Lễ kỷ niệm D-Day trở thành sự kiện ngoại giao quan trọng như thế nào?

Để đánh dấu 80 năm cuộc đổ bộ Normandy, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ chủ trì một buổi lễ quốc tế trên bãi biển Omaha vào ngày 6/6.

25 nguyên thủ quốc gia, các vị vua và hoàng hậu, đại diện của các nước, sẽ cùng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tham dự lễ tưởng niệm quốc tế tưởng nhớ hơn 150.000 binh sĩ đã đổ bộ lên bãi biển Normandy vào ngày 6/6/1944.

Lịch sử Lễ kỷ niệm D-Day

Chỉ có vài trăm người đến dự lễ kỷ niệm đầu tiên của Chiến dịch Overlord, mật danh của Trận Normandy, vào ngày 6/6/1945. Khi đó, Thế chiến thứ hai vẫn chưa kết thúc ở Thái Bình Dương nên buổi lễ chỉ giới hạn ở một phái đoàn gồm các đại sứ của Mỹ, Vương quốc Anh và Canada, cùng với các Bộ trưởng chiến tranh, hải quân và không quân Pháp, gặp nhau tại thị trấn Arromanches.

Trong những năm sau đó, và khi Normandy phục hồi sau chiến tranh, các lễ tưởng niệm hầu như chỉ dành cho quân đội và chủ yếu là của Pháp. Phó Giáo sư tại Đại học Paris Sorbonne và là chuyên gia về lịch sử quân sự đương đại Tristan Lecoq cho biết: “Những lễ kỷ niệm đó giống những sự kiện chung phổ biến hơn, với các ủy ban nhỏ được thành lập ở khắp mọi nơi”.

Vào ngày 6/6/2014, Tổng thống Pháp François Hollande, Tổng thống Mỹ Barack Obama, Nữ hoàng Elizabeth II, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Đức Angela Merkel và đại diện các nước chụp ảnh kỷ niệm tại Lễ kỷ niệm D-Day 70 năm ở Normandy. (Ảnh: AFP)

Vào ngày 6/6/2014, Tổng thống Pháp François Hollande, Tổng thống Mỹ Barack Obama, Nữ hoàng Elizabeth II, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Đức Angela Merkel và đại diện các nước chụp ảnh kỷ niệm tại Lễ kỷ niệm D-Day 70 năm ở Normandy. (Ảnh: AFP)

Đối với lễ kỷ niệm D-Day tròn 10 năm (6/6/1954), các buổi lễ mang phong cách trang trọng hơn. Tổng thống Pháp René Coty, người gốc Le Havre, đã đến thăm các tỉnh Calvados và Manche trong 2 ngày. Tại bãi biển Utah, ông tham dự cuộc duyệt binh của quân đội Đồng minh và khánh thành Bảo tàng D-Day, bảo tàng đầu tiên được xây dựng ở Normandy để kỷ niệm cuộc đổ bộ lịch sử này.

Tổng thống René Coty đặt vòng hoa trên bãi biển Normandy ở Colleville-Montgomery, ngày 6/6/1954, trong Lễ kỷ niệm 10 năm D-Day. (Ảnh: AFP)

Tổng thống René Coty đặt vòng hoa trên bãi biển Normandy ở Colleville-Montgomery, ngày 6/6/1954, trong Lễ kỷ niệm 10 năm D-Day. (Ảnh: AFP)

10 năm sau, vào năm 1964, lễ tưởng niệm lần đầu tiên được truyền hình trực tiếp trên truyền hình. Nhưng sự vắng mặt của Tổng thống Pháp Charles de Gaulle đã gây chú ý. Tổng thống De Gaulle dành sự quan tâm hơn cho lễ kỷ niệm ngày 15/8/1964 về cuộc đổ bộ của quân đội lên bờ biển Địa Trung Hải ở miền Nam nước Pháp, và để nêu bật vai trò của các đơn vị Pháp, đặc biệt là quân đội đóng tại Bắc Phi thuộc Pháp, trong Giải phóng nước Pháp.

Năm 1974, Tổng thống mới đắc cử của Pháp Valéry Giscard d'Estaing cũng không đến tham dự Lễ kỷ niệm ở 30 năm D-Day ở Normandy, mà chỉ cử Bộ trưởng Lực lượng Vũ trang Jacques Soufflet đến đại diện cho chính phủ. Năm sau, ông bãi bỏ ngày 8/5 - ngày kỷ niệm chiến thắng của quân Đồng minh năm 1945 - là ngày nghỉ lễ.

Năm 1981, vừa được bầu làm Tổng thống, ông François Mitterrand đã khôi phục lại ngày lễ 8/5.

Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và phu nhân Nancy trong chuyến thăm Pointe du Hoc, ngày 6/6/1984. (Ảnh: AP)

Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và phu nhân Nancy trong chuyến thăm Pointe du Hoc, ngày 6/6/1984. (Ảnh: AP)

Bước ngoặt thực sự của lễ kỷ niệm D-Day và tầm quan trọng của nó trong nền chính trị toàn cầu diễn ra vào năm 1984. Lần đầu tiên, Tổng thống Pháp mời 6 nguyên thủ quốc gia, trong đó có Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và Nữ hoàng Anh, tới dự một buổi lễ quốc tế tại Bãi biển Utah, với sự tham dự của hàng ngàn cựu chiến binh.

Tại Pointe du Hoc, nơi Lực lượng Biệt động Mỹ chiến đấu ác liệt với lính Đức, Tổng thống Reagan đã thăm một hầm trú ẩn cùng với vợ ông, bà Nancy, trong khi Tổng thống Mitterrand gặp Nữ hoàng Elizabeth II tại nghĩa trang Anh ở Bayeux. Đây là sự khởi đầu của những lễ kỷ niệm rất lớn khiến đây trở thành một sự kiện toàn cầu.

