Lễ hội tôm hùm ở tỉnh Khánh Hòa: ''Treo đầu dê, bán thịt chó''
Tỉnh Khánh Hòa vừa tổ chức lễ hội tôm hùm nhưng toàn bán cá viên chiên khiến du khách, người dân bức xúc và cho rằng, Khánh Hòa đã ''treo đầu dê, bán thịt chó'.
"Treo đầu dê, bán thịt chó"
Sự việc lễ hội tôm hùm nhưng toàn bán đồ chiên nướng, cá viên chiên, đồ ăn nhanh phần nào nói lên “cái cớ” để tổ chức các lễ hội của nhiều tỉnh thành trong thời gian qua. Lễ hội tôm hùm Cam Ranh 2024 với chủ đề "Vịnh xanh bừng sáng" diễn ra từ ngày 8-11/8 tại trung tâm thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Lễ hội được nhiều người dân và du khách mong chờ bởi trước đó được quảng bá là một lễ hội ẩm thực quy mô lớn nhằm giới thiệu đặc sản tôm hùm Cam Ranh nổi tiếng. Tuy nhiên, lễ hội gây không ít thất vọng, thậm chí bức xúc khi có rất ít các hoạt động, gian hàng liên quan đến tôm hùm. Theo đó, có 19 gian hàng ẩm thực nhưng chỉ có 1 gian hàng bán tôm hùm, còn lại bán đồ ăn nhanh, cá viên chiên và đồ ăn vặt.
Du khách Nguyễn Lê Thu Uyên đến từ Đà Nẵng chia sẻ: “Rất bất ngờ vì tới lễ hội tôm hùm khác hẳn hoàn toàn với suy nghĩ của gia đình tôi. Tràn ngập là hàng quán đồ ăn chiên nướng chứ không như những gì được giới thiệu, các con của tôi khá hụt hẫng”.
Anh Lê Văn Triều (30 tuổi, du khách đến từ Quảng Trị) bức xúc buông lời, “Nếu lễ hội tôm hùm mà toàn đồ ăn nhanh thì chúng tôi đã đi du lịch ngay gần nhà để thưởng thức. Tìm mỏi mắt chỉ có 1 đến 2 gian hàng tôm hùm, món ăn cũng chưa thực sự đa dạng”.
Điều đáng nói, trong thời gian qua, du lịch Khánh Hòa đã có những bước phục hồi và phát triển mạnh mẽ sau đại dịch, làm tiền đề tiếp nối thành công của giai đoạn trước, hình ảnh du lịch Khánh Hòa ngày càng được lan tỏa rộng rãi hơn và nhận được sự yêu mến của bạn bè, du khách trong nước và quốc tế. Năm 2024, ngành du lịch tỉnh Khánh Hòa phấn đấu đón 9 triệu lượt du khách, doanh thu 40 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, những sự kiện như lễ hội tôm hùm "treo đầu dê, bán thịt chó" đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển chung của du lịch Khánh Hòa.
Mặc dù ngay sau đó, UBND TP. Cam Ranh đã có văn bản giải thích về những “lùm xùm” với lý do: “Vì là lần đầu tiên tổ chức, nên Ban tổ chức lễ hội đã gặp một số vấn để khó khăn trong quá trình triển khai các gian hàng tôm hùm tại lễ hội. Theo kế hoạch ban đầu, lễ hội có 19 gian hàng ẩm thực, trong đó dự kiến có 10 gian hàng liên quan đến tôm hùm. Vì một số khó khăn từ các đơn vị kinh doanh nên số gian hàng tôm hùm chính thức của lễ hội chỉ có 3 trong số 19 gian hàng”. Xin thưa, đây chỉ là những lý giải bao biện, không thuyết phục, càng gây bức xúc cho du khách và người dân.
Tiến sỹ Sử học nói gì về lễ hội
Việt Nam có gần 9.000 lễ hội được tổ chức trong một năm, thu hút hàng triệu người tham gia. Theo từ điển tiếng Việt, "Lễ hội là loại hình văn hóa, tâm linh, sinh hoạt cộng đồng tiêu biểu của người Việt. Lễ hội bao gồm hai phần: Lễ với nghi thức, vật tế riêng và hội với các trò chơi dân gian, các cuộc thi thố".
Vậy, hiểu theo nghĩa đúng khi tổ chức một lễ hội phải có 2 phần, tuy nhiên hiện nay nhiều tỉnh, thành phố tổ chức ngập tràn các lễ hội để lấy thành tích như: Lễ hội trái cây, lễ hội ẩm thực…
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, tiến sỹ Sử học Nguyễn Khắc Thái - nguyên giảng viên Trường Đại học Tổng hợp Huế, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Di sản văn hóa Việt Nam tỉnh Quảng Bình - cho rằng: “Lễ hội là loại hình văn hóa cộng đồng, hình thành qua quá trình lịch sử lâu dài trên cơ sở những giá trị văn hóa kết tinh từ lao động sản xuất và đời sống thường nhật của cộng đồng. Vì thế, tiêu chí số một của lễ hội là cộng đồng. Tiêu chí thứ 2 là phản ánh những giá trị của cộng đồng qua quá trình lịch sử. Tiêu chí thứ ba là có ý nghĩa văn hóa cao và tiêu chí cuối cùng là được cộng đồng bảo tồn, trao truyền. Rất tiếc, hiện nay cả 4 tiêu chí đều không được tôn trọng và không còn nguyên vẹn giá trị”.
Để giải thích lý do trên, tiến sĩ Nguyễn Khắc Thái cho hay, hiện nay thực trạng tự tạo ra các loại lễ hội không mang đủ tiêu chí nói trên, hoặc phóng đại các giá trị ảo vì mục đích lợi nhuận. Đồng thời, nhầm lẫn lễ hội với sự kiện, lấy sự kiện nâng lên thành lễ hội để trục lợi trong khi sự kiện chỉ diễn ra một lần còn lễ hội thì lặp lại theo thời gian. Ngoài ra, lồng ghép các hoạt động văn hóa không phải của lễ hội để trục lợi. Cuối cùng là sân khấu hóa lễ hội để biến lễ hội của công chúng phi lợi nhuận thành show diễn của một nhóm người có lợi ích cá nhân.
“Để ngăn chặn trình trạng trên, cơ quan chuyên trách quản lý văn hóa cần tổ chức nghiên cứu để lên danh mục lễ hội nhằm cấp phép cho lễ hội đủ tiêu chí, đảm bảo lễ hội phi lợi nhuận, trừ dịch vụ hậu cần. Không lồng ghép sự kiện chính trị, xã hội, văn hóa vào lễ hội, đặc biệt có chế tài xử phạt nghiêm khắc và minh bạch”, tiến sĩ Nguyễn Khắc Thái cho hay.