Lễ khai mạc Olympic Paris 2024: Nghệ thuật gây tranh cãi

Lễ khai mạc Thế vận hội Paris 2024 vừa mới diễn ra trong sự chờ đón của người hâm mộ. Nhưng không ai ngờ, nó là một trong những lễ khai mạc gây tranh cãi nhất lịch sử của sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh này.

Lễ khai mạc Thế vận hội Paris 2024 vừa mới diễn ra trong sự chờ đón của người hâm mộ. Kể từ Olympic Tokyo 2020 diễn ra nhanh chóng và thiếu hoành tráng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, người ta đã mong chờ lần khai mạc này những gì đẹp nhất, lãng mạn nhất và hùng hồn nhất như những tính từ thường dùng để miêu tả “kinh đô ánh sáng”. Nhưng không ai ngờ, không chỉ sở hữu những miêu tả ấy, mà nó còn là một trong những lễ khai mạc gây tranh cãi nhất lịch sử của sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh này.

Khung cảnh bên ngoài phần trình diễn của Gojira tại nơi Nữ hoàng Marie Antoinette đã bị giam lỏng. Ảnh Olympic Paris.

Khung cảnh bên ngoài phần trình diễn của Gojira tại nơi Nữ hoàng Marie Antoinette đã bị giam lỏng. Ảnh Olympic Paris.

Tranh cãi vì nó mới mẻ và được cho là “không tưởng” trong bất cứ trí tưởng tượng nào. Từ trước đến nay, trong khi những nước đăng cai luôn muốn mang đến những gì là tinh túy nhất của quê hương mình để kết hợp cùng tinh thần thể thao sôi nổi, thì những gì ta thấy tại sự kiện này lại hoàn toàn khác.

Chẳng hạn, Olympic Bắc Kinh 2008 đã gây choáng váng bởi sự hoành tráng khi tổng đạo diễn Trương Nghệ Mưu quyết định “viết lại” lịch sử Trung Hoa bằng số lượng khổng lồ người tham gia với công nghệ 3D mapping cũng như các hiệu ứng sắp đặt ấn tượng. Olympic Athens 2004 cũng tương tự thế, với quang cảnh tái hiện những vị thần trên đỉnh Olympus huyền diệu. Nhưng Olympic Paris thì không như thế, khi các nhà tổ chức đang muốn hủy bỏ những concept cũ, đi vào lối mòn, từ đó mở ra những chương mới mẻ nhằm giới thiệu đời sống nghệ thuật phong phú của quốc gia châu Âu này.

Điều đó thể hiện ở việc giám đốc nghệ thuật được chọn là nhà sản xuất Thomas Jolly, người nổi tiếng với các vở kịch khiến giới chuyên môn và cả khán giả phải há hốc mồm theo phong cách tiên phong và thể nghiệm avant-garde. Chẳng hạn, trong vở kịch được trình diễn tại Liên hoan Avignon năm 2014, ông đã dựng nên “vở kịch marathon” kéo dài đến 18 giờ về Vua Henry VI trong thể loại âm nhạc RocknRoll. Điều đó lý giải cho việc Jolly được trao giải thưởng kịch nghệ Molìere danh giá ngay từ rất trẻ bởi nhãn quan độc đáo và khác biệt. Khi được bổ nhiệm làm giám đốc nghệ thuật của lễ khai mạc và bế mạc năm nay, ban tổ chức Olympic đã gọi Jolly là “một lựa chọn táo bạo, phù hợp với tầm nhìn của chúng tôi”.

Và nó đã hiển hình hóa một cách nhanh chóng bằng những cái nhất của đêm khai mạc này. Đầu tiên, nó là lễ khai mạc đầu tiên trong lịch sử của Thế vận hội diễn ra bên ngoài sân vận động, mà cụ thể là trên sông Seine huyền thoại. Thay vì tập trung vào một nhà hát có sức chứa giới hạn, các khán giả và nghệ sĩ tham gia đã được hòa mình vào không gian ngoài trời bên dòng sông nổi tiếng với cả thế giới nhưng đối với họ là một con sông không mấy hào nhoáng. Cũng vì lẽ đó, việc chính phủ tiến hành nạo vét, làm sạch sông Seine để có thể diễn ra các môn bơi lội và ba môn phối hợp với chi phí khổng lồ đã dẫn đến sự phản đối trong dân chúng vì nhìn thấy trước sự quá tải du lịch cũng như khoản thuế có thể phải gánh vì sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh nhiều khả năng tiêu tốn nhiều hơn nó thu lại được.

