Lễ kỷ niệm 200 năm danh xưng Ninh Bình và 30 năm tái lập tỉnh

* Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi lẵng hoa chúc mừng

Tối 27.3, tại Quảng trường Đinh Tiên Hoàng đế, TP Ninh Bình, Tỉnh ủy, UBND, HĐND, Ủy ban MTTQ tỉnh Ninh Bình đã tổ chức Lễ kỷ niệm 200 năm danh xưng Ninh Bình và 30 năm tái lập tỉnh (1.4.1992 - 1.4.2022).

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng phát biểu tại lễ kỷ niệm

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng phát biểu tại lễ kỷ niệm

Tham dự Lễ kỷ niệm có: Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; các nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà; Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh Ninh Bình và lãnh đạo một số địa phương.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi lẵng hoa chúc mừng.

Tham dự lễ kỷ niệm có đại diện Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo tỉnh Ninh Bình và một số địa phương

Tham dự lễ kỷ niệm có đại diện Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo tỉnh Ninh Bình và một số địa phương

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, kỷ niệm 200 năm danh xưng Ninh Bình và 30 năm tái lập tỉnh là dịp để Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Ninh Bình ôn lại chặng đường vẻ vang đã qua, biến thành sức mạnh, thành hành động của mỗi tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân Ninh Bình trong chặng đường sắp tới; phấn đấu đến năm 2030, Ninh Bình trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực đồng bằng sông Hồng.

Thường trực Ban Bí thư đề nghị, Ninh Bình cần khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, đặc thù riêng có của mình, nhất là lợi thế vị trí kết nối khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ và Tây Bắc, nằm trong tứ giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Thanh Hóa để phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển hợp lý cả chiều rộng và chiều sâu, gắn với bảo vệ môi trường phát triển bền vững; chú trọng quy hoạch liên kết vùng. Huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh; xác định động lực phát triển của Ninh Bình là công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến nông sản, công nghiệp ô tô và dịch vụ, du lịch chất lượng cao. Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với chế biến sâu, gia tăng giá trị sản phẩm. Nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, xây dựng Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch quốc gia, điểm đến yêu thích của du khách cả nước và quốc tế. Thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Trước những diễn biến khó lường của đại dịch Covid-19, tỉnh cần có giải pháp phù hợp, thích ứng linh hoạt, bảo đảm an toàn sức khỏe cho nhân dân, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội.

Thường trực Ban Bí thư nêu rõ, trong phát triển kinh tế -xã hội phải hết sức quan tâm quản lý tốt tài nguyên, khoáng sản, coi trọng bảo vệ môi trường. Đó vừa là mục tiêu, vừa là nội dung cơ bản của phát triển bền vững, trên cơ sở ứng xử hài hòa với thiên nhiên, theo quy luật tự nhiên, lấy bảo vệ sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân làm mục tiêu hàng đầu. Bảo vệ môi trường hôm nay là đầu tư cho phát triển bền vững trong tương lai; không phát triển kinh tế bằng mọi giá, kiên quyết loại bỏ những dự án, hoạt động gây ô nhiễm môi trường. Chú trọng trồng và bảo vệ rừng, nhất là rừng quốc gia Cúc Phương, rừng đặc dụng, khu bảo tồn thiên nhiên, rừng phòng hộ ven biển, khu dự trữ sinh quyển. Bảo vệ môi trường sinh thái bền vững, "xanh, sạch, đẹp" là một giải pháp quan trọng không chỉ cho phát triển chung của tỉnh, mà còn phục vụ đắc lực cho phát triển du lịch.

Cùng với đó, phải hết sức chăm lo bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, lịch sử, truyền thống văn hóa cao đẹp của vùng đất Cố đô Hoa Lư nghìn năm văn hiến trong phát triển văn hóa, xây dựng con người; phát triển du lịch; khơi dậy lòng tự hào, ý chí, khát vọng vươn lên, tạo động lực tinh thần mạnh mẽ cho mỗi người con quê hương Ninh Bình trong xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. Coi trọng phát triển giáo dục - đào tạo, tập trung phát triển nguồn lực con người, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; đầu tư nhiều hơn cho khoa học - công nghệ, phục vụ đắc lực sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà; quan tâm nhiều hơn nữa cho bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tiếp tục phát huy truyền thống “uống nước, nhớ nguồn”, chăm lo thật tốt cho các gia đình chính sách, người có công. Tập trung giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình Nguyễn Thị Thu Hà phát biểu tại lễ kỷ niệm

