Lễ hội vào mùa
Một năm có bốn mùa. Mỗi mùa lại có sắc thái riêng. Trong tâm niệm người Việt - mùa Xuân, mùa để vạn vật sinh sôi, mùa cho nông dân xuống hạt, đó cũng là những ngày nhiều vùng quê tưng bừng các hoạt động lễ hội. Ngày hội kéo dài đến hết mùa xuân. Tưng bừng, phấn chấn với trống hội. Làng trên, xóm dưới thi thể thao, văn nghệ làm không khí lễ hội thêm rộn ràng.
Với Thái Nguyên, trung tâm các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc, nơi hội tụ của cư dân nhiều tỉnh trên cả nước, sự pha trộn, đan cài giữa các dân tộc, giữa các vùng miền đã tạo nên nét đẹp văn hóa độc đáo, đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống của lễ hội mùa xuân. Theo số liệu tổng hợp của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 80 lễ hội được tổ chức vào mùa xuân. Hầu hết các lễ hội trên địa bàn tỉnh đều mang nội dung sinh hoạt lễ hội phong phú, gắn với truyền thống và được tổ chức đúng theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao - Du lịch và của tỉnh.
Lễ hội mùa xuân thường khai cuộc từ rất sớm. Trước Tết Nguyên đán cả tháng, các địa phương có lễ hội đã chuẩn bị những điều kiện cần thiết, như việc tìm chọn tre dựng cây nêu, làm quả còn, chuẩn bị mâm lễ và những vật dụng liên quan đến lễ hội. Từ Giao thừa, thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới, tại các di tích lịch sử, đền, đình, chùa đã ấm khói hương cầu mong một năm mới an lành, thịnh vượng, sau mới đến chính lễ. Các lễ hội có quy mô nhiều nhân dân, du khách tham gia; đồng thời được tổ chức sớm và thành thông lệ được ấn định vào các ngày cụ thể, như: Lễ hội xuống đồng (T.X Phổ Yên) tổ chức vào ngày 3 Tết Nguyên đán; Lễ hội đình, đền, chùa Cầu Muối (Phú Bình); Lễ hội núi Văn, núi Võ (Đại Từ) được khai hội chính vào ngày 4 Tết Nguyên đán; Lễ hội đền Đuổm (Phú Lương) tổ chức vào ngày 6 Tết Nguyên đán…
Lễ hội xuống đồng được “trình diễn” bằng máy móc, thể hiện cơ giới hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Nhân đó quảng bá về sự đi lên, hội nhập của Phổ Yên, một vùng đất thuần nông từ bùn đất vươn vai trở thành thị xã công nghiệp trẻ. Đến Cụm di tích lịch sử - văn hóa đình - đền - chùa Cầu Muối (Phú Bình), chúng tôi được chứng kiến không khí lễ hội tưng bừng, phấn chấn, với hàng vạn lượt nhân dân, du khách tham gia. Tuy đông người, nhưng lễ hội không xảy ra tình trạng lộn xộn; giao thông không ùn tắc; tình trạng rắc gạo, muối bừa bãi ở khu vực lễ hội không còn xảy ra như ít năm trước đây.
Dưới chân núi Đuổm có đền Đuổm, thờ Tướng Dương Tự Minh. Đền Đuổm là di tích văn hóa cấp quốc gia. Lễ hội đền Đuổm là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Kể từ điểm canh sang Giao thừa, nhân dân địa phương đã đến thực hành các nghi lễ tín ngưỡng dân gian. Nhưng chính quyền nhân dân địa phương long trọng khai lễ hội vào sáng ngày 6 Tết Nguyên đán hằng năm. Phần lễ được phục dựng theo nghi thức truyền thống với lễ rước đất, rước nước, dựng cây nêu, rước lễ vật vào đền. Phần hội có thi giã bánh dày, thi sao chè, thi trưng bày trang trí mâm lễ cúng tiến Đức Thánh Đuổm, trình diễn trang phục truyền thống, thi kéo co, đẩy gậy, tung còn. Tiếp đến có Lễ hội Lồng Tồng ATK Định Hóa diễn ra trong hai ngày 9 và 10 tháng Giêng âm lịch, với nhiều hoạt động như Lễ cầu mùa của dân tộc Tày và dân tộc Sán Chay; Lễ cầu phúc của đồng bào Dao; các hoạt động tung còn, kéo co, bắn nỏ, đẩy gậy, giao lưu thể thao, biểu diễn dân ca dân tộc... mang đậm nét văn hóa dân gian đặc sắc của nhân nhân dân các dân tộc Thái Nguyên.
Để mùa lễ hội diễn ra an toàn, đúng thuần phong mỹ tục, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân, Thanh tra Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã và sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng Nhà nước, tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành đến một số lễ hội có nhiều nhân dân, du khách tham gia, trong trường hợp tại lễ hội xuất hiện hiện tượng phản cảm, sai quy định, trái với thuần phong mỹ tục truyền thống dân tộc sẽ được nhắc nhở, xử lý ngay. Đặc biệt, Sở đã quán triệt với các Ban Tổ chức lễ hội kiên quyết xử lý, dẹp bỏ các hiện tượng lợi dụng lễ hội để tổ chức một số trò chơi mang tính cờ bạc, bốc lá sổ tử vi, mê tín dị đoan và đảm bảo không gian dịch vụ thương mại, âm thanh quảng cáo bán hàng không lấn át không gian thiêng của lễ hội.
Qua tìm hiểu chúng tôi còn được biết: Các địa phương có lễ hội đã chủ động tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra công tác quản lý, tổ chức lễ hội trên địa bàn, đảm bảo các hoạt động lễ hội diễn ra an toàn, trang trọng, không để xảy ra các hoạt động có nội dung mang tính bạo lực, phản cảm, trái thuần phong mỹ tục. Đặc biệt là việc tổ chức lực lượng tham gia phục vụ lễ hội, như an ninh trật tự; phòng chống cháy, nổ; đảm bảo vệ sinh môi trường; an toàn vệ sinh thực phẩm; bố trí điểm y tế, phục vụ cấp cứu; bố trí bãi trông giữ phương tiện giao thông; phân luồng, phân tuyến giao thông tránh ách tắc cục bộ.
Lễ hội 2020 còn mang ý nghĩa nhắc nhở mọi người từ bỏ nếp nghĩ “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”; đồng thời mang ý nghĩa khuyến khích mọi người dân tham gia Cuộc vận động: “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Bà Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết: Mùa Lễ hội mới bắt đầu, song hầu hết các hoạt động lễ hội được tổ chức đúng quy định của Nhà nước, bảo đảm an toàn, tiết kiệm, lành mạnh, văn minh, đúng nghi lễ truyền thống, phù hợp với phong tục tập quán của từng dân tộc, vùng, miền thông qua đó tuyên truyền, giới thiệu về công đức của các bậc tiền nhân có công với đất nước, với dân tộc; giá trị kiến trúc, nghệ thuật của di tích, truyền thống lịch sử của các lễ hội, khơi dậy nét đẹp văn hóa, phát huy tinh thần yêu nước của các tầng lớp nhân dân, khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời góp phần tích cực trong việc bảo tồn di sản văn hóa, đưa văn hóa và du lịch gắn kết với nhau phát triển theo hướng bền vững.
Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/xa-hoi/le-hoi-vao-mua-268757-85.html