Lễ hội sắc hoa trên miền di sản
Là cây ưa khô ráo, nắng hạn, cách đây hơn 2 tháng, hàng nghìn cây hoa giấy ở Phù Đổng có nguy cơ bị thối rễ do ngập nước. Người dân làng Phù Đổng đã kiên trì hồi sinh cho những cây hoa giấy, để giờ đây, các nhà vườn lại rực rỡ sắc màu.
"Bão đánh đổ dập nhiều cây, có cây gãy sắt, gãy khung phải gọi thợ hàn hàn lại. Cây đổ xuống phải cắt đi, tưới lân bón đạm cho nó ra lá, ra mầm thì mới chăm và ra hoa được. Khắc phục hơn 2 tháng, nếu hoa đẹp thì 3 tháng trở ra mới đẹp được… ", bà Đào Thị Thanh, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội, nói.
Hình thành cách đây hơn 20 năm, đến nay nghề trồng hoa giấy ở Phù Đổng ngày càng phát triển. Nhiều người nông dân đã trở thành nghệ nhân. Cây hoa giấy được tạo thế với nhiều kiểu dáng, các thế cây vô cùng độc đáo.
Ông Phùng Xuân Việt, Bí thư Đảng ủy xã Phù Đổng, cho biết: "Năm nay, lễ hội hoa giấy Phù Đổng được tổ chức đúng đợt lễ hội thiết kế sáng tạo của TP Hà Nội, đồng thời lễ hội hoa giấy quảng bá làng nghề, thể hiện khát vọng, vươn lên của người dân Phù Đổng sau trận bão Yagi và lụt vừa rồi. Hiện nay tạo ra nhiều chủng loại, cây thế, cây mang nhiều màu sắc, ngũ sắc, bảy màu, giống hoa nước ngoài thì Phù Đổng tiếp cận, ghép…".
Lễ hội cây cảnh, hoa giấy xã Phù Đổng với chủ đề “Sắc hoa trên miền di sản” đã tạo nên một bức tranh thiên nhiên đầy màu sắc, để lại nhiều ấn tượng cho người dân và du khách khi tới tham quan.
Nghề trồng hoa giấy xã Phù Đổng đã đem lại giá trị kinh tế cao, đóng góp cho phát triển kinh tế địa phương.
Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/le-hoi-sac-hoa-tren-mien-di-san-282166.htm