, Thuận Bắc và thành phố Phan Rang – Tháp Chàm. Nhiều làng Chăm xưa bây giờ đã được chia tách thành 2 - 3 đơn vị hành chính mới, như Làng Hữu Đức chia thành 3 thôn, làng Mỹ Nghiệp thành 2 Khu phố... Tuy nhiên, việc cúng kính, làm các nghi lễ thì cúng vẫn tập trung về 1 địa điểm mà người Chăm gọi là nhà làng như xưa.
Tại Ninh Thuận, có 3 khu vực đền tháp được phân chia theo khu vực cộng đồng tôn giáo. Khu vực đền thờ “mẹ xứ sở” Pô Inư Nưgar (ở Hữu Đức); khu vực tháp Pô K’long Garai (Phường Đô Vinh, Thành phố Phan Rang- Tháp Chàm và khu vực tháp Pô Rô Mê (làng Hậu Sanh, xã Phước Hữu). Đây cũng chính là 3 khu đền tháp duy nhất mà người Chăm từ trước tới nay còn tổ chức các nghi thức tôn giáo.
Ngày nay, một số khu vực đền tháp ở các tỉnh như Tháp Pô Shanư ở Bình Thuận cũng được Người Chăm khôi phục các hoạt động tôn giáo. Một số tháp ở rải rác các tỉnh miền Trung cũng tổ chức các hoạt động nghi lễ, nhưng chủ yếu để phục vụ cho du lịch). Lễ hội Ka Tê ngày nay thường được tổ chức trong 3 ngày(Trước kia kéo dài cả tháng).
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa Chăm, trong quan niệm tín ngưỡng của người Chăm thì nghi thức đầu tiên trong Lễ hội là cầu cúng trời đất, rồi đến thần linh, sau đó mới cúng tổ tiên ông bà. Nghi lễ Ka Tê thể hiện cấu trúc lưỡng hợp âm dương, sự đối lập trong mối liên kết nam thần và nữ thần, trời và đất, cha và mẹ, vùng cao và vùng thấp...Không gian lễ hội Ka Tê khá rộng lớn từ các đền tháp (Kalan), đến các làng (Palei) và gia đình (Ngawôm) với nhiều lễ thức truyền thống phong phú đa dạng vẫn được người Chăm lưu giữ.
Ngày đầu tiên của Lễ hội, được tổ chức bằng lễ rước y trang về đền thờ bà Pô Inư Nưgar ở thôn Hữu Đức xã Phước Hữu. Người Chăm quan niệm dân tộc Raglei là em út của gia đình nên được giữ trọng trách trông coi trang phục, tài sản của các vị vua Chăm, Khi người Raglai xuống trao y trang, ông Từ giữ đền sẽ dâng cúng lễ vật xin phép thần cho rước y trang về tháp. Khi các nghi lễ đón kết thúc, y phục của vua được đưa lên kiệu và khiêng đi giữa đoàn rước. Dẫn đầu đoàn là 1 tốp khoảng 5 người Raglei vừa đi vừa thổi kèn bầu, đánh mã la, theo sau lần lượt là ông Cả sư, thầy kéo đàn Kanhi, bà Bóng, tiếp theo là những người cầm cờ, đoàn người phụ lễ và dân làng. Sau các nghi thức truyền thống thì làng bắt đầu vào phần hội trên sân vận động của làng. Với nền nhạc chủ đạo là các nhạc cụ truyền thống như: kèn Saranai, Trống Ghinang, trống Paranưng... màn múa hát của hàng trăm “diễn viên” nam nữ, với đủ các lứa tuổi,được trình diễn trên khắp mặt sân. Đây có thể nói là màn khai hội đầy màu sắc dân gian, được dàn dựng công phu, mang đậm bản sắc truyền thống văn hóa Chăm, thu hút rất đông người Chăm từ các làng và khách du lịch tới tham gia trong lễ hội Ka Tê.
