Lệ làng xưa - Quy ước nay
Hương ước, lệ làng là một loại sản phẩm văn hóa ra đời từ lâu, gắn liền với bao thăng trầm của đời sống xã hội, do cộng đồng dân cư tạo ra làm thước đo chuẩn mực, phân biệt đúng sai, phải trái, lạc hậu, văn minh, góp phần điều chỉnh các mối quan hệ trong xã hội trên tinh thần tự quản của người dân.
Tại vùng đất đa sắc màu văn hóa như Lào Cai, từ lâu, cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh đã lập ra những bản quy ước, hương ước để cùng thực hiện. Những thỏa thuận của một cộng đồng, một tộc người đã có nhiều đổi thay trong suốt tiến trình phát triển của xã hội. Từ những điều được lưu giữ trong cuốn sổ để trao truyền qua các thế hệ, sau đó là văn bản được công nhận bởi cấp có thẩm quyền, dù bằng hình thức nào thì cũng không thể phủ nhận, những thỏa thuận đó đã góp phần không nhỏ trong việc điều chỉnh các mối quan hệ xã hội, chung tay đẩy lùi hủ tục, tiến tới cuộc sống tiến bộ, văn minh.
Bát Xát là mảnh đất có đông đồng bào dân tộc thiểu số cùng sinh sống, với nhiều sắc màu văn hóa, phong tục, tập quán lâu đời. Ông Nguyễn Văn Hưng, Trưởng Phòng Tư pháp huyện Bát Xát còn nhớ, cách đây nhiều năm, trong một lần đến thôn Láo Vàng Chải, xã Tòng Sành đã được chứng kiến một đám cưới không thành trong cộng đồng người Dao. Đó là đám cưới của đôi bạn trẻ chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định. Ngay khi biết tin, ngoài việc báo cấp ủy, chính quyền địa phương, thì trưởng thôn, người có uy tín, các tổ chức đoàn thể và bà con đã cùng tham gia “giải tán” đám cưới bằng cách mời thầy cúng và người đến tham dự ra về.
Theo hương ước của cộng đồng người Dao nơi đây, gia đình nào vi phạm, cố tình để con lấy vợ, chồng khi chưa đủ tuổi theo quy định sẽ phải nộp phạt bằng hiện vật như rượu, gạo...; các hộ trong thôn không giúp đỡ, không tham dự đám cưới đó. Thực tế, không chỉ làm theo nội dung hương ước, bà con người Dao còn phát huy hơn nữa tinh thần trách nhiệm, tích cực phối hợp với chính quyền địa phương trong việc đẩy lùi hủ tục, vì một cộng đồng phát triển.
Đến thời điểm này, toàn tỉnh có 1.462 bản hương ước, quy ước được phê duyệt. Mỗi hương ước, quy ước đều mang những đặc trưng của từng cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, cùng với sự vận động của xã hội, không phải những gì thuộc về quá khứ đều là truyền thống, cũng có những nội dung không còn phù hợp. Bởi vậy, việc xây dựng quy ước, hương ước là một quá trình gạn đục khơi trong, có tính kế thừa và phát triển. Bên cạnh sự thay đổi về cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng, thực hiện quy ước và hương ước từ Bộ Tư pháp sang Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo Quyết định số 22 ngày 8/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ, thì việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện nội dung quy ước, hương ước trên địa bàn cũng có một số điều chỉnh. Điều này được thể hiện rõ ở hình thức xử lý các trường hợp vi phạm nội dung của quy ước, hương ước.
Ông Phạm Thanh Đồng, Phó trưởng Phòng Văn hóa cơ sở và Gia đình, Sở Văn hóa và Thể thao cho biết: Trước đây, việc xử phạt các trường hợp vi phạm chủ yếu là nộp phạt bằng tiền, bằng hiện vật như rượu, gạo, vật nuôi… Tuy nhiên hiện nay, hình thức này không còn nữa mà được thay thế bằng hình thức phù hợp hơn để đảm bảo các quy định, pháp luật của Nhà nước. Đó là việc bị nhắc nhở trước cộng đồng, phạt lao động công ích, không được bình xét “Gia đình văn hóa”, không được tham dự các hoạt động chung của thôn, tổ dân phố…
Để phù hợp với những biến chuyển trong đời sống, nhiều nội dung của quy ước, hương ước đã có sự điều chỉnh, nhưng vẫn đảm bảo việc người dân là chủ thể trong xây dựng, hoàn thiện và thực hiện. Như vừa qua, tổ dân phố số 4, phường Duyên Hải (thành phố Lào Cai) tổ chức họp, lấy ý kiến người dân để xây dựng dự thảo nội dung quy ước, hương ước. Trước đây, khu vực này thuộc xã Đồng Tuyển, đến tháng 3/2020 được điều chỉnh về phường Duyên Hải. Việc thay đổi đơn vị hành chính từ xã thành phường kéo theo nhiều thay đổi. Những nội dung trong xây dựng nông thôn mới như không thả rông gia súc, thu gom và xử lý rác thải tại gia đình không còn phù hợp nên người dân đã góp ý, thay thế bằng việc chung tay xây dựng đô thị văn minh.
Không ai nhớ rõ mốc thời gian cụ thể về sự ra đời của lệ làng xưa, nhưng vai trò, sự hoàn thiện chúng theo thời gian để có những bản quy ước hôm nay ở cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh cho thấy những đổi thay tích cực. Từ chốn thấp đến rẻo cao, những nội dung của bản quy ước, hương ước luôn hiện hữu trong mọi mặt cuộc sống, từ gìn giữ những cánh rừng, bảo tồn bản sắc, đến xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh, đảm bảo an ninh, trật tự. Hơn thế, đó còn là sợi dây bền chặt, gắn kết và đề cao hơn nữa trách nhiệm của cộng đồng trong việc chung tay, góp sức xây dựng quê hương ngày càng văn minh, hạnh phúc.
Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/358680-le-lang-xua--quy-uoc-nay