Lễ khai mạc và tiêu chuẩn đỉnh cao của bầu Hiển

Lễ khai mạc hoành tráng với quy mô lớn của Giải bóng đá Cảnh sát, công an khu vực ASEAN mở rộng cho thấy một phần năng lực và mong muốn tổ chức thật chuyên nghiệp, ngay cả với một giải đấu có tính phong trào, cổ vũ tinh thần thể thao và hợp tác trong một ngành.

Nó cũng đặt ra một câu hỏi: Liệu tổ chức những giải đấu chuyên nghiệp một cách chuyên nghiệp là chuyện bình thường, nhưng tổ chức một giải nghiệp dư mà lúc nào cũng như đá chuyên nghiệp là cần thiết hay lãng phí, vì đơn giản là thể thao phong trào đâu phải được tổ chức vì kiếm tiền?

Câu hỏi này đã làm giới thể thao tranh luận từ lâu, vì rất nhiều hạng mục của việc tổ chức chuyên nghiệp liên quan đến vấn đề hình thức, từ sân bãi, sự sạch sẽ của các khán đài, cho đến… lễ khai mạc.

Gần 600 học viên cảnh sát đồng diễn trống hội tại sân vận động Hàng Đẫy. Ảnh: BTC.

Gần 600 học viên cảnh sát đồng diễn trống hội tại sân vận động Hàng Đẫy. Ảnh: BTC.

Lễ khai mạc công phu vượt kỳ vọng

Hơn 1.000 người đã cùng tham gia biểu diễn, trong đó có 600 học viên của Học viện Cảnh sát nhân dân, 500 nghệ sĩ múa và ca sĩ chuyên nghiệp, cùng sự hỗ trợ của hàng trăm em nhỏ đến từ Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ SHB FC Academy. Sự kiện được trang bị hệ thống sân khấu di động hiện đại, hiệu ứng ánh sáng đặc sắc, pháo hoa rực rỡ và các công nghệ tiên tiến.

Lễ khai mạc Giải bóng đá Công an, cảnh sát các nước ASEAN mở rộng 2025 thực sự là một màn trình diễn nghệ thuật liên hoàn với các lớp lang phức tạp: Mở đầu bằng tiết mục trống hội kết hợp lân - sư - rồng với chủ đề “Khát vọng tỏa sáng”, tiếp nối bằng phần trình diễn mashup nhạc truyền thống - hiện đại, đa ngôn ngữ của nhiều nghệ sĩ. Rồi khi khán giả còn đang choáng ngợp thì cảnh đã chuyển sang màn drone bay trên không trung mang theo những lá cờ LED hình ảnh quốc kỳ các quốc gia tham gia. Giây phút chiếc cúp vô địch được giới thiệu dưới ánh sáng laser 360 độ cho thấy nó là thứ đáng được khao khát và trân trọng.

Rất hiếm khi chúng ta nhìn thấy một lễ khai mạc phức tạp và nhiều cảm xúc như thế ở một giải đấu không phải dành cho người chuyên nghiệp.

Với sự đầu tư công nghệ hiện đại như laser mapping, sân khấu di động, hiệu ứng ánh sáng 360 độ, công nghệ trình chiếu, Lễ khai mạc Giải bóng đá Công an, cảnh sát các nước ASEAN mở rộng 2025 đạt chuẩn như các sự kiện quốc tế lớn. Ảnh: BTC.

Với sự đầu tư công nghệ hiện đại như laser mapping, sân khấu di động, hiệu ứng ánh sáng 360 độ, công nghệ trình chiếu, Lễ khai mạc Giải bóng đá Công an, cảnh sát các nước ASEAN mở rộng 2025 đạt chuẩn như các sự kiện quốc tế lớn. Ảnh: BTC.

Định nghĩa của chuyên nghiệp, theo cách hiểu đơn giản nhất, là có thể dùng để kiếm tiền được. Bóng đá chuyên nghiệp là thứ phải nuôi được chính nó, nên “sản phẩm” của nó phải chỉn chu từ hình thức (các yếu tố sân bãi, phục vụ, chăm sóc y tế…) cho đến nội dung (trận đấu) là dĩ nhiên. Nhưng các giải phong trào, vốn dĩ không thể kiếm tiền, mà là đóng góp cho xã hội hóa thể thao, thì sao?

Bầu Hiển và các đơn vị thuộc sở hữu của ông như Ngân hàng SHB và T&T Group thì đã chuyên nghiệp hóa khâu tổ chức các giải phong trào họ tài trợ và đồng hành, bao gồm cả lễ khai mạc hoành tráng vừa rồi.

Các cổ động viên đã xem nhiều giải đấu từ sân 7-11 người, từ quy mô nhỏ đến tầm quốc tế, có dấu ấn của ông Hiển có lẽ đều phải tự hỏi: Nỗ lực chuyên nghiệp hóa việc tổ chức này dựa trên cơ sở nào?

Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SHB Đỗ Quang Vinh khẳng định, Tập đoàn T&T Group và Ngân hàng SHB luôn xem việc đồng hành cùng các hoạt động thể thao, văn hóa và cộng đồng là sứ mệnh của mình. Ảnh: BTC.

Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SHB Đỗ Quang Vinh khẳng định, Tập đoàn T&T Group và Ngân hàng SHB luôn xem việc đồng hành cùng các hoạt động thể thao, văn hóa và cộng đồng là sứ mệnh của mình. Ảnh: BTC.

Chuyên nghiệp hóa sân chơi nghiệp dư

Có thể giải thích đơn giản là vì… thích, cho đến khi lặp lại nhiều thành thói quen. Ngay từ khi đồng hành cùng các hoạt động phong trào, ông Hiển đã tạo ra một tiêu chuẩn chặt chẽ theo đúng những gì ông đã và đang làm với bóng đá chuyên nghiệp. Các cầu thủ nghiệp dư và bán chuyên có thể không kiếm sống trực tiếp nhờ bóng đá, nhưng họ sẽ bước vào những giải đấu ông Hiển đồng hành và cảm thấy mình được hóa thân vào vai trò của các cầu thủ chuyên nghiệp thực sự.

Quay trở lại câu hỏi ở đầu bài viết này: Liệu như thế có quá lãng phí không, vì thực ra bóng đá phong trào là để phất cao ngọn cờ, không phải dùng để kiếm tiền.

Giới thể thao đã từng tranh luận nhiều, cho đến khi một nghiên cứu của Đại học Victoria, New Zealand từ 13 năm trước kết luận rằng, hóa ra khi các yếu tố chuyên nghiệp được áp dụng vào thể thao nghiệp dư (ví dụ: Chăm sóc y tế, phân tích trận đấu, phát triển huấn luyện viên, phát hiện tài năng...), chất lượng và hiệu quả của hệ thống thể thao tăng lên rõ rệt.

Một ví dụ điển hình khác trong bóng đá về phép màu được tạo ra từ việc chuyên nghiệp hóa những giải nghiệp dư chính là hệ thống bóng đá học đường của Nhật Bản.

Họ bắt đầu chú trọng phát triển thể thao học đường và đào tạo bóng đá trẻ từ những năm 1960, đặc biệt sau khi đăng cai Thế vận hội Tokyo 1964, sự kiện đã tạo động lực lớn thúc đẩy thể thao phát triển mạnh mẽ trên toàn quốc. Từ đó, hệ thống đào tạo bóng đá và các giải đấu học đường, sinh viên được tổ chức bài bản, chuyên nghiệp, có tính cạnh tranh y như hạng đấu cao nhất của Nhật Bản dần hình thành trong suốt gần ba thập kỷ tiếp theo.

Kết quả: Chỉ sau ba thập niên, họ dự World Cup lần đầu tiên vào năm 1998. Các nhà khoa học thể thao Nhật Bản đúc kết thành công này dưới dạng một thuật ngữ: Ecological Dynamics (động lực sinh thái): Môi trường bóng đá học đường được tổ chức chuyên nghiệp tạo ra các thách thức phù hợp, các tình huống đa dạng giúp vận động viên phát triển kỹ năng linh hoạt, tư duy chiến thuật và khả năng ra quyết định nhanh. Dù đá bóng với các em không phải là một nghề, nhưng chính không khí tổ chức nghiêm túc, như chuyên nghiệp, đã tạo ra thái độ và tinh thần thi đấu đỉnh cao sau này.

Nếu ai đã xem một buổi tập của đội SHB FC, hẳn sẽ cảm thấy tinh thần nghiêm túc và sự chuyên nghiệp gần giống… Hà Nội FC. Và sự nhất quán này không chỉ hiện diện trong nội bộ, mà còn lan tỏa ra bất cứ giải đấu nào có dấu ấn của ông Hiển và các tổ chức của mình.

Bạn có thể kỳ vọng rất nhiều vào chất lượng của những giải đấu được tổ chức như thế, vì chính lễ khai mạc đôi khi sẽ thổi hồn vào tinh thần thi đấu của các cầu thủ: Họ biết rằng mình đến đây dù không phải với tư cách cầu thủ chuyên nghiệp, nhưng các tiêu chuẩn của giải đấu này là cao nhất và họ sẽ phải chiến đấu hết mình.

Trong thể thao, hết mình và đắm chìm vào màn trình diễn của mình chính là bí quyết để tạo ra những trận đấu có chất lượng ở đỉnh cao của hai từ thiêng liêng: Chuyên nghiệp.

Ban Cầm

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/le-khai-mac-va-tieu-chuan-dinh-cao-cua-bau-hien-709036.html