Ngày thứ hai lên tháp. Ngay từ sáng sớm, các gia đình người Chăm đều ăn mặc trang phục truyền thống, đội lễ rước y trang từ đền thờ trong ra đền thờ ngoài thờ bà Pô Inư Nưgar ở Hữu Đức và rước y trang lên các tháp Pô K’long Garai, tháp Pô Rô Mê. Tại tháp Pô K’long Garai,ngay trước cửa tháp chính,sau điệu múa dâng lễ vật lên các vị thần linh, của các vũ nữ với giỏ hoa trái trên đầu vừa trang nghiêm, vừa tràn đầy tính biểu cảm thẩm mỹ,là nghi lễ mở cửa tháp. Thầy cúng tế hát cầu lễ thần linh trước cửa tháp, tạt nước tắm thần Shiva trên vòm cửa chính, còn bà Bóng và thầy kéo đàn Kanhi sẽ đến ngồi bên tượng bò thần Nandi hát xin phép thần cho mở cửa tháp. Ông Từ và bà Bóng sẽ là người mở cửa để đoàn lễ tiến vào trong tháp. Bên trong tháp, chỉ có vị Cả sư, thầy kéo đàn Kanhi, bà Bóng, ông Từ và một số tín đồ thực hiện nghi lễ tắm tượng, mặc y trang cho các vị thần. Bên ngoài tháp, các gia đình đã chuẩn bị mâm lễ dâng cúng với những sản vật, trái cây mà họ trồng trọt, chăn nuôi ở địa phương. Sau vũ điệu múa thiêng tiễn thần linh, thì phần lễ chính kết thúc. Lúc này ngoài sân tháp bắt đầu rộn ràng không khí của phần hội. Ở các góc sân, tiếng trống Ghinăng, kèn Saranai rộn ràng nâng bước các chàng trai, cô gái Chăm với trang phục truyền thốngđầy màu sắc, tạo nên một không khí thật tưng bừng náo nhiệt.
Ngày thứ 3 của lễ hội, ở từng làng tổ chức lễ cúng Ka Tê ở nhà làng. Sau khi làng cúng xong, các dòng họ và gia đình mới được cúng và đãi khách. Các gia đình cũng được chuẩn bị lễ vật dâng cúng cho hương hồn tổ tiên ông bà, những người đã khuất, để cầu mong con cháu gặp nhiều điều may mắn. Lễ này thường do trưởng tộc hoặc chủ nhà tiến hành. Đây cũng là dịp để ông bà, cha mẹ giáo dục các thế hệ con cháu nhớ ơn và kính trọng tổ tiên và cũng là dịp để họ tạm quên đi những vất vả âu lo đời thường của cuộc sống còn bộn bề khó khăn. Trong lễ hội Ka Tê, thì các làng Chăm đều tổ chức các hoạt động giao hữu thể thao, các trò chơi dân gian như kéo co, đẩy gậy, đội nước...hội thi trang phục, nặn gốm, dệt thổ cẩm... tạo không khí tưng bừng vui vẻ, vẽ lên bức tranh đầy sắc màu độc đáocủa người Chăm.
Lễ hội Ka Tê được người Chăm có thể ví như Tết đoàn viên, dù ai đi đâu, ở đâu cũng sắp xếp công việc, thời gian về làng sum họp cùng gia đình; mọi người đến nhà nhau thăm hỏi chúc sức khỏe.... Lễ hội Ka Tê ngày nay không còn là tài sản tinh thần riêng, thu hẹp trong cộng đồng người Chăm nữa, mà nó đã là ngày tết chung của các dân tộc anh em sống trên mảnh đất này. Những hoạt động thăm hỏi, giao lưumang đậm bản sắc văn hóa dân tộc ngày càng được bảo tồn, tình làng nghĩa xóm ngày càng gắn kết, bền chặt
Từ năm 2017, lễ hội Ka Tê cùng với nghề gốm làng Bàu Trúc với bản sắc văn hóa phong phú của đồng bào dân tộc Chăm, đã được Bộ Văn hóa thể thao và du lịch công nhận đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Lễ hội Ka Tê 2020 năm nay,sẽ được tổ chức chính thức trong 3 ngày, từ ngày 15/10 đến ngày 18/10/2020.