Lễ hội Obon: Tình yêu thương và sự kết nối vượt thời gian
Obon không những là ngày lễ nhắc nhở chúng ta về món quà mà tổ tiên đã trao lại cho mình, mà còn là dịp để thế hệ sau nhìn nhận lại những gì đã, đang và sẽ làm để xứng đáng với tổ tiên.
Thầy Katsuya Kusunoki, Viện chủ của chùa Seattle Betsuin, Hoa Kỳ, chia sẻ một góc nhìn khác về ý nghĩa của Obon (lễ Vu Lan ở Nhật Bản). Theo thầy, Obon không những là ngày lễ nhắc nhở chúng ta về món quà mà tổ tiên đã trao lại cho mình, mà còn là dịp để thế hệ sau nhìn nhận lại những gì đã, đang và sẽ làm để xứng đáng với tổ tiên.
Mùa Obon (お 盆) là thời điểm chúng ta kỷ niệm sự trở về của tổ tiên từ thế giới bên kia. Đây cũng chính là lúc chúng ta tôn vinh tổ tiên mình bằng cách hội họp, sum vầy với nhau, dâng trái cây, mì somen (theo truyền thống Nhật Bản) và các thực phẩm khác cho các phần mộ và bàn thờ gia tiên. Ngoài ra, chúng ta cũng cùng nhau biểu diễn các điệu nhảy truyền thống và thăm viếng các ngôi chùa để tham dự các khóa lễ Obon. Nhưng có lúc nào chúng ta tự hỏi, liệu những hoạt động này có thực sự có ý nghĩa gì hay không.
“Obon” là chữ viết tắt của “Urabon”, một thuật ngữ có đến ba câu chuyện phía sau. Thuyết đầu tiên và phổ biến nhất là Urabon xuất phát từ tiếng Phạn “ullambana” hoặc là “avalambana”, có nghĩa là “treo ngược”. Thuyết thứ hai cho rằng thuật ngữ này bắt nguồn từ “Urvan”, một từ Iran cổ đại trong ngôn ngữ Avestan có nghĩa là “tinh thần”. Theo thuyết thứ ba, “Bon” có nghĩa là “khay” và “ura” xuất phát từ tiếng Phạn là “Odana” hay “Olaha” có nghĩa là “gạo” hay “thức ăn”, nên Urabon có thể được hiểu là khay cúng dường thức ăn hoặc cơm cho các nhà sư.
Khi đọc vào kinh Ullambana (Vu lan bồn), một câu chuyện và triết lý đã truyền cảm hứng cho lễ hội Obon, thì tôi tin rằng cả ba thuyết đó đều đúng.
Kinh điển đã kể lại câu chuyện thời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, bậc Giác ngộ vĩ đại đã sống ở Ấn Độ khoảng 2.500 năm trước, và Mục Kiền Liên, một trong những đại đệ tử của Đức Phật và bậc Đệ nhất về thần thông. Một ngày nọ, ngài Mục Kiền Liên sử dụng thần thông để tìm người mẹ quá cố của mình. Sau khi tìm kiếm khắp các cõi, từ cõi cao nhất của các tầng trời đến cõi thấp nhất của địa ngục, thì ngài cảm thấy rất kinh hoàng khi thấy mẹ ngài đang phải chịu đựng sự đau khổ của cõi ngạ quỷ.
Những chúng sinh ngạ quỷ mang tâm tham lam và bủn xỉn này không thể ăn uống được bất cứ thứ gì vì thức ăn và đồ uống biến thành lửa khi vào đến miệng bà. Vì vậy, thân hình bà gầy gò và tiều tụy, cổ nhỏ như cây kim, bụng phình to lên trông rất dị kỳ. Vì thương mẹ, ngài Mục Kiền Liên cố gắng đưa thức ăn cho mẹ, nhưng chưa vào đến cổ thì thức ăn đã biến thành lửa. Cảm thấy quá đau khổ và bất lực nên ngài phải cầu xin sự chỉ dẫn từ Đức Phật.
