Lễ hội muốn tốt, phải tôn trọng cộng đồng

Ngày nay, việc bảo tồn những giá trị truyền thống của lễ hội được đặt ra như một yêu cầu bức thiết. Ai sẽ là người lưu giữ những giá trị truyền thống ấy nếu không phải cộng đồng? Hànôịmới Cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam xung quanh vấn đề này.

- Thưa ông, lễ hội đóng vai trò như thế nào trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt?

- Thưa ông, lễ hội đóng vai trò như thế nào trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt?

- Lễ hội thường diễn ra vào dịp đầu xuân, là thời điểm chuyển giao mạnh mẽ giữa cái cũ với cái mới. Lễ hội chứa đựng đầy đủ những giá trị văn hóa của một dân tộc. Mỗi làng quê đều có lễ hội riêng, mang nét đặc trưng của mỗi làng và phản ánh đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Lễ hội muốn tồn tại và phát triển thì phải sống trong môi trường xã hội nơi nó được sinh ra.

Môi trường xã hội thế nào thì lễ hội sẽ phản ánh đúng như vậy. Lễ hội của một làng nghề thủ công mang những đặc trưng của một làng nghề thủ công. Lễ hội của một bản vùng cao sẽ phản ánh những đặc trưng văn hóa của các tộc người ở đó. Và lễ hội của một khu phố cổ sẽ có đặc trưng của khu phố cổ... Môi trường và bối cảnh đó làm nên phần hồn của lễ hội, tạo nên sự khác nhau về sắc thái văn hóa của từng vùng. Vì thế, chúng ta phải coi trọng môi trường, bản sắc đó.

Chúng ta nhìn lễ hội ở Việt Nam bằng quan điểm đổi mới, khách quan, không phải vì cả nước có hàng nghìn lễ hội mà cho rằng như thế là nhiều, lãng phí, tốn kém và phải bỏ bớt đi. Việt Nam có hàng trăm nghìn ngôi làng, mỗi làng đều có đặc trưng văn hóa và lễ hội của riêng mình. Vì thế, nếu vội vã cho rằng lễ hội tốn kém và cần phải cấm thì đó là tư duy lỗi thời.

- Ông là người có rất nhiều năm tham gia vào việc quản lý lễ hội ở vùng cao. Việc bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống của vùng cao và miền xuôi, thành thị có khác nhau nhiều không? Yếu tố cốt lõi để duy trì nét đặc trưng của lễ hội là gì, thưa ông?

- Đôi khi chúng ta chưa hiểu hết rằng mỗi lễ hội có một đặc trưng riêng, nên nhiều nơi làm lễ hội giống nhau quá. Đi bất cứ tỉnh đồng bằng nào cũng thấy phần lễ, tế giống nhau nhưng cái hay, nét riêng của làng lại không bật ra được. Chưa kể lễ hội ở Việt Nam đã trải qua những cuộc bể dâu dưới ảnh hưởng của chiến tranh liên miên nên lễ hội có lúc không còn được chú trọng, thậm chí không được tổ chức nên bị quên đi rất nhiều. Vì thế, việc khôi phục sau này rất khó. Nghe các cụ cao niên ở làng kể lại cũng chỉ thu được một phần. Nhiều ban tổ chức lại tham khảo mỗi nơi một chút, dẫn đến lễ hội bị biến dạng, mất đi bản sắc của cộng đồng địa phương.

Lễ hội truyền thống muốn duy trì tốt thì phải tôn trọng và mở rộng quyền cho cộng đồng. Ở vùng cao có cái hay so với đồng bằng là mỗi làng có một sự đa dạng văn hóa riêng do nguồn gốc tộc người. Bản của người Hà Nhì khác với bản của người Thái, người Tày, rồi sự phân chia chi, nhánh, ngành tộc càng giúp bồi bổ bản sắc đặc trưng đó. Ở dưới xuôi thì ít có điều này. Nhìn theo chiều sâu, mỗi làng quê đều có những tục hèm, bản sắc tạo nên nét đa dạng của lễ hội. Vì thế, cần bảo tồn và phải tôn trọng sự đa dạng ấy.

