Lê Lựu- người quê và nhà ngoại giao văn hóa
Lê Lựu là nhà văn quân đội có nhiều tác phẩm xuất sắc viết về đề tài bộ đội, đề tài chiến đấu nhưng đồng thời cũng có nhiều tác phẩm viết về nông thôn, nông dân độc đáo. Tác phẩm đầu tay của ông là Tết làng Mụa, tiếp theo là Trong làng nhỏ, Làng Cuội... H
1. Tiểu thuyết Thời xa vắng (Nxb Hội Nhà văn, 1986) được nhà văn Lê Lựu viết khi công cuộc đổi mới đất nước vừa được bắt đầu. Ông viết như viết về mình, kể chuyện mình, nhưng là chuyện của nhiều người, chuyện của một thời - đó là cái thời nhân vật Giang Minh Sài sống không phải là mình, sống cho cái mình không có, sống chạy theo cái không phải của mình. Giang Minh Sài một kiểu người, một kiểu sống, rất riêng, rất khác với những nhân vật văn học quen thuộc trước đây. Thời xa vắng đã được đón nhận nồng nhiệt, ai đọc cũng thấy mình trong đó, làng mình xã mình, thời mình đã sống trong đó; được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1986, được chuyển thể thành phim và được giới phê bình xem là tác phẩm mở đầu cho một xu hướng của văn học đổi mới - xu hướng nhận thức lại thực tại…
Anh Sài lành hiền và tốt bụng, anh từ biệt làng quê nghèo đi bộ đội, sau chuyển ngành trở thành cán bộ, thành “người thành phố” có vợ mới cũng là người thành phố. Nhưng cái chất nông dân, cái chất nhà quê của anh ta cùng tư tưởng của một người làm thuê dường như vẫn còn nguyên vẹn, một anh nông dân vừa đáng yêu, đáng thương lại đáng giận.
Nhớ một Tết nhà văn Xuân Thiều tự Tú Hói ở tạp chí Văn nghệ Quân đội có câu đối tặng các bạn văn là Mai Ngữ và Lê Lựu in trên báo Quân đội Nhân dân thế này:
Điểm cao là Chuyện như đùa, mê Gió nóng cả Dòng sông phía trước
Ranh giới đâu Thời xa vắng, thuở Mở rừng lùi lại Phía sau anh
(Những chữ in nghiêng ở vế đầu là tên các tác phẩm của Mai Ngữ, vế sau là của Lê Lựu).
2. Lê Lựu là nhà văn quân đội có nhiều tác phẩm xuất sắc viết về đề tài bộ đội, đề tài chiến đấu nhưng đồng thời cũng có nhiều tác phẩm viết về nông thôn, nông dân độc đáo. Tác phẩm đầu tay của ông là Tết làng Mụa, tiếp theo là Trong làng nhỏ, Làng Cuội... Hết làng lại đến đồng: Người về đồng cói, Mẹ đồng bằng và sông: Sóng ở đáy sông... Tác phẩm nào viết về nông thôn, nông dân của ông cũng gây được ấn tượng, nhiều tác phẩm được dựng thành phim, những bộ phim có thể xếp hàng tiêu biểu của điện ảnh, của truyền hình Việt Nam một thời… Và Quỹ văn học Lê Lựu, Giải thưởng văn học Lê Lựu hiện nay cũng là dành cho những nhà văn những tác phẩm viết về nông dân nông thôn.