Đức Phật dạy ngài: “Mẹ của thầy là một người tham lam và keo kiệt. Thầy không thể tự mình cứu bà ấy. Thầy cần có sự trợ niệm từ tất cả các thầy trong Tăng đoàn. Hãy cúng dường cho chư Tăng thuốc men, thực phẩm, chỗ ở và y áo để hồi hướng công đức cho mẹ thầy”.
Cứ như vậy, theo chỉ dẫn của bậc Đạo sư, ngài Mục Kiền Liên thay mặt của mẹ mình mà cúng dường đầy đủ tứ sự cho chư Tăng vào lúc mãn hạ. Và cũng nhờ đó mà mẹ ngài có thể thoát khỏi cõi ngạ quỷ và tái sinh vào cảnh giới tốt đẹp. Ngài Mục Kiền Liên cảm thấy vui mừng và hoan hỷ.
Bản thân tôi đã nghe câu chuyện này mỗi năm. Thực sự, tôi cảm thấy nhẹ nhõm vì dù sao thì mẹ của ngài Mục Kiền Liên cũng được cứu. Tuy vậy, có khoảng thời gian trước, tôi đã gợn lên một câu hỏi rằng: Tại sao Đức Phật không trực tiếp cứu mẹ của ngài Mục Kiền Liên? Tại sao Ngài lại chỉ cho vị đệ tử của mình một cách vòng vo như vậy để cứu mẹ mình: cúng dường cho chư Tăng? Có cách nào trực tiếp hơn không?
Cúng dường cho các nhà sư là một hành động quan trọng trong Phật giáo, đây là nghĩa cử tốt đẹp được gọi là bố thí (dana), một trong sáu pháp Ba-la-mật (paramita) mà các vị Bồ-tát phải thực hành cho đến khi đạt được giác ngộ. Những người Phật tử sẽ dần tích lũy phước đức và trí tuệ thông qua việc bố thí và các hạnh lành khác. Trong câu chuyện này, ngài Mục Kiền Liên đã hành bố thí để cứu mẹ, thì không những mẹ ngài được lợi lạc mà chính ngài cũng nhận được phước lành từ những hành động của mình.
Như vậy, khi suy nghĩ sâu sắc về câu chuyện này, bản thân tôi nhận ra rằng mẹ của ngài Mục Kiền Liên đã hiển bày cho ngài thấy được những sự khổ đau cùng cực của cõi ngạ quỷ để ngài phát tâm thương cảm, rồi thưa hỏi Đức Phật và được bậc Đạo sư chỉ dẫn cách để tu tạo phước đức và cứu mẹ ra khỏi địa ngục. Có lẽ đây không chỉ là một bài pháp cho ngài Mục Kiền Liên mà còn dành cho tất cả những người làm phận con cái trên cuộc đời này.
Hơn thế nữa, nếu nhìn sâu hơn, ta thấy mẹ của ngài cũng có thể là một vị Bồ-tát đang dẫn dắt con trai mình trên con đường giác ngộ ngay cả khi bà đã rời khỏi thế gian này. Vì vậy, khi hiểu theo cách như vậy, thì câu chuyện này không chỉ nói về việc ngài Mục Kiền Liên cứu mẹ mà còn nhấn mạnh đến việc mẹ ngài tạo điều kiện và cơ hội cho ngài thực hành bố thí, tích lũy phước đức, hành Bồ-tát đạo và tiến gần đến Phật quả.
Nhiều người xem truyền thống và phong tục Obon như một cơ hội để cúng dường tổ tiên (urvan). Nhưng nhận thức này cũng có thể bị đảo ngược (ullambana hoặc avalambana), bởi vì tổ tiên thực sự đang trao cho chúng ta cơ hội tiếp cận với Phật pháp, học hỏi những chân lý xuất thế gian, tu tập, tích lũy phước đức cũng như thực hành bố thí (odana hoặc olaha). Chúng ta nên nhìn sự việc hai chiều thuận nghịch như vậy để hiểu sâu sắc hơn nữa ý nghĩa của Obon.