Cũng không nên cho rằng lễ hội hiện đại bị biến đổi, bởi có những chức năng trong lễ hội xưa không còn phù hợp với ngày nay. Ví dụ, ngày xưa không gian của lễ hội là đình, nhưng khi đó chỉ có vài chục hộ tham gia. Còn bây giờ, mỗi làng có hàng nghìn hộ nên sân đình trở nên chật hẹp, không đủ sức chứa, vì thế công tác tổ chức cũng khác đi. Môi trường của làng, của lễ hội cũng bị biến đổi nếu mỗi người chỉ thiếu ý thức một chút thôi. Ngày xưa trai gái đợi đến khi xuân về để được gặp gỡ, yêu đương, hát giao duyên với nhau nên các làn điệu dân ca phát triển rất mạnh. Làng nào cũng có dân ca giao duyên. Nhưng bây giờ lớp trẻ không hát, không nghe giao duyên nữa và chúng ta phải chấp nhận sự biến đổi, tuân theo quy luật phát triển. Các trò chơi dân gian trước kia có sự thiêng hóa và được tôn trọng, nhưng bây giờ trò chơi chỉ mang tính biểu tượng, tạo không khí cho lễ hội. Có thể thêm các trò chơi mới nhưng vẫn phải giữ được các trò chơi cổ truyền để giữ hồn lễ hội.

- Theo ông, để quản lý lễ hội tốt, Nhà nước và cộng đồng có vai trò như thế nào?

- Quản lý lễ hội phải có các yếu tố cụ thể: Đầu tiên là Nhà nước. Nhà nước phải định hướng và quản các phần việc. Nhiều lễ hội bây giờ không còn là của riêng một làng nữa, mà trở thành lễ hội vùng và liên vùng. Nhưng chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước không thể tổ chức lễ hội thay cộng đồng. Nhà nước chỉ quản lý, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn thực phẩm, định hướng để người dân chủ động tham gia chứ không làm thay. Tôi cảm thấy buồn vì ở nhiều nơi, lãnh đạo xã lại đứng ra khai mạc lễ hội thay vì cộng đồng, trong khi lễ hội của làng thì phải do các vị cao niên trong làng lo phần tế lễ, cúng thần vì đó là không gian của họ. Cộng đồng luôn khao khát và có trách nhiệm để làm tròn vai của mình, vì thế Nhà nước không cần phải làm thay. Nhưng như thế cũng không có nghĩa là khoán trắng để cộng đồng tự lo tất cả mọi việc. Vai trò của Nhà nước vẫn phải là định hướng quản lý và lo những việc cộng đồng không thể lo được. Đó là sự phân vai hợp lý giữa cộng đồng và Nhà nước.

Lễ hội thành công, tồn tại hay không là do cộng đồng. Lễ hội phải thấm sâu vào cộng đồng và cộng đồng chính là người “nuôi sống” lễ hội. Cộng đồng có sự trao truyền vốn quý di sản một cách tự giác, không ai bảo thì họ cũng tự nguyện làm mọi việc để giữ gìn lễ hội của làng mình. Nhiều nơi còn có phong tục thanh niên đủ 18 tuổi sẽ lo việc làng, lo toàn bộ các nghi lễ... Đó là cách phân công rất hay, cần được phát huy vì đó là cách tiếp nối truyền thống tốt nhất.

Quản lý lễ hội nên tuân theo quy luật “động”, tức là tùy theo quy luật phát triển mà điều chỉnh hài hòa yếu tố truyền thống và hiện đại. Chúng ta không thể giữ lễ hội một cách khiên cưỡng như ngày xưa bởi lễ hội là di sản văn hóa phi vật thể. Đã là di sản phi vật thể thì sẽ không bao giờ đứng yên, bất biến như di sản vật thể. Hơn nữa, lễ hội bây giờ gắn với việc phát triển du lịch nên càng “động”. Du lịch gắn với lễ hội không có nghĩa là xô bồ, tranh cướp mà là quảng bá để du khách thấy được cái hay, cái đẹp của lễ hội, qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Mỗi làng quê đều có những phong tục, bản sắc tạo nên nét đa dạng của lễ hội.