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình Nguyễn Thị Thu Hà phát biểu tại lễ kỷ niệm

Thường trực Ban Bí thư đề nghị Ninh Bình tăng cường và tạo chuyển biến thực sự công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị theo nội dung Kết luận 21 của Ban Chấp hành Trung ương và Kế hoạch 03 của Bộ Chính trị. Qua đó, nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên; bộ máy chính quyền hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đội ngũ cán bộ, công chức liêm chính, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy theo hướng chủ động, sáng tạo, quyết liệt, dám nghĩ, dám làm, trên cơ sở thực hiện nghiêm nguyên tắc sinh hoạt đảng và quy chế làm việc. Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; coi trọng công tác tự phê bình và phê bình, phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên và hội viên các tổ chức chính trị-xã hội, trước hết là người đứng đầu; siết chặt kỷ cương, kỷ luật, đồng thời khuyến khích bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, đổi mới, sáng tạo vì lợi ích chung...

Phát huy truyền thống quê hương Cố đô Hoa Lư nghìn năm văn hiến và những thành tựu sau 30 năm tái lập tỉnh, Thường trực Ban Bí thư tin tưởng Đảng bộ, chính quyền và dân tỉnh Ninh Bình tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, khơi dậy, phát huy hào khí Cố đô, chủ động, sáng tạo, với tư duy mới, tầm nhìn mới, quyết tâm mới, xây dựng Ninh Bình phát triển bền vững, trở thành tỉnh giàu đẹp, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”.

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các đại biểu dự lễ khánh thành dự án xây dựng Âu Kim Đài

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các đại biểu dự lễ khánh thành dự án xây dựng Âu Kim Đài

+ Trước đó, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các đại biểu đã dự Lễ khởi công Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường Đông - Tây, tỉnh Ninh Bình (giai đoạn I) và Lễ khánh thành Dự án xây dựng Âu Kim Đài.

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các đại biểu dự lễ khởi công Dự án Đầu tư xây dựng đường Đông - Tây, tỉnh Ninh Bình (giai đoạn I)

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các đại biểu dự lễ khởi công Dự án Đầu tư xây dựng đường Đông - Tây, tỉnh Ninh Bình (giai đoạn I)

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Đông - Tây, tỉnh Ninh Bình (giai đoạn I) với chiều dài gần 23km, tổng mức đầu tư 1.486 tỷ đồng. Dự án được xác định là công trình trọng tâm, phải hoàn thành sớm nhất để tạo động lực, bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trước mắt và có tầm chiến lược, dài hạn. Trục giao thông này khi hoàn chỉnh sẽ đi qua 4 huyện, thành phố, kết nối cực phía Tây đến cực phía Đông của tỉnh Ninh Bình, từ vùng rừng núi huyện Nho Quan đến huyện ven biển Kim Sơn. Đây là một trong những tuyến đường có quy mô lớn nhất của tỉnh Ninh Bình, là tuyến đường kết nối trực tiếp và được quyết định ngay sau khi khởi công tuyến đường cao tốc Bắc - Nam.

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các đại biểu thăm quan dự án xây dựng Âu Kim Đài, tỉnh Ninh Bình

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các đại biểu thăm quan dự án xây dựng Âu Kim Đài, tỉnh Ninh Bình

Dự án xây dựng Âu Kim Đài thuộc danh mục các dự án cơ sở hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu tại các tỉnh Ninh Bình, Hà Tĩnh và Cần Thơ, sử dụng vốn vay của Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), với tổng mức đầu tư được phê duyệt là 543,455 tỷ đồng, trong đó vốn vay ODA của AFD là 453,053 tỷ đồng, chiếm 83,37% tổng mức đầu tư. Đây là dự án có vai trò rất quan trọng trước mắt và lâu dài đối với công tác phòng chống thiên tai, chống biến đổi khí hậu, ngăn mặn, ngăn lũ và triều dâng vào Sông Vạc; đồng thời, góp phần tăng hiệu quả của các âu thuyền đã có, tạo điều kiện phát triển giao thông đường thủy.

Tin và ảnh: Thanh Chi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/le-ky-niem-200-nam-danh-xung-ninh-binh-va-30-nam-tai-lap-tinh-2lemareivj-81465