Obon còn là cơ hội đặc biệt để chúng ta kết nối với tổ tiên và những người thân thương của mình. Nhiều người tham gia lễ ohaka mairi, một truyền thống thăm mộ của tổ tiên, dọn dẹp, tu sửa và mang hoa quả đến cúng ở mộ của gia tiên. Đền thờ và nghĩa trang luôn được quét dọn cẩn thận và trang trí đầy hoa tươi. Bên cạnh hoa tươi, đôi khi mọi người còn đem cả đồ ăn nhẹ yêu thích của người đã khuất và thỉnh thoảng có thể có những loại thức uống vào những dịp đặc biệt. Buổi tối, những chiếc đèn lồng với nhiều hình dạng và màu sắc mang theo những lời cầu nguyện cho gia đình, tổ tiên của người dân sẽ được thả dọc theo những con sông hay hồ. Những nghi thức tưởng niệm này thực sự là những hành động thiết thực mà chúng ta có thể làm để kết nối với tổ tiên và chia sẻ với những người đã khuất.
Tuy nhiên, không phải tất cả các nghi lễ đều mang tính tôn giáo và tâm linh trong mùa Obon. Chúng ta có thể kết nối với những thành viên trong gia đình và những người mình yêu thương bằng những việc đơn giản và gần gũi nhất. Chúng ta có nấu được món ăn yêu thích của mẹ trong buổi họp mặt hay không? Chúng ta có đến điểm câu cá yêu thích của ông lần nào chưa? Hay đơn giản nhất, sau khi thức dậy, bạn có nói chào buổi sáng và nhoẻn miệng cười với những người yêu thương xung quanh mình chưa? Hãy làm tất cả những điều đơn giản đó với một tình yêu thương thật lớn lao, khi đó, sợi dây kết nối với gia đình sẽ ngày càng thắt chặt hơn.
Obon nhắc nhở chúng ta về mạng lưới nhân duyên tuyệt vời của cuộc sống, rằng cuộc sống của chúng ta được tạo nên bởi vô số nhân và duyên khác nhau mà chúng ta nên biết ơn và trân trọng. Hơn thế nữa, lễ hội này cũng nhắc nhở rằng bản thân chúng ta có trách nhiệm tạo ra một cuộc sống ý nghĩa và hạnh phúc cho các thế hệ tương lai. Khi đã ý thức được sự kết nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai thông qua lễ Obon, thì dịp này cũng dạy cho chúng ta rằng cách mà bản thân sống tốt trong hiện tại cũng là cách tốt nhất để tôn vinh những người thân yêu đã khuất. Nghĩ đến tổ tiên để thực hiện vô số điều thiện lành, thì khi đó tổ tiên trở thành những bậc Bồ-tát của chúng ta.
Obon thực sự là một dịp để tụ họp vui vẻ với những người thân yêu và tưởng nhớ những người đã khuất trong vòng tay từ bi của Đức Phật. Khi chúng ta có thể sống tỉnh thức và đúng với những gì Đức Phật đã dạy, chúng ta không thể làm gì khác ngoài việc bày tỏ niềm hoan hỷ và lòng biết ơn sâu sắc của mình đối với các bậc tiền nhân, trong đó có Đức Phật. Những người thân yêu đã trở thành một phần của chúng ta; vì vậy, khi ta làm điều thiện, tạo được phước đức thì một phần phước đức đó là quà tặng mà chúng ta trao đến cho tổ tiên của mình.
Obon là một thời khắc linh thiêng và sâu lắng, nơi quá khứ và hiện tại hòa quyện, tạo nên một mối liên kết vô hình nhưng mạnh mẽ giữa chúng ta và tổ tiên. Trong điệu nhảy của Obon, chúng ta không chỉ tôn vinh những người đã khuất mà còn cảm nhận được tình yêu và lòng biết ơn sâu sắc dành cho họ. Đó là lời nhắc nhở rằng chúng ta luôn có thể tìm thấy niềm vui và sự kết nối trong vòng tay từ bi của Đức Phật. Hãy để Obon trở thành nguồn cảm hứng để chúng ta sống một cuộc đời ý nghĩa và lan tỏa tình yêu thương, để lại dấu ấn tốt đẹp cho các thế hệ tương lai.