- Làm thế nào để duy trì yếu tố gốc của lễ hội trong cuộc sống hiện đại, thưa ông?

- Rất khó giữ được yếu tố gốc vì nhiều lễ hội được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể, điều đó có nghĩa là các di sản ấy có yếu tố tái sáng tạo và phục dựng. Có người phê phán việc phục dựng lễ hội, nhưng quan điểm của tôi là nếu không phục dựng thì khó giữ được, thậm chí mất luôn di sản vì người dân chẳng có gì trong tay một khi lễ hội đã bị đứt đoạn trong thời gian dài hoặc bị hiểu và thực hành sai lệch do nhiều nguyên nhân.

Việc tìm lại yếu tố gốc qua tư liệu là điều nên làm, bởi có rất nhiều tài liệu miêu tả một cách chi tiết các lễ hội xưa. Đó là cơ sở tốt nhất để các nhà khoa học phục dựng lễ hội, còn người thực thi phải là cộng đồng. Nhà khoa học phải truyền tải được các giá trị của lễ hội để khơi dậy trong cộng đồng lòng tự hào và trách nhiệm bảo tồn các giá trị truyền thống của lễ hội, qua đó phục dựng các nghi lễ, tục hèm có giá trị nhân văn. Như vậy, có thể thấy vai trò quan trọng của cộng đồng và phải tôn trọng họ. Lễ hội không thể thành công khi sử dụng mệnh lệnh hành chính. Cơ quan quản lý chỉ làm đúng vai của mình, phải bàn bạc, định hướng để cộng đồng hiểu và đồng thuận thì mới làm tốt được.

- Như vậy thì việc phục dựng lễ hội là yếu tố then chốt giúp giữ gìn bản sắc lễ hội truyền thống, thưa ông?

- Hầu hết các lễ hội ở ta đều đã được phục dựng. Nếu xem kỹ sẽ thấy vai trò của các nhà khoa học trong đó. Ví dụ như với hội Gióng, lễ rước và các tục hèm hầu như đều có sự phục dựng trên cơ sở tư liệu là các bài viết của học giả Nguyễn Văn Huyên cùng tài liệu của người Pháp hồi đầu thế kỷ trước. Nếu không có sự miêu tả cụ thể trong các tài liệu ấy, chúng ta không thể có hội Gióng như bây giờ. Nhờ phục dựng thành công các tục hèm, nghi lễ trước đây mà hội Gióng mới được UNESCO ghi danh ở tầm thế giới. Vì thế, không nên chê việc phục dựng, mà cần xem xét quá trình phục dựng có sai sót hay không.

Lễ hội cũng cần được tái sáng tạo vì lễ hội là của cộng đồng. Không nên vội vàng lên án, cho rằng việc tái sáng tạo sẽ làm lễ hội mất gốc, bởi nếu sự sáng tạo trên nền tảng truyền thống được cả cộng đồng đồng thuận thì nên làm. Đó chính là sự tôn trọng cộng đồng. Hơn nữa, cần hiểu rằng tái sáng tạo luôn là yếu tố được UNESCO đề cao vì di sản văn hóa phi vật thể luôn vận động, biến đổi theo sự phát triển của thời đại, theo sự sáng tạo của cộng đồng để đáp ứng nhu cầu của họ. Vì thế, muốn giữ gìn lễ hội truyền thống - một di sản văn hóa phi vật thể quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân Việt Nam, yếu tố tiên quyết là phải tôn trọng cộng đồng.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Linh Tâm

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/doi-thoai/956789/le-hoi-muon-tot-phai-ton-trong-cong-dong