Năm 1994, gần cuối nhiệm kỳ thứ hai, Tổng thống Mitterrand lại chủ trì một buổi lễ quốc tế kỷ niệm 50 năm D-Day, với sự tham dự của hàng chục nguyên thủ quốc gia. Bối cảnh địa chính trị đã thay đổi hoàn toàn - 5 năm sau khi Bức tường Berlin sụp đổ và nước Đức thống nhất sau đó, Chiến tranh Lạnh đã kết thúc. Ba Lan được mời lần đầu tiên, do Tổng thống Lech Walesa đại diện tham dự lễ kỷ niệm.

Thủ tướng Đức Gerhard Schroder (trái) và Tổng thống Pháp Jacques Chirac ôm nhau trong buổi lễ Pháp-Đức kỷ niệm 60 năm cuộc đổ bộ D-Day ở Normandy, ngày 6/6/2004 tại Caen. (Ảnh: AFP)

Thủ tướng Đức Gerhard Schroder (trái) và Tổng thống Pháp Jacques Chirac ôm nhau trong buổi lễ Pháp-Đức kỷ niệm 60 năm cuộc đổ bộ D-Day ở Normandy, ngày 6/6/2004 tại Caen. (Ảnh: AFP)

Năm 2004, đến lượt Nga và Đức tham gia lễ kỷ niệm. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có mặt tại Gold Beach, cùng với Thủ tướng Đức Gerhard Schroder. Những lời cam kết hữu nghị chung giữa Thủ tướng Schroder và Tổng thống Pháp Jacques Chirac tại Bảo tàng Tưởng niệm Caen là một giai đoạn lịch sử khác. Thủ tướng Schroder tuyên bố: “Châu Âu đã học được bài học của mình và người Đức chúng tôi sẽ không trốn tránh bài học đó”, trong khi Tổng thống Pháp trả lời: “Người Pháp đón nhận các bạn hơn bao giờ hết như một người bạn. Họ đón nhận bạn như một người anh em”.

Năm 2004, khi các giá trị hòa bình và hòa giải được tôn vinh, tính chất của các nghi lễ D-Day cũng thay đổi với việc sử dụng các cảnh dàn dựng tái hiện lại Chiến dịch Overlord.

Là một phần của lễ kỷ niệm 70 năm, tác động của D-Day đối với cộng đồng địa phương đã được khơi dậy, với việc Tổng thống François Hollande đã tỏ lòng thành kính quốc gia đối với 20.000 nạn nhân dân sự của Trận Normandy. Lễ kỷ niệm năm 2014 cũng mang tính chất quốc tế rất lớn, với sự hiện diện của 24 nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu chính phủ và các quốc vương tại Bãi Sword.

Sự vắng mặt trong tương lai của cựu chiến binh

Về mặt đối nội, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang lên kế hoạch tổ chức các nghi lễ và bài phát biểu kéo dài 3 ngày ở Brittany và Normandy để kỷ niệm 80 năm D-Day.

Trong quá trình thực hiện chương trình bận rộn này, Tổng thống dự định đề cập đến mọi thứ, từ cuộc kháng chiến của Pháp và thương vong của dân thường, đến công tác hậu cần cho Chiến dịch Overlord và sự trở lại của chế độ cộng hòa ở Pháp.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sau chuyến thăm bảo tàng Arromanches D-Day nhân dịp kỷ niệm 79 năm cuộc đổ bộ Normandy, vào ngày 6/6/2023. (Ảnh: AP)

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sau chuyến thăm bảo tàng Arromanches D-Day nhân dịp kỷ niệm 79 năm cuộc đổ bộ Normandy, vào ngày 6/6/2023. (Ảnh: AP)

Lễ kỷ niệm 80 năm này cũng sẽ đánh dấu một bước ngoặt mới, có thể là lễ kỷ niệm năm chẵn thập kỷ cuối cùng mà các cựu chiến binh có mặt. Nhưng ngay cả khi những người cuối cùng tham gia cuộc đổ bộ Normandy qua đời, sự quan tâm dành cho những lễ kỷ niệm này vẫn không có dấu hiệu suy giảm.

Theo nhà sử học Peschanski, sau 8 thập kỷ, các hoạt động kỷ niệm D-Day vẫn nhận được sự nhiệt tình rất lớn của người dân. Ông Peschanki nói: “Điều này thể hiện rõ qua số lượng sáng kiến địa phương đáng kinh ngạc, đặc biệt là ở các trường học, dù ở Normandy hay trên khắp nước Pháp”. “Việc truyền lại lịch sử này cho thế hệ tiếp theo đã được tiếp thu một cách rõ ràng. Có một sự nhiệt tình thực sự và nó sẽ không thể phai nhạt”, ông nói.

Lễ kỷ niệm D-Day đã trở thành một sự kiện chính trị và ngoại giao quan trọng đối với nhiều nhà lãnh đạo thế giới, nhưng ngày 6/6 không phải lúc nào cũng được quan tâm như vậy. Phải mất vài thập kỷ, ngày tưởng nhớ lịch sử này mới có được sự theo dõi quốc tế. Nhưng dù như vậy, sự tiếp nối lịch sử này chắc chắn sẽ vẫn còn, cho dù các cựu chiến binh tham gia trận Overlord đang 'vắng mặt' dần.

Hà Mai

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/le-ky-niem-d-day-tro-thanh-su-kien-ngoai-giao-quan-trong-nhu-the-nao-434860.html