Thứ hai, nó cũng là buổi khai mạc gây tranh cãi nhất trong lịch sử Thế vận hội. Cơn bão phẫn nộ bắt đầu từ phân cảnh mà Jolly và các nghệ sĩ LGBTQ+ được cho là đã nhại lại bức tranh “Bữa tiệc ly” nổi tiếng của Leonardo de Vinci. Theo đó, đây là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất và được đánh giá cao nhất của vị danh họa, được các tín đồ Thiên Chúa giáo coi là thiêng liêng khi miêu tả Chúa Jesus và các tông đồ dùng bữa ăn cuối cùng trước khi lên đồi Golgotha. Tại đây, quan điểm thẩm mỹ ở thế kỷ 15, 16 khi bức tranh ra đời đã đối chọi với lời buộc tội cách tân nghệ thuật thế kỷ 21, khi mong muốn tôn vinh sự đa dạng của Jolly được thể hiện qua văn hóa drag queen, body painting cùng các nghệ sĩ ở nhiều ngoại hình đã không đạt được hiệu ứng mong muốn.

Không dừng ở đó, những phần trình diễn khác như khi ban nhạc Gojira trình diễn bản thánh ca nổi tiếng “Ah! Ca Ira” bằng phong cách heavy metal và việc tái hiện hình tượng Nữ hoàng Marie Antoinette bị chặt đầu trong Cách mạng Pháp tại tòa Conciergerie - nơi bà bị giam trước khi hành hình - cũng khiến khán giả rùng mình.

Tại đây, những diễn viên trong các trang phục thiết kế đặc biệt đã một tay ôm chiếc đầu rơi, trong khi phần cổ bị cắt cụt cùng chất rock chát chúa gợi nhớ đến sự kiện lịch sử không thể nào quên. Đây tuy đánh dấu lần đầu tiên một ban nhạc heavy metal xuất hiện ở Thế vận hội, nhưng chất nhạc này cũng bị cho là không phù hợp với bài Thánh ca truyền thống.

Ngoài ra, việc nữ ca sĩ Pháp gốc Mali Aya Nakamura trình diễn trước Viện Hàn lâm Pháp cũng thách thức những ý tưởng về phân biệt chủng tộc và gợi nhắc đến làn sóng di dân, khi ngôn ngữ cô dùng đậm tính địa phương giờ được đặt trước một trong những cơ quan văn hóa quan trọng bậc nhất của đất nước này.

Nhìn nhận một cách khách quan, có thể thấy những gì Thomas Jolly thực hiện đã bám rất sát những vấn đề của nước Pháp hiện nay về sự phong phú, đa dạng và những biến chuyển của dòng chảy nghệ thuật. Vị giám đốc nghệ thuật trẻ tuổi đã “phá bỏ” những biên giới nghệ thuật truyền thống mà các quốc gia khác đã làm, thế giới đã quen để mang đến những thể nghiệm tiên phong và ấn tượng.

Lễ khai mạc này gây tranh cãi vì sự mới mẻ của nó, nhưng để phân định ai đúng ai sai sẽ là rất khó và là bất khả, bởi quan điểm về duy trì hay lật ngược, giữ nguyên truyền thống hay không ngừng phát triển đi lên... với các câu chuyện lịch sử, văn hóa luôn không rạch ròi. Có thể nói độ lùi thời gian sẽ cho ta thấy được kết quả này, nhưng ít nhất thì Olympic Paris 2024 đã không giống ai và còn ghi dấu sâu đậm trong dòng lịch sử khi được nhắc đến.

Celine Dion tỏa sáng rực rỡ trong lần quay lại Tháp Eiffel. Ảnh Olympic Paris.

Celine Dion tỏa sáng rực rỡ trong lần quay lại Tháp Eiffel. Ảnh Olympic Paris.