Có người đặt câu hỏi: “Bí quyết nào khiến Lê Lựu thành công ở đề tài nông thôn, nông dân?”. Một nhà phê bình văn học trả lời: “Là do Lê Lựu xuất thân nông dân. Ông là người nông dân mặc áo lính. Tuy mặc quân phục, đeo lon đến đại tá hưởng lương cấp tướng nhưng chất nông dân, nông thôn vẫn đầy mình”. Có người lại hỏi: “Nhiều nhà văn cũng xuất thân nông dân sao viết về nông thôn cứ chuội đi?”. Nhà phê bình trả lời vui: “Có lẽ do ông Lựu có món võ bí truyền, võ… nhà quê”. Nghe xong chuyện, Lê Lựu cười, ông bảo: “Nếu có món võ độc đáo ấy thật thì tôi phải cảm ơn bùn đất quê tôi, cám ơn Phủ Khoái nghèo nàn năm xưa với câu ca đã đi vào kho tàng thơ ca dân gian, câu: “Oai oái như Phủ Khoái xin tương”. Phủ Khoái là Khoái Châu, thuộc tỉnh Hưng Yên quê hương của nhà văn. Không giấu giếm bất cứ điều gì, ngay cả những suy nghĩ chất đầy nguồn cội của mình, những suy nghĩ, những thể hiện giãi bày rất chất phác, quê kiểng nhưng cũng thật hóm hỉnh, đôi lúc ranh mãnh... Với ông, nhận xét của một nhà phê bình văn học nào đó, rằng nhân vật là con đẻ của nhà văn, rằng tác phẩm là đứa con tinh thần của nhà văn đã lại thêm một lần nữa đúng.
Người ta còn nhớ giai thoại, khi tiểu thuyết Tắt đèn của nhà văn Ngô Tất Tố được dựng thành phim (1981), nhà văn Nguyễn Tuân với tư cách là “diễn viên” tham gia đóng phim có kể rằng, ông có một cô cháu đang là học sinh cấp 3 (bây giờ gọi là phổ thông trung học) nói rất nóng lòng muốn phim Tắt đèn sớm hoàn thành để đi xem. Hỏi tại sao lại nóng lòng muốn xem phim Tắt đèn? Cô bé trả lời thật giản dị: “Vì cháu muốn xem chị Dậu”.
Chuyện qua đi, tới khi đạo diễn Bạch Diệp chuẩn bị làm phim Bão biển của nhà văn Chu Văn, ông Hà Xuân Trường (bấy giờ là Tổng Thư ký Hội Điện ảnh Việt Nam) mới kể lại với tác giả Bão biển câu chuyện “muốn xem mặt Chị Dậu” của nhà văn Nguyễn Tuân. Nghe xong, nhà văn Chu Văn bảo: “Cứ gì bạn đọc muốn xem mặt nhân vật trên phim mà ngay chính tác giả kịch bản, chính các nhà văn - những người sáng tạo ra nhân vật cũng vậy.
Khác với Chu Văn, Lê Lựu bảo, ông không phải hồi hộp, cũng chẳng phải nóng lòng chờ đợi có phim có phiếc gì để được “xem” nhân vật của mình bởi ông chỉ việc “dòm” vào cái gương là… thấy luôn anh Sài – nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của ông!
3. Tôi nhớ có lần cùng ông về một trường trung học phổ thông, khi Lê Lựu vừa bước xuống xe đám học sinh đứng từ xa đã xì xào, chỉ trỏ: “Bác Lê Lựu kìa, Sài kìa!”, còn chuyện chị thủ quỹ xinh đẹp của cơ quan tôi thì tháng nào cũng phải một đôi lần: “Này có lương mới rồi đấy ông Sài ơi!”, hoặc “không lấy nhuận bút à, bác Sài!”. Tôi đã hơn một tá lần nhấc máy điện thoại cả ở nhà riêng, cả ở đơn vị, người ta gọi đến nhờ tìm, hỏi, nhắn... anh Sài.
Có người đọc những bài thơ kiểu “Thơ chân dung” của Xuân Sách đã hỏi Lê Lựu: “Bác không giận khi người ta viết: “Mở rừng, Ở phía sau anh/ Người về đồng cói lại thành nông dân/ Đánh trận con chuột bao lần/ Về nhà vợ bắt tụt quần chờ roi/ Muốn qua Ranh giới cuộc đời / Không qua nổi trở lại Thời vắng xa” ? Lê Lựu đã trả lời: “Tuổi cao, tên lớn như sư phụ Thanh Tịnh ở Văn nghệ Quân đội mà còn chỉ dám ước: Ước gì để lại mùa sau/ Một câu một chữ đượm màu dân gian, đằng này bạn bè nhớ cả tên sách, tên nhân vật của mình là ưu ái, là chiếu cố. Phải biết ơn họ chứ, sao lại giận”.
