Lễ hội Tây Sơn: Độc đáo Hội cầu Huê và phiên chợ Kinh - Thượng
Từ nhiều năm nay đã trở thành thông lệ, vào ngày mồng 4 tháng giêng âm lịch, Lễ hội Tây Sơn tại quần thể di tích Tây Sơn thượng đạo (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) trở thành điểm đến của người dân và du khách thập phương mỗi dịp Tết đến Xuân về.
Ngày 28/1 (mùng 4 Tết Canh Tý 2020), thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai tổ chức lễ kỷ niệm 231 năm (1789-2020) chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa và 249 năm (1771-2020) khởi nghĩa Tây Sơn. Lễ hội diễn ra trong 2 ngày 28 và 29/1 (mùng 4 và mùng 5 tháng giêng), nhằm ôn lại lịch sử hào hùng của cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn. Đồng thời, tri ân công lao to lớn của vị anh hùng dân tộc Quang Trung – Nguyễn Huệ cùng các tướng sĩ Nhà Tây Sơn.
Tại Lễ hội Tây Sơn, bên cạnh phần nghi lễ là phần hội với những hoạt động văn hóa đặc sắc như: Biểu diễn võ cổ truyền, đấu võ đài, nhằm tôn vinh tinh thần thượng võ, mối đoàn kết của những người con đất Việt, giữa miền xuôi và miền ngược, người kinh và người thượng.... Ngoài ra, tại lễ hội còn diễn ra nhiều trò chơi dân gian. Đặc biệt, tại lễ hội diễn ra Hội hát cầu Huê, cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu cho quốc thái dân an. Cùng với đó là chương trình múa xoang, biểu diễn cồng chiêng đường phố.
Điểm nhấn tại Lễ hội Tây Sơn, là phiên chợ Kinh - Thượng với hơn 70 gian hàng, trừng bày, bán nhiều mặt hàng thổ cẩm, các món ăn truyền thống, món ăn đặc trưng của đồng bào Ba Na, rau rừng, đặc sản rừng… Phiên chợ là một trong những nét văn hóa đặc sắc của người Việt vùng An Khê xưa. Nơi đây, là khu vực để người Kinh tiếp xúc, giao lưu với người Ba Na trong giao thương, buôn bán hàng hóa.
Trong hơn 60 năm qua, Hội hát cầu Huê gần như mai một, đặc biệt là hoạt động của khu chợ Kinh-Thượng với nhiều tập tục dân gian dường như mất hẳn. Việc tái hiện lại Hội hát cầu Huê trên vùng đất An Khê có ý nghĩa rất lớn, giúp thế hệ trẻ sau này hiểu biết được những nét văn hóa tinh thần đặc sắc của ông bà ta xưa kia.