Bên cạnh sự mới mẻ về mặt nghệ thuật, thì kỳ tổ chức này cũng làm rất tốt trong việc thể hiện tinh thần mạnh mẽ và không từ bỏ đậm nét thể thao, mà người giành “huy chương vàng” sớm nhất lại rất đặc biệt, khi đó là nữ danh ca Celine Dion. Trong bộ váy trắng lấp lánh cùng người bạn lâu năm là nhạc sĩ David Foster, nữ diva người Canada đã quay trở lại với âm nhạc trên Tháp Eiffel bằng ca khúc “L'hymne à l'amour” sau quãng thời gian chống chọi với căn bệnh người cứng khiến bà không thể hát được. Trong một sự kiện tầm cỡ, giai điệu của “huyền thoại nước Pháp” Edith Piaf đã vang lên như để ngợi ca tình yêu, sự thống nhất và lòng tin hòa bình. Đây cũng là hình tượng đẹp nhất khép lại buổi lễ khai mạc vẫn còn gây nhiều chia rẽ.

Cùng Whitney Houston và Mariah Carey, Celine Dion được xếp vào bộ 3 diva của nhạc pop thế giới vào những năm 1990. Trong khi hai nghệ sĩ trên sớm mất giọng hát ở thời hoàng kim vì nhiều lý do, thì Celine lại là ca sĩ hiếm hoi vẫn giữ được giọng ca “oanh vàng”. Điều đó xuất phát từ tính cầu toàn và tình yêu âm nhạc say đắm, vì vậy khi mắc phải hội chứng khiến mỗi lần hát như bị bóp cổ, nữ ca sĩ đã đầy đau đớn và tuyệt vọng.

Trong bộ phim tài liệu “I am: Celine Dion” đứng đầu bảng xếp hạng được phát nhiều nhất ở 48 quốc gia ngay khi ra mắt, khán giả đã được chứng kiến 2 năm khó khăn và đầy biến động của nữ ca sĩ. Chẳng hạn ở đoạn mở đầu, khán giả đã bị sốc khi nữ ca sĩ bất động trên băng ca còn nhân viên xung quanh phải gọi 911 để có thể cấp cứu nhanh nhất. Cao trào xuất hiện ở giữa bộ phim khi cô đang làm trị liệu thì lên cơn co thắt, co cứng người lại, gần như bất động, đầm đìa nước mắt...

Nhưng ở đó ta cũng nhìn thấy nữ ca sĩ luôn không ngừng lại, khi trong thời gian rời xa ánh đèn sân khấu, cô vẫn hoạt động tích cực cho bộ phim “Love Again” ra mắt vào năm 2023 do cô sản xuất và đóng vai nhỏ, cũng như thu âm, ghi hình... cho các phim tài liệu của chính bản thân và những người khác. Chính sự hoạt động không ngừng nghỉ ấy dẫn đến khi đứng trên Tháp Eiffel như sự quay lại sau nhiều năm trường vắng bóng, Celine Dion đã là hình tượng của sự không bỏ cuộc. “L'hymne à l'amour” được Piaf viết gửi đến người tình qua đời của mình, và với Celine, cô cũng có một người như thế, khi vị hôn phu René Angélil qua đời chỉ vài năm trước. Hát bằng tất cả tình yêu và những gì bản thân đã phải kinh qua trong thời gian này, có thể nói đây là màn trình diễn lộng lẫy và đầy ý nghĩa cho sự kiện này.

Trở thành nữ ca sĩ thứ 2 trong lịch sử Thế vận hội được trình diễn 2 lần, nhưng có thể tin đây là dấu mốc chói lọi trong sự nghiệp của Celine Dion, qua đó cho thấy tình yêu, sức mạnh và tinh thần hoạt động bền bỉ của một siêu sao. Và ở khía cạnh nào đó, sự thượng tôn tinh thần thể thao cũng được cất lên qua phần trình diễn, từ đó gửi gắm thông điệp hùng hồn nhất về sự đoàn kết sau những tranh cãi vẫn đang còn đó về khía cạnh sáng tạo và thể nghiệm tại vùng đất của những bậc thầy nghệ thuật.

Đoàn Tuấn Anh

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/le-khai-mac-olympic-paris-2024-nghe-thuat-gay-tranh-cai--i739988/