Sài trong Thời xa vắng của Lê Lựu đã dần trở thành quen thuộc với bạn đọc. Anh ta đã không ngất ngưởng như Chí Phèo (trong Chí Phèo của Nam Cao), dè dặt như Lão Khúng (trong Khách ở quê ra của Nguyễn Minh Châu) mà lầm lũi, tự tin (giống i như chiếc xe lu) đi vào văn học, đi vào cuộc sống mà còn bước thẳng lên màn bạc lớn (trong phim truyện nhựa Thời xa vắng của đạo diễn Hồ Quang Minh) và lại còn… tung tăng dạo bước trong dân gian!
4. Lê Lựu là nhà văn có chuyến đi Mỹ đầu tiên của Việt Nam (1988). Hồi đó đi nước ngoài là chuyện xa xỉ với nhiều người. Xuất ngoại đã nhiêu khê, sang nước Mỹ còn khó khăn nhiêu khê gấp bội, khó khăn về về thủ tục, về hành trình, cái gì cũng ngặt nghèo. Nhà văn gốc nông dân mặc áo lính Lê Lựu đã phải nằm ở Bangkok ba tuần chờ thủ tục visa, rồi lọ mọ một thân một mình tìm đường ở các sân bay với vốn liếng tiếng Anh chỉ là hai ba từ “nói kiểu tiếng bồi” được mách từ nhà… Vậy mà ông đã đến được nước Mỹ, lại tiếp xúc với các nhà văn cựu chiến binh Mỹ từng là kẻ thù trước đây; gặp gỡ độc giả, nói chuyện hai - ba buổi/ tuần… giúp cho những người Mỹ thêm hiểu về Việt Nam, dần cởi bỏ hận thù, nghi kỵ. Chuyến đi Mỹ của Lê Lựu hồi đó, bây giờ gọi là “ngoại giao nhân dân”. Lê Lựu bỗ bã ví von, chuyện ông sang Mỹ như chuyện ở quê ông: hai nhà có mắc mớ với nhau, nay muốn tìm cớ hòa giải, làm lành với nhau thì trước hẵng cứ xua con chó, con gà chạy qua bờ rào nhà bên xem thế nào đã…
Thành lập trung tâm Văn hóa doanh nhân là ý tưởng của nhà văn Lê Lựu. Có lần nhớ lại, khi ông đề nghị với Phó phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam Đoàn Duy Thành, ông ấy ủng hộ ngay và ngày 11/9/2002 cho ra đời Trung tâm trực thuộc Phòng mình. Nhà văn nghĩ, trong chiến tranh, trong quân đội xuất hiện đội ngũ văn nghệ quân đội đều từ những anh lính mà lên, họ nhanh chóng trở thành đội ngũ đông đảo và tài năng trong giới văn chương Việt Nam. Đất nước độc lập thống nhất lực lượng nào là nòng cốt xây dựng kinh tế? Chính là tầng lớp doanh nhân, chúng ta có hàng vạn doanh nghiệp với khoảng 20 triệu người, họ là lực lượng đang can dự đến đời sống của hàng trăm triệu người. Vậy tại sao không ra đời một đội ngũ văn nghệ để xây dựng nền tảng văn hóa cho doanh nhân? Làm giàu không phải chỉ bằng tiền mà còn bằng trí tuệ, tình cảm, văn hóa.
Người lính Lê Lựu, nhà văn Lê Lựu, anh nông dân Giang Minh Sài, nhà ngoại giao nhân dân Lê Lựu, người làm văn hóa doanh nghiệp, ba bốn nhà trong một nhà văn áo lính! Thế mới kỳ!