Lễ hội văn hóa dân gian trong đời sống đương đại 2019: Không gian đa sắc màu
Lễ hội văn hóa dân gian trong đời sống đương đại 2019, diễn ra trung tuần tháng 11, tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, nhằm tôn vinh, quảng bá những giá trị di sản văn hóa, tăng cường cơ hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm gìn giữ, bảo vệ di sản. Sự kiện hứa hẹn mang đến một không gian đa sắc màu, làm phong phú thêm các hoạt động văn hóa ở Thủ đô.
“Con đĩ đánh bồng” (làng Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) là điệu múa cổ sẽ được giới thiệu trong Lễ hội văn hóa dân gian trong đời sống đương đại 2019.
Sức hấp dẫn của di sản
Nghệ nhân Triệu Đình Hồng (làng Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) không giấu được sự phấn khởi, hồi hộp trước cơ hội giới thiệu vốn văn hóa cổ truyền của quê hương tại Lễ hội văn hóa dân gian trong đời sống đương đại 2019.
Ông Triệu Đình Hồng chia sẻ: "Múa bồng, hay còn gọi là Con đĩ đánh bồng là điệu múa cổ, gặp không ít khó khăn, thách thức trong gìn giữ, trao truyền. Chính quyền và nhân dân địa phương luôn quan tâm, ủng hộ nên “ngọn lửa” di sản vẫn “sáng” bền bỉ. Lễ hội này là dịp để chúng tôi chứng minh sức hấp dẫn của di sản, qua đó khơi dậy ý thức, trách nhiệm đối với việc bảo vệ, gìn giữ di sản trong đời sống hiện đại".
Là một trong nhiều đơn vị tham gia lễ hội, Vụn Art cũng mang tới câu chuyện ứng dụng sản phẩm truyền thống trong đời sống đương đại đầy thuyết phục, đó là các bức tranh đa sắc màu được làm từ những mảnh lụa vụn của làng nghề Vạn Phúc (quận Hà Đông).
Theo Giám đốc Hợp tác xã Vụn Art Lê Việt Cường, với mục tiêu tạo dựng một nơi gắn bó, tạo thu nhập cho nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội, Vụn Art dần trở thành không gian sáng tạo hấp dẫn đông đảo du khách trong và ngoài nước tới tham quan, trải nghiệm.
Gìn giữ, phát huy giá trị
Một hoạt động quảng bá văn hóa truyền thống tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận.
Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, Thăng Long - Hà Nội luôn là nơi hội tụ, kết tinh và lan tỏa những giá trị truyền thống tốt đẹp nhất của dân tộc. Những giá trị ấy hiển hiện qua hệ thống di sản văn hóa đồ sộ với 5.922 di tích lịch sử - văn hóa, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có hàng trăm ngành nghề thủ công truyền thống, lễ hội… cùng nhiều bộ môn nghệ thuật dân gian. Bằng tình yêu và trách nhiệm, các thế hệ người Hà Nội không ngừng nỗ lực bảo vệ, trao truyền, góp phần mang đến sức sống bền bỉ, mãnh liệt cho di sản.
Với mục đích tôn vinh, quảng bá những giá trị di sản văn hóa, tăng cường cơ hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm gìn giữ, bảo vệ di sản, Lễ hội văn hóa dân gian trong đời sống đương đại 2019 do UBND thành phố Hà Nội tổ chức, dự kiến diễn ra từ ngày 15 đến 17-11, tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận.
Đây là dịp để những người yêu Thủ đô thưởng thức, trải nghiệm những giá trị di sản văn hóa là đại diện tiêu biểu nhất cho sức sống của di sản trên đất Thăng Long, tập trung ở các mảng: Nghề thủ công mỹ nghệ, tranh dân gian và nghệ thuật trình diễn.
Phó Trưởng phòng Quản lý di sản, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Bùi Thị Hương Thủy cho biết, đây là lần đầu tiên Hà Nội tổ chức Lễ hội văn hóa dân gian trong đời sống đương đại. Lễ hội nhằm tái hiện không gian văn hóa truyền thống với sự hiện diện của gần 20 gian trưng bày sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ các làng nghề, như: Mây, tre đan Phú Vinh, sơn mài Hạ Thái, lụa Vạn Phúc, gốm Bát Tràng…
Tại lễ hội này, du khách còn được trải nghiệm không gian mỹ thuật dân gian, tìm hiểu về giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật cùng nỗ lực bảo tồn, phục hồi các dòng tranh: Hàng Trống, Kim Hoàng…; sự tiếp nối truyền thống của những dòng tranh mới như tranh ghép lụa, tranh ghép gốm sứ, tranh thêu tay…
“Lễ hội cũng không thể thiếu không gian thưởng thức nghệ thuật trình diễn dân gian, với các loại hình di sản văn hóa phi vật thể như: Ca trù, hát xẩm, múa bồng, chèo tàu, trống quân… Đây chính là suối nguồn nuôi dưỡng tâm hồn, tình cảm, tài hoa của biết bao thế hệ người dân Hà Nội”, bà Bùi Thị Hương Thủy cho biết thêm.
Háo hức trước sự kiện văn hóa đầy ý nghĩa sắp được tổ chức, ông Ngô Mạnh Chiến (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) cho biết ông sẽ không bỏ lỡ cơ hội trải nghiệm cũng như tìm hiểu kinh nghiệm gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa của các cộng đồng.
Còn Ngô Thùy Dung, sinh viên Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội chia sẻ: "Em rất thích các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, thích trải nghiệm các hoạt động trình diễn nghệ thuật dân gian. Em mong lễ hội sẽ mang đến những khoảnh khắc trải nghiệm thật ý nghĩa để các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ hiểu và yêu truyền thống văn hóa dân tộc hơn".
Về vấn đề này, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động cho rằng, Lễ hội văn hóa dân gian trong đời sống đương đại 2019 là dịp tôn vinh, quảng bá những giá trị lịch sử, tri thức sâu sắc và phong phú, sự đa dạng và đậm tính nhân văn… của vùng địa linh nhân kiệt Thăng Long - Hà Nội. Ngành Văn hóa Thủ đô kỳ vọng, từ những sự kiện ý nghĩa như vậy, người dân Hà Nội tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh trên nền tảng hiểu biết sâu sắc về lịch sử, văn hóa của thành phố, để mỗi người dân là một sứ giả quảng bá hình ảnh văn hóa, con người Hà Nội tới bạn bè năm châu.