Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc trở thành di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia
Tối ngày 26/3, tại thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh phối hợp cùng UBND huyện Trần Văn Thời tổ chức Lễ công bố di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia 'Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc'. Tham dự có lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau,…
Phát biểu tại Lễ công bố di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia “Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hồng Quân biểu dương tinh thần của nhân dân thị trấn Sông Đốc và Ban Quản trị lăng Ông trong thời gian qua đã ủng hộ, hỗ trợ, cung cấp thông tin để xây dựng hồ sơ khoa học di sản văn hóa Lễ hội Nghinh Ông - Sông Đốc.
Với Cà Mau, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa Lễ hôi Nghinh Ông Sông Đốc vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã thể hiện sự trân trọng, ghi nhận của Nhà nước đối với Lễ hội truyền thống này, đây không chỉ là niềm tự hào của người dân tỉnh Cà Mau, nhất là bà con ở miền biển Sông Đốc mà còn góp phần thiết thực vào việc giữ gìn sự phong phú, đa dạng của kho tàng của di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là điều kiện thuận lợi để bạn bè trong nước và quốc tế biết nhiều hơn về nét đẹp văn hóa của vùng đất ven biển Cà Mau.
Lãnh đạo tỉnh Cà Mau cho biết sẽ luôn tạo điều kiện để ngư dân có thể tiếp tục bám biển, đảm bảo cuộc sống mưu sinh của mình một cách an toàn. Giữ được nghề thì văn hóa, tín ngưỡng mới có cơ sở và môi trường thực hành để tồn tại và phát triển. Do đó, cần huy động thêm nhiều nguồn hỗ trợ khác nhau trong việc bảo tồn văn hóa, tín ngưỡng từ phía người dân, cơ quan, doanh nghiệp cả trong và ngoài nước.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hồng Quân yêu cầu Ngành văn hóa, thể thao và du lịch tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của toàn xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ đối với việc bảo vệ, duy trì và phát huy giá trị di sản văn hóa Lễ hội Nghinh Ông.
Bên cạnh đó, cần hỗ trợ cộng đồng, gia đình và nghệ nhân tổ chức truyền dạy, trình diễn, quảng bá Lễ hội Nghinh Ông; phục hồi, lưu truyền các nghi thức tế lễ cùng các bài bản và hình thức diễn xướng truyền thống trong lễ hội hiện đã bị mai một, các tập quán xã hội liên quan đến tín ngưỡng thờ cúng Cá Ông; mở rộng các hình thức và môi trường sinh hoạt mới, phù hợp với mục tiêu bảo vệ và phát huy giá trị Lễ hội Nghinh Ông - Sông Đốc trong cuộc sống đương đại; tiếp tục thực hiện tốt công tác nghiên cứu, sưu tầm và tư liệu hóa Lễ hội Nghinh Ông - Sông Đốc; Tập trung hướng dẫn, hỗ trợ nghệ nhân hoàn thiện hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu, Nghệ nhân ưu tú, Nghệ nhân nhân dân, đồng thời thực hiện tốt chính sách đãi ngộ, khen thưởng cho các nghệ nhân thực hành cũng như có nhiều đóng góp xuất sắc trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Nghinh Ông - Sông Đốc.
Với sự kiện quan trọng này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hồng Quân đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với UBND huyện Trần Văn Thời sớm tham mưu xây dựng Kế hoạch bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Nghinh Ông - Sông Đốc, để di sản văn hóa ngày càng phát triển và sống mãi với thời gian.
Lễ hội Nghinh Ông ở thị trấn Sông Đốc (Cà Mau) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch quyết định đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Đây là một nỗ lực rất lớn của các cá nhân, đơn vị chuyên môn của tỉnh đã xác định đúng, đầy đủ giá trị của Lễ hội Nghinh Ông để lập hồ sơ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận.
Hàng năm, từ ngày 14 đến ngày 16/2 âm lịch, nhân dân khắp nơi tụ hội về thị trấn Sông Đốc cúng, viếng và tham gia các hoạt động của lễ hội; các hoạt động diễn ra long trọng, trang nghiêm, thành kính thể hiện lòng biết ơn vô hạng đối với vị thần Nam Hải Đại Tướng Quân. Nghi thức cúng, tế thể hiện rõ ước nguyện, sự cầu mong cho mưa thuận, gió hòa, đánh bắt bội thu, cầu cho quốc thái, dân an, nhà nhà yên ấm.
Ngoài nghi thức tế Lễ, nhân dân còn được tham gia các hoạt động vui chơi, văn hóa, văn nghệ, thể thao rất sôi nổi tại địa phương.