Lễ hội truyền thống đình, đền Yên Từ

Theo truyền thống, hằng năm, nhằm ngày 20 tháng 10 âm lịch, cán bộ, nhân dân thôn Yên Từ (nay là thôn Yên Bình, sáp nhập hai thôn Yên Từ và Yên Hòa), xã Mộc Bắc (thị xã Duy Tiên) lại tưng bừng mở hội làng. Đông đảo những người con quê hương Yên Bình đang sinh sống, làm việc trên mọi miền Tổ quốc lại thu xếp công việc, phấn khởi trở về tề tựu cùng nhau vui lễ hội truyền thống đình, đền Yên Từ. Đây là dịp để nhân dân địa phương tri ân công đức của tổ tiên, giáo dục truyền thống văn hóa, đạo lý 'Uống nước nhớ nguồn', nâng cao ý thức bảo vệ, giữ gìn di sản văn hóa của quê hương, đất nước.

Theo khảo sát tại di tích và nguồn tư liệu Hán nôm, đền Yên Từ thờ Nguyệt Hoa Công chúa, bà là Đệ nhị cung tần của Hùng Vương thứ 18. Chuyện kể rằng, trong một lần Công chúa Nguyệt Hoa đi chu du thiên hạ, thăm thú cảnh vật thiên nhiên cho vơi buồn phiền, khi thuyền của bà đến Yên Từ, thấy cảnh sắc nơi này phong quang, người dân phúc hậu nên bà đã quyết định lên bờ, lập hành cung và ở lại đây. Tại đây, bà đã chăm lo, dạy dân trồng dâu nuôi tằm, sống theo thuần phong mỹ tục. Nhân dân Yên Từ đã hết lòng tôn kính, ca ngợi vẻ đẹp ân đức của bà, coi bà như người mẹ hiền.

Thời gian này, nhà vua đã già yếu, không có người kế tục, Thục Phán đã thừa cơ đem quân tiến đánh nước ta. Thế giặc mạnh như vũ bão. Trước tình hình nguy cấp đó, Hùng Duệ Vương đã chiêu mộ quân sỹ để chống lại quân giặc. Nghe tin, bà Nguyệt Hoa đã tấu trình với đức vua xin được cầm quân đánh giặc và được chấp thuận. Đức vua cũng cử Trí Công đem mười vạn quân hợp với quân sỹ của bà thành một đạo quân tiến đánh quân Thục. Cùng lúc, các đạo quân khác do Tản Viên Sơn Thánh và các tướng đồng tâm hiệp lực chiến đấu, trong một thời gian đã phá tan quân Thục.

Ngày chiến thắng, bà Nguyệt Hoa còn tấu trình với vua xin miễn thuế cho dân làng Yên Từ (nay là thôn Yên Bình) và các vùng xung quanh; đồng thời, xin cho về Yên Từ sống những ngày cuối đời. Sống ở Yên Từ một thời gian thì bà ốm nặng và mất tại đây. Để ghi nhớ công đức của bà, nhân dân Yên Từ đã lập miếu thờ bà ngay tại hành cung xưa. Sau này, nhân dân đóng góp xây dựng ngôi đền bề thế để thờ phụng bà. Trải qua các triều đại phong kiến đều có sắc phong là Đức Vua Bà.

Lễ tế thánh trong ngày hội.

Lễ tế thánh trong ngày hội.

Ngoài ra, theo thần phả, ngọc phả, sắc phong, cùng các tư liệu Hán văn và truyền thuyết còn lưu lại, đình Yên Từ thờ Phổ Huệ thượng sỹ Đại vương – người đã có công giúp Vua Lý Nhân Tông đánh giặc, cứu nước, dẹp yên bờ cõi. Ngài có công lao trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước; giúp dân khai hoang mở đất, xây dựng xóm làng, giữ gìn thuần phong mỹ tục. Năm Nhâm Tý 1072, thời Vua Lý Nhân Tông, ông từ biệt dân làng lên kinh đô tìm thầy học đạo để có cơ hội giúp dân, giúp nước, đánh giặc giữ yên bờ cõi. Năm Bính Thìn 1076, ông cùng Lý Thường Kiệt đại phá quân Tống trên dòng sông Như Nguyệt. Dẹp xong giặc, Lý Thường Kiệt thấy ông có nhiều công lao bèn dâng biểu tấu lên nhà vua ban thưởng. Nhà vua đã phong cho ông làm Lễ bộ hữu thị lang. Năm 70 tuổi, ông dâng biểu xin cho về nghỉ ngơi và được chấp thuận. Ông đã về Yên Từ mở hội tại đền khao dân làng, sau hai năm ông từ biệt dân làng trở về quê cũ Hà Trung sinh sống và mất ở đó. Sau khi ông mất, tưởng nhớ công lao to lớn của ông, dân làng đã lập ban, thờ cùng Đức Vua Bà Nguyệt Hoa.

Trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tại đình, đền Yên Từ đã diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng. Đây cũng là nơi nuôi giấu cán bộ hoạt động cách mạng; địa điểm tập trung và triển khai dân quân, du kích, bộ đội địa phương chống lại những cuộc càn quét của địch, góp phần quan trọng vào công cuộc giải phóng, bảo vệ quê hương.

Trải qua hàng trăm năm, trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt và sau nhiều thăng trầm của lịch sử, Di tích Lịch sử Văn hóa cấp quốc gia đền Yên Từ bị xuống cấp đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho phép trùng tu, tôn tạo. Sau một thời gian tu bổ, công trình đã hoàn thành, đông đảo nhân dân quê hương và khách thập phương đã vui mừng phát tâm công đức.

Hằng năm, tại đình, đền Yên Từ, dân làng đều duy trì tổ chức các kỳ tế lễ, nhất là lễ hội với các hoạt động văn hóa văn nghệ, trò chơi dân gian đặc sắc gắn với tưởng nhớ, vinh danh các vị thần, những người có công với quê hương, đất nước. Mỗi khi làng mở hội, lớp lớp người con quê hương ở khắp mọi miền Tổ quốc, có người ở nước ngoài nô nức trở về sum họp. Trong ngày hội, cùng với ôn lại truyền thống lịch sử văn hóa, làng còn tổ chức giao lưu văn nghệ với các làng xung quanh. Nhớ về cội nguồn, những bậc cao niên đóng bộ chỉnh tề, kính cẩn dâng đồ tế lễ theo nghi thức truyền thống. Vui hội, không kể già, trẻ, trai, gái, những người con quê hương Yên Từ, các làng xung quanh của xã Mộc Bắc, xã Mộc Nam và một số địa phương lân cận cùng cất cao lời ca, tiếng hát ca ngợi truyền thống lịch sử văn hóa; ca ngợi Đảng, Bác Hồ và quê hương, đất nước.

Giã hội rồi, người đi, người ở lại nhưng đều nhớ tới lời hẹn ngày trở về trong niềm vui cội nguồn muôn thuở!

Trần Quyết

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/van-hoa/le-hoi/le-hoi-truyen-thong-dinh-den-yen-tu-142643.html