Lê Nà Pài - quả ngọt vùng cao

Sau nhiều năm bén rễ trên vùng đất Phiêng Phàng, xã Thượng Minh, giống lê VH6 (bà con gọi là lê Nà Pài) không chỉ sinh trưởng xanh tốt mà còn đơm hoa, kết trái ngọt lành. Từ một loại cây trồng du nhập, cây lê giờ đây đang mở ra hướng phát triển kinh tế hiệu quả, góp phần giúp đồng bào dân tộc Dao nơi đây từng bước vươn lên.

Niềm vui được mùa lê.

Niềm vui được mùa lê.

Giữa tháng 7, chúng tôi đến thôn Phiêng Phàng, xã Thượng Minh, đúng vào vụ thu hoạch lê. Trước mắt chúng tôi là những quả lê to, vàng óng trĩu trịt trên cành. Người dân nơi đây cho biết, năm 2019, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên bắt đầu triển khai dự án “Ứng dụng khoa học và công nghệ sản xuất lê tại Bắc Kạn”.

Thấy mô hình phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai, một số hộ dân tại thôn Phiêng Phàng đã chủ động đăng ký trồng thử nghiệm giống lê VH6 trên diện tích đất đồi trước đây chủ yếu trồng ngô, sắn.

Gia đình anh Triệu Hữu Thành là hộ trồng nhiều lê VH6, với hơn 160 cây lê đang cho thu hoạch. Anh Thành chia sẻ: Tham gia mô hình, gia đình tôi và bà con trong thôn được cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, bón phân, tỉa cành, tạo tán rất cụ thể từ Trung tâm Đào tạo, nghiên cứu giống cây trồng và vật nuôi Trường Đại học Nông lâm.

Nhờ áp dụng khoa học - công nghệ, chăm bón tốt nên vườn lê của gia đình sai trĩu cành. Dù mới bước vào năm thứ 3 cho thu hoạch nhưng với giá bán trung bình 30.000 - 35.000đồng/kg sẽ đã đem lại thu nhập cao cho gia đình.

Không chỉ gia đình anh Thành, trong thôn Phiêng Phàng người dân đã đầu tư trồng giống lê VH6 và một số giống lê khác với diện tích lê cho thu hoạch trên 5ha. Trong đó, nhiều hộ dân chuyển đổi đất đồi trồng ngô sang trồng lê và bước đầu thấy rõ hiệu quả.

Anh Triệu Đình Quảng cho biết: Cây lê hợp với khí hậu, đất đai ở đây, lại dễ chăm sóc, ít sâu bệnh. Bà con trong thôn rất phấn khởi khi năm nay lê vừa được mùa, vừa được giá. Bà con đang tập trung thu hoạch và bán chủ yếu qua xã hội và gửi đi các địa phương trên địa bàn tỉnh làm quà biếu, quà tặng.

Nắm bắt tiềm năng từ cây lê, trong những năm qua chính quyền địa phương đã phối hợp với Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp sáng tạo tại Phiêng Phàng, trong đó có trải nghiệm hái lê, tham quan vườn sinh thái.

HTX Yến Dương cũng tham gia hỗ trợ người dân xây dựng mô hình trồng lê theo hướng hữu cơ; Xây dựng thương hiệu lê Nà Pài, thiết kế mẫu mã bao bì, xây dựng sản phẩm phục vụ thị trường và khách du lịch.

Bà Ma Thị Ninh, Giám đốc HTX Yến Dương, cho biết: HTX đang phối hợp với người dân trong thôn, xây dựng tổ hợp tác trồng lê, xây dựng thương hiệu cho quả lê Nà Pài, hướng tới sản phẩm OCOP trong thời gian tới.

Hợp tác xã Yến Dương hỗ trợ các thành viên xây dựng bao bì sản phẩm lê.

Hợp tác xã Yến Dương hỗ trợ các thành viên xây dựng bao bì sản phẩm lê.

Cây lê ngày càng tỏ rõ khả năng thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và tập quán canh tác của người dân Phiêng Phàng. Từ những kết quả bước đầu, bà con đang tiếp tục chuyển đổi diện tích đất đồi vốn trồng ngô cho hiệu quả thấp sang trồng lê.

Cùng với sự đồng hành của nhà khoa học, hợp tác xã và chính quyền địa phương, cây lê không chỉ là cây trồng mới mà còn là hy vọng hiện hữu trên hành trình giảm nghèo, phát triển kinh tế bền vững nơi vùng cao nơi đây.

Chinh Lan

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202507/le-na-pai-qua-ngot-vung-cao-b2d0476/