Lễ mừng lúa mới thể hiện bản sắc văn hóa của người Gia Rai
Lễ mừng lúa mới không chỉ thể hiện bản sắc văn hóa độc đáo của người Gia Rai, mà còn đóng vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh, tạo thành sợi dây gắn kết cộng đồng người Gia Rai trên khắp các buôn làng.
Khi cây lúa trên rẫy bắt đầu cho thu hoạch những hạt đầu tiên của mùa vụ, cũng là lúc người Gia Rai náo nức với lễ mừng lúa mới. Ngày mừng lúa mới, ngay từ sáng sớm, già làng cùng những người uy tín đã bày biện lễ vật tươm tất; thanh niên chuẩn bị rượu, thịt; phụ nữ xúng xính trong những bộ trang phục thổ cẩm truyền thống giã gạo, nổi lửa chế biến món ăn.
Nghệ nhân ưu tú tín ngưỡng dân gian Rơ Ô Bhung, xã Ia Rmok, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai, cho biết: Tùy vào điều kiện của gia đình, lễ vật có thể lớn, nhỏ khác nhau nhưng phải có 1 con lợn hoặc 1 con gà trống (nếu cúng gà thì cơm 1 bát, rượu 1 ghè), 3 ghè rượu, 3 bát cơm, 3 chén rượu, 1 cây nêu, 1 chòi lúa, 1 bó lúa còn nguyên hạt, 1 thúng lúa, 1 cái nia, 3 cái đĩa, 6 cái bát, liềm, gùi, thúng... Trong đó, 1 ghè rượu và 1 con lợn để mời hồn lúa về kho; 1 con gà và 1 ghè rượu để báo tin với tổ tiên và 1 ghè rượu, 1 con gà còn lại để báo với thần núi.
Sau khi chuẩn bị xong lễ vật, gần đến giờ lễ mừng lúa mới, thường vào khoảng 9 giờ sáng, thầy cúng nổi một hồi trống, rồi đọc lời khấn thông báo với thần linh những thành quả của năm cũ: Yang ơi kơdu, ơi kơdai, yang chứ, yang ia… cầu mong thần linh và linh hồn ông bà tổ tiên ăn cơm mới phù hộ cho dân làng được mùa bội thu, mưa thuận gió hòa; cho chủ lúa sức khỏe, cho rẫy lúa chín vàng. Cầu mong thần hãy phù hộ đưa hồn lúa về tận kho, tận chòi, tận nhà.
Lễ mừng lúa mới kết thúc, trong men say rượu cần, tiếng cồng, tiếng chiêng, cùng những làn điệu dân ca, đồng bào cùng du khách đắm say trong điệu xoong truyền thống để cùng nhau hướng tới một mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Mừng lúa mới, nghi lễ không chỉ đơn thuần là sinh hoạt tâm linh truyền thống nhằm tạ ơn trời đất cho vụ mùa bội thu, mà còn là dịp để đồng bào Gia Rai vui chơi, thắt chặt thêm tinh thần đoàn kết, góp phần giáo dục con cháu bảo tồn nét văn hóa truyền thống.