Lễ hội và những câu chuyện sinh hoạt văn hóa, tâm linh
Xứ Thanh, miền đất của danh lam thắng cảnh, của các lễ hội truyền thống phong phú, đa dạng từ miền núi, đồng bằng, ven biển. Mỗi địa phương, mỗi vùng miền mang trong mình nét văn hóa, tập tục riêng được hình thành trong đời sống, sinh hoạt của người dân. Và trong đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi xứ Thanh, lễ hội gắn với các di tích lịch sử, danh thắng đóng vai trò quan trọng, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần, văn hóa, tâm linh. Vào mỗi dịp tết đến, xuân về, được hòa mình vào dòng người vui hội để rồi thấy tâm hồn nhẹ nhàng, phấn chấn, ước nguyện năm mới người người, nhà nhà an khang thịnh vượng.
Bao đời nay, người dân làng Lương Ngọc, xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy vẫn giữ gìn lễ hội khai hạ, nét văn hóa truyền thống vào mỗi dịp tết đến, xuân về. Lễ hội khai hạ làng Lương Ngọc diễn ra vào đầu tháng Giêng hàng năm gắn với suối cá thần như một món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân nơi đây và cũng chính điều này thu hút đông đảo du khách thập phương về dự hội, tham quan, vãn cảnh, chiêm ngưỡng đàn cá quý. Năm nay, lễ hội khai hạ suối cá thần làng Lương Ngọc, xã Cẩm Lương diễn ra vào ngày 7 và 8 tháng Giêng. Lễ hội gắn với suối cá thần và truyền thuyết dựng bản, lập Mường. Việc tổ chức lễ hội nhằm tưởng nhớ vị thần đã cứu dân làng khỏi hiểm họa, ban cho dòng suối mát, dân có nguồn nước trong sạch để sinh hoạt, mùa màng tươi tốt. Lễ hội được mở đầu với phần rước thần rắn, thần cá từ suối Ngọc nằm dưới chân núi Trường Sinh về nhà văn hóa của làng để báo công với thành hoàng làng về một năm lao động sản xuất của người dân địa phương và những ước nguyện của năm mới. Sau đó, thần rắn, thần cá được đưa về đền thờ Thủy Phủ Long Vương ngay dưới chân núi Trường Sinh để cúng tế.
Cụ Bùi Văn Kế, 82 tuổi, là một trong các vị cao niên của làng Lương Ngọc được tín nhiệm sắp xếp, dâng đồ lễ tại đền thờ Thủy Phủ Long Vương (nơi thờ thần rắn, thần cá). Từ sáng sớm, người dân trong làng đã thành kính chuẩn bị lễ vật để dâng lên các ngài, trong đó không thể thiếu xôi, gà và cá chép nướng hoặc rán. Điều đặc biệt, khi cử hành rước kiệu thần rắn, các mâm cỗ được những người phụ nữ dân tộc Mường khỏe mạnh nâng cùng đoàn người rước kiệu. Khi kiệu ngài về đền thì các mâm cỗ cũng được sắp xếp theo thứ tự và tổ chức lễ tế. Người dân nơi đây tin rằng, sự thành tâm, chu đáo với thần linh thì sẽ được thần linh che chở, phù hộ, người dân khỏe mạnh, mùa màng bội thu.
Những ngày đâu xuân mới, bà con dân tộc Thái, thôn Mó 1, xã Cán Khê, huyện Như Thanh tổ chức lễ hội Sết Boóc Mạy. Lễ hội tái hiện một phần đời sống sinh hoạt cộng đồng của người Thái từ thời khai thiên lập mó đến nay thông qua những làn điệu dân ca giao duyên, những âm thanh vang vọng khắp núi rừng của trống, cồng chiêng, tiếng khua luống, tiếng bòm bu hòa quyện. Đặc sắc hơn nữa là đồng bào dân tộc Thái từ thời xa xưa đã tự tạo cho mình một niềm tin hướng thiện và họ luôn coi trọng biểu tượng “Sết Boóc Mạy”. Boóc Mạy là cây hoa tượng trưng cho đất, trời thiên nhiên kỳ vĩ, bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, muôn hoa, muôn vẻ, vạn vật đều sinh sôi nảy nở, đơm hoa kết trái, cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu thần linh che chở, cầu thần phù hộ tạo phúc cho dân, mọi người đều bình an, khỏe mạnh để lạc quan tin tưởng vào tương lai tươi sáng.
“Sết Boóc Mạy” có hai trường phái khác nhau đó là “Mo Mùn” và “Mo Mương”. Nhưng dù trường phái nào thì lễ hội Sết Boóc Mạy cũng là dịp để đồng bào dân tộc Thái vừa bày tỏ những khát vọng, những ước mơ về cuộc sống yên bình, xua đi những nhọc nhằn vất vả lo toan, vừa thể hiện tính nhân văn sâu sắc giáo dục, hướng thiện con người biết thương yêu đùm bọc lẫn nhau, biết trân trọng cội nguồn, tôn vinh đạo lý. Vào dịp tổ chức lễ hội, những nghệ nhân sẽ tái hiện nội dung như múa khăn, cầu mưa, đi cấy, đi cày, bắt cá, ném còn, dệt vải, thêu thùa, khặp Thái...
Ở vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số xứ Thanh, lễ hội truyền thống dịp đầu xuân là món quà tinh thần không thể thiếu đối với người dân và cũng là điểm thu hút du khách thập phương đến với địa phương. Nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc được giữ gìn như lễ hội Mường Đòn, xã Thành Mỹ (Thạch Thành), lễ hội Mường Đủ, xã Thạch Bình (Thạch Thành), lễ hội Mường Ca Da (Quan Hóa), lễ hội Mường Xia (Quan Sơn), lễ hội Phủ Na (Như Thanh)… Mỗi địa phương, mỗi dân tộc đều mang trong mình lễ hội gắn với sinh hoạt tín ngưỡng riêng và cùng có điểm chung chính là thông qua lễ hội, người dân gửi gắm ước nguyện năm mới khỏe mạnh, bình an, là tấm lòng thành kính đối với tổ tiên, những bậc thánh, thần, những người có công khai ấp, lập bản, cho Nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Bởi vậy, lễ hội truyền thống như mạch nguồn văn hóa, mãi chảy trong đời sống sinh hoạt, văn hóa tinh thần, tâm linh không thể thiếu trong những ngày xuân.