Lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Sáng 7/11, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức Đại lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (7/11/1981/ 7/11/2021) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Đại lễ được tổ chức bằng hình thức trực tuyến.

Các đại biểu dự lễ kỷ niệm tại điểm cầu Ninh Bình.

Các đại biểu dự lễ kỷ niệm tại điểm cầu Ninh Bình.

Dự buổi lễ tại điểm cầu Trung ương có các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước CHXHCNVN; Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân Vận Trung ương; đại diện lãnh đạo các ban, bộ ngành Trung ương; đại diện các Tôn giáo.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi Lẵng hoa chúc mừng.

Về phía Giáo hội Phật Giáo Việt Nam (GHPGVN) có các vị Hòa thượng, Phó Pháp chủ cùng chư tôn đức Hội đồng Chứng minh, Hội đồng trị sự GHPGVN.

Dự tại điểm cầu Ninh Bình có các đồng chí: Trần Hồng Quảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đỗ Việt Anh, TVTU, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh; Thượng tọa Thích Thanh Tình, Ủy viên hội đồng trị sự Giáo hội phật giáo Việt Nam, Phó trưởng ban thường trực Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh. Cùng dự có đại diện HĐND tỉnh; lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh, một số sở, ban, ngành của tỉnh; các chư tôn, đức tăng ni ủy viên Ban trị sự giáo hội phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Bình.

Đại lễ có chủ đề "40 năm Giáo hội phật giáo Việt Nam: Hội nhập và phát triển cùng đất nước". Tại đại lễ, các đại biểu đã cùng ôn lại lịch sử 40 năm ngày thành lập GHPGVN. Theo đó: Cách đây 40 năm, tại chùa Quán Sứ, Thủ đô Hà Nội (Trụ sở Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày nay), Đại hội đại biểu của 9 tổ chức Giáo hội, hệ phái và tổ chức Phật giáo trong cả nước đã họp và nhất trí tuyên bố thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Trong 40 năm qua (1981 - 2021), Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh về hệ thống tổ chức từ trung ương đến các địa phương. Hệ thống giáo dục Phật giáo ngày càng phát triển. Công tác đào tạo tăng tài được quan tâm chú trọng.

Với tinh thần "Hộ quốc dân an", GHPGVN đã có nhiều hoạt động nhân đạo, từ thiện. Mỗi năm đã huy động hàng ngàn tỷ đồng tham gia trong các lĩnh vực an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, giáo dục, chăm sóc y tế đối với cộng đồng, nhất là trong giai đoạn phòng, chống dịch bệnh COVID-19 vừa qua.

Cùng với đó, Giáo hội luôn hướng dẫn tăng, ni, phật tử tu tập, thực hành đúng theo chính pháp giáo lý của Phật giáo, sống tốt đời, đẹp đạo; phát huy tinh thần yêu nước, giữ gìn truyền thống văn hóa, nêu cao tinh thần đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết các tôn giáo, xây dựng đời sống văn hóa tâm linh lành mạnh, bài trừ mê tín dị đoan, góp phần vào sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tích cực, chủ động trong hội nhập quốc tế, tăng cường hoạt động đối ngoại nhân dân, giao lưu hợp tác Phật giáo quốc tế, góp phần khẳng định Việt Nam là thành viên tích cực của Liên hợp quốc và cộng đồng thế giới, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam thân thiện, nhân hậu, nghĩa tình, và luôn yêu chuộng hòa bình.

Phát biểu tại Đại lễ kỷ niệm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc biểu dương, ghi nhận những kết quả của Giáo hội phật giáo Việt Nam qua các thời kỳ, khẳng định những đóng góp to lớn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tăng ni phật tử cả nước trong quá trình dựng nước và giữ nước.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và quyền tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, bảo đảm sinh hoạt tôn giáo đúng pháp luật, giữ gìn và phát huy những giá trị tích cực trong truyền thống dân tộc, tôn vinh những người có công với đất nước và nhân dân, không ngừng chăm lo phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện cho đồng bào có đạo và chức sắc các tôn giáo thực hiện tốt việc tu hành chân chính và làm tròn bổn phận của công dân đối với Tổ quốc.

Chủ tịch nước mong muốn và đặt nhiều niềm tin Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng tăng, ni, Phật tử cả nước sẽ tiếp tục thể hiện vai trò, uy tín của mình trong việc tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết các tôn giáo; phát huy sức mạnh của tôn giáo, của tín ngưỡng, của văn hóa để phát triển đất nước; tiếp tục là cầu nối quan trọng giữa đồng bào Phật giáo ở trong và ngoài nước trong ngôi nhà chung Giáo hội; thực hiện đoàn kết giữa đồng bào Phật giáo với đồng bào các tôn giáo khác và nhân dân cả nước, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xây dựng thế giới hòa bình, thịnh vượng. Đồng thời, tiếp tục chung tay đóng góp để xây dựng phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Chủ tịch nước cũng đề nghị các Ban, Bộ, ngành Trung ương và các cấp ủy, chính quyền địa phương cùng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn quan tâm và thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với tôn giáo. Hướng dẫn, giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi để các tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng hoạt động tuân thủ pháp luật, tạo môi trường sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo ổn định, lành mạnh trong cả nước.

Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Đồng chí Đỗ Việt Anh, TVTU, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh trao bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể, cá nhân tiêu biểu.

Tại hội nghị ở điểm cầu Ninh Bình, nhiều tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong công tác "Phụng đạo yêu nước" trên địa bàn tỉnh đã vinh dự được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh và Bằng khen của Ủy ban MTTQVN tỉnh.

Xem trên Youtube

Mai Lan - Đức Lam - Anh Tú

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/le-ky-niem-40-nam-ngay-thanh-lap-giao-hoi-phat-giao-viet/d20211